DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ bảy - 25/05/2019 00:53
Sau khi Cách mạng Tháng Tám của đất nước ta thành công chưa được bao lâu, chính quyền cách mạng ở các địa phương trong cả nước, nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa, miền núi có nhiều dân tộc sinh sống gặp rất nhiều khó khăn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phong trào. Để đáp ứng yêu cầu cách mạng, năm 1949 Trung ương Ðảng thấy cần thiết phải có một tổ chức Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện phong trào cách mạng ở những vùng này, trong đó có Ðiện Biên - Lai Châu.
/uploads/news/2019_07/1_1.jpg Đồng chí Trần Văn Sơn, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Điện Biên kiểm tra tiến độ xây dựng kè suối Hồng Líu, phường Nam Thanh, TP ĐiệnBiên Phủ. (Ảnh: Đức Huy). Ngày 10/10/1949, Ban Thường vụ Liên Khu ủy 10 quyết định thành lập Ban Cán sự Ðảng Lai Châu (tiền thân của Ðảng bộ tỉnh Ðiện Biên và Lai Châu ngày nay) với 3 ủy viên, do đồng chí Nguyễn Bá Lạc (tức Trần Quốc Mạnh) được chỉ định làm Trưởng ban. Ngày 2/12/1949, tại bản Lướt, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, Ban Cán sự Ðảng Lai Châu công bố quyết định của Liên Khu ủy 10 về việc thành lập Chi bộ Ðảng Lai Châu gồm 20 đồng chí. Việc ra đời Ban Cán sự Ðảng và Chi bộ Ðảng Lai Châu đánh dấu bước ngoặt lịch sử quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh được dẫn dắt bởi một tổ chức Đảng chân chính. Từ đó đến nay, ngày 10/10/1949 được lấy làm dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự ra đời của Ðảng bộ tỉnh. Trải qua 7 thập kỷ xây dựng và phát triển, Ðảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, giành nhiều thắng lợi quan trọng, góp sức cùng toàn Đảng và quân, dân cả nước vừa tiến hành công cuộc cách mạng dân chủ nhân dân: Kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ Biên giới Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc vừa xây dựng quê hương, đất nước phát triển theo con đường đi lên CNXH. Khi Đảng ta khởi xướng và trực tiếp lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước (1986), trong bối cảnh còn nhiều khó khăn; song được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, các địa phương trong cả nước, Ðảng bộ tỉnh đã có nhiều chủ trương, quyết sách phù hợp với đường lối của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ để lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân các dân tộc phát huy truyền thống Ðiện Biên Phủ anh hùng, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu giành được nhiều thành tựu trên các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; từng bước đưa Ðiện Biên vượt qua đói nghèo. Nhiều năm liền, tỉnh duy trì được đà tăng trưởng kinh tế khá và ổn định; cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực: Giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp, tăng tỷ trọng trong công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Sự nghiệp văn hóa, xã hội có bước phát triển: Quy mô, chất lượng giáo dục từng bước nâng lên, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm chỉ đạo. Các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, phát huy hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ đói nghèo. Các chương trình, dự án trọng điểm được tập trung triển khai; đẩy mạnh việc kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư. Diện mạo khu vực nông thôn, thành thị thay đổi rõ nét; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Đặc biệt, năm 2018 - năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (2015-2020), kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó nổi bật là: Kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn năm 2018 đạt 7,15%, bình quân giai đoạn 2016 - 2018 ước đạt 8,30%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết Ðại hội XIII Ðảng bộ tỉnh đề ra; GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 27,31 triệu đồng/người/năm, tăng 12,14% so với thực hiện năm 2017; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.144,5 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 10.237,7 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư. Thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp bước đầu có kết quả. Sản xuất nông nghiệp với việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung năng suất, chất lượng cao... Văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo phát triển nhanh. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ. Các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn, phát triển. Công tác an sinh xã hội và giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhất là các chính sách xã hội. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2016 - 2018 ước đạt 3,69%/năm (từ 48,14% cuối năm 2015 xuống 37,08% năm 2018). Quốc phòng - an ninh được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội ổn định; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường. Hoạt động đối ngoại được tăng cường, mở rộng; duy trì mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện với các tỉnh Bắc Lào, mở rộng quan hệ với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các tỉnh Ðông Bắc Thái Lan, các tổ chức quốc tế... Qua đó, đã tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ cuộc sống bình yên hạnh phúc của nhân dân. Ðánh giá sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIII, Ðiện Biên đã hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết đề ra. Ðến nay, đã có 17/18 nhóm chỉ tiêu chủ yếu cơ bản đạt, một số chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu Nghị quyết. Các chỉ tiêu cơ bản trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh so với các tỉnh trong vùng đều đạt ở mức khá. Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, Ðảng bộ tỉnh tập trung lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đạt được kết quả khá quan trọng. Tổ chức cơ sở Đảng đã phát triển rộng khắp từ tỉnh tới cơ sở, từ địa bàn vùng thấp tới vùng cao, biên giới. Hai nhiệm kỳ gần đây, Tỉnh ủy đều có nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức Đảng, đảng viên; trong đó chú trọng địa bàn khó khăn, các thôn, bản mới chia tách, thành lập, nơi chưa có tổ chức Đảng, đảng viên. Bằng cách làm cụ thể, quyết liệt, từ một ban cán sự Ðảng (tháng 10/1949), qua gần 7 thập kỷ đến nay, Ðảng bộ tỉnh có 14 Đảng bộ trực thuộc với 650 tổ chức cơ sở Đảng (233 Đảng bộ cơ sở, 417 chi bộ cơ sở); có trên 37.535 đảng viên. Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020 đến nay, toàn tỉnh đã kết nạp 5.887 đảng viên, “xóa” được 81 thôn, bản chưa có đảng viên, giảm gần 5% số bản chưa có đảng viên so với đầu nhiệm kỳ; “xóa” 149 thôn, bản chưa có Chi bộ, giảm 32 trường học chưa có Chi bộ; củng cố, kiện toàn, thành lập mới 20 tổ chức cơ sở Đảng (9 Chi bộ cơ sở, 11 Đảng bộ cơ sở ) và 248 Chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở. Tổ chức cơ sở Đảng, đội ngũ đảng viên phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các cấp ủy quan tâm công tác phát hiện, tạo nguồn, bồi dưỡng phát triển đảng viên, chú trọng đối tượng đoàn viên thanh niên, người dân tộc thiểu số, phụ nữ, lực lượng dự bị động viên, dân quân, cán bộ thôn, bản tích cực, hăng hái, nhiệt tình trong các phong trào thi đua ở cơ sở, có chí hướng phấn đấu trở thành đảng viên. Công tác chính trị, tư tưởng có nhiều đổi mới, thiết thực, góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Ðảng, sự đồng thuận trong xã hội. Nhiều cấp ủy, chi bộ từng bước đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt, đi sâu kiểm điểm đánh giá những nhiệm vụ trọng tâm, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, những vấn đề liên quan đến cán bộ, đảng viên, gắn với kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên. Thông qua đó, giúp đảng viên nâng cao ý thức, trách nhiệm, tích cực học tập, tự giác, gương mẫu chấp hành chủ trương, nghị quyết của Ðảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, thực hiện tốt nhiệm vụ của đảng viên, tích cực xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh. Các cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp và đảng viên từng bước phát huy và khẳng định vai trò hạt nhân chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xóa đói giảm nghèo, đưa nghị quyết Ðảng vào cuộc sống. Ðể có được những thành tựu đó, Ðiện Biên đã luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các bộ, ban, ngành, Trung ương, các tỉnh, thành phố. Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy tốt truyền thống cách mạng, truyền thống Ðiện Biên Phủ anh hùng; mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác với nhiều địa phương trong nước và quốc tế, thu hút được một số tập đoàn kinh tế lớn đến nghiên cứu, đầu tư vào địa bàn tỉnh. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, do hạn chế về các điều kiện phát triển nên Ðiện Biên còn là tỉnh đặc biệt khó khăn: Hạ tầng kinh tế xã hội còn thấp kém, nhất là giao thông đường bộ và đường hàng không; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, tăng trưởng kinh tế chưa cao, chưa bền vững; thương mại, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; quy mô ngành công nghiệp nhỏ, mức đóng góp vào kết quả tăng trưởng còn thấp... Trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ðảng bộ tỉnh đã xác định và quyết liệt chỉ đạo: Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém bằng giải pháp cụ thể, mang tính khả thi. Ðặc biệt, phát huy truyền thống 70 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh, các cấp ủy, tổ chức Đảng trong tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, xứng đáng là ngọn cờ lãnh đạo cách mạng địa phương. Từng cấp ủy, đảng viên trong toàn Ðảng bộ phải thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu, làm tốt công tác xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị, khối đoàn kết toàn dân gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng chỉnh đốn Ðảng. Chính quyền các cấp nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành; đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống chính trị; đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tiếp tục đẩy nhanh việc khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế, khâu đột phá để có bước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, tranh thủ mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đặc biệt là các công trình về giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế. Nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch, quản lý quy hoạch và thực hiện theo quy hoạch về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Tăng cường quan hệ đối ngoại, hợp tác và phát triển. Phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc. Phát triển văn hóa đi đôi với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, chính sách an sinh xã hội và các chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng nâng cao trình độ dân trí, phát triển nguồn nhân lực, đa dạng hóa các loại hình đào tạo; trọng tâm là đào tạo nghề, đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ người dân tộc ít người, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ ở cấp xã. Thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự - quốc phòng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới Quốc gia; tăng cường đầu tư xây dựng các công trình căn cứ hậu phương, khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc. Trong khí thế Kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Lai Châu - Điện Biên; 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh; 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, mỗi tổ chức Đảng và từng cán bộ, đảng viên và người dân trong tỉnh đều xác định việc gìn giữ và phát huy truyền thống Ðiện Biên Phủ anh hùng vừa là trách nhiệm, vừa là niềm vinh dự, tự hào của mình. Để qua đó làm cho truyền thống của Đảng bộ tỉnh, khí phách của Điện Biên phủ anh hùng tiếp tục được phát huy, trở thành động lực phấn đấu để mỗi địa phương, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và từng cán bộ đảng viên và người dân có những đóng góp cụ thể, thiết thực xây dựng Ðiện Biên giàu mạnh./.