Theo nhiều phân tích, đánh giá thì một trong những khó khăn lớn nhất của đợt sắp xếp lần này đó là tâm lý ngại thay đổi. Một số cá nhân, tổ chức lo ngại mất vị trí, quyền lợi, hoặc cảm giác bất an trước thay đổi lớn. Do đó, bên cạnh lộ trình khoa học, minh bạch thì tâm lý cán bộ được xem là nền tảng vững chắc giúp triển khai thực hiện thành công nghị quyết.
Phát huy tinh thần nêu gương
Thực tiễn cho thấy, ở đâu, nơi nào cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người đứng đầu nêu gương trong thực hiện, nơi đó bộ máy chính quyền hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn. Trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lại càng không ngoại lệ.
Tham gia công tác từ năm 1985, sau nhiều phấn đấu, nỗ lực ông Lò Văn Nguyên được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Mường Thín (huyện Tuần Giáo). Với gần 40 năm công tác tại địa phương, ông Nguyên đã đảm nhiệm qua nhiều vị trí khác nhau, như: Bí thư Đoàn xã, Trưởng Công an xã, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã. Tuy nhiên, trước đòi hỏi trong tình hình mới, với tấm bằng trung cấp, ông Nguyên khó đảm bảo và đáp ứng yêu cầu công việc.
Trước chủ trương tinh giản biên chế theo Nghị quyết 18, ông Nguyên chủ động xin nghỉ hưu trước tuổi. Ông chia sẻ: “Khi được cấp trên trao đổi, tôi cũng có chút tâm tư, băn khoăn. Tuy nhiên, đánh giá theo tiêu chuẩn mới tôi nhận thấy mình chưa đảm bảo về điều kiện tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ. Trong khi đó, bản thân tôi không những là đảng viên mà còn là lãnh đạo tổ chức đảng nên tôi hiểu đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng. Vì vậy tôi xác định trách nhiệm của cá nhân là phải gương mẫu, đi đầu, chủ động thực hiện tinh giản biên chế”.
Mặc dù không thuộc diện phải xem xét, bố trí nghỉ theo Nghị quyết 18, song vừa qua bà Tòng Thị Cúc đã tình nguyện xin nghỉ hưu sớm khi đang đảm nhiệm chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo). Bà Cúc là người địa phương, làm công tác dạy học từ năm 1992 tại xã Mường Mùn. Nỗ lực phấn đấu, bà được giao nhiều vị trí quan trọng tại trường học, UBND các xã trên địa bàn huyện. Hơn 30 năm công tác, gắn bó với cơ quan nhà nước, nay nghỉ ở nhà có phần hụt hẫng, song bà Cúc vẫn vui vẻ do đây là nguyện vọng của cá nhân.
“Đợt tinh giản biên chế này không đơn thuần là giảm biên chế mà là bố trí lại lực lượng cho tinh, gọn, nâng cao sức chiến đấu. Tôi thấy tuổi mình đã đến lúc về hưu, sức khỏe đã có phần giảm sút, trí tuệ cũng không còn nhanh nhạy như trước nữa, tôi không muốn làm khó cho cấp trên, không làm khó cho đơn vị nên tôi chủ động viết đơn xin được nghỉ hưu. Hơn nữa, công việc trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi rất nhiều sự nhanh nhạy, đổi mới, sáng tạo. Thế hệ chúng tôi nghỉ là phù hợp, nhường chỗ cho thế hệ trẻ, năng động, có môi trường phấn đấu và cống hiến” - bà Tòng Thị Cúc cho biết.
Ưu tiên làm tốt tâm lý và giải quyết chế độ
Ông Nguyên, bà Cúc chỉ là 2 trong tổng số 35 cán bộ trong danh sách tinh giản biên chế đợt 1, năm 2025 theo Quyết định số 2305/QĐ-UBND, ngày 18/12/2024 của UBND tỉnh. Quyết định nêu rõ, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện tinh giản biên chế cơ quan, đơn vị, địa phương được giao trực tiếp quản lý. Theo đó, có 17 nhân sự tinh giản biên chế là nghỉ hưu trước tuổi; 18 nhân sự tinh giản biên chế thôi việc ngay. Nhân sự tinh giản chủ yếu là khối hành chính cấp xã và khối sự nghiệp. Thực hiện chính sách hỗ trợ đối với nhân sự tinh giản biên chế, UBND tỉnh phân bổ kinh phí hơn 6,4 tỷ đồng để chi trả chế độ cho các cá nhân. Với khoản kinh phí này, mỗi cá nhân được chi trả trung bình từ 100 triệu đồng đến 380 triệu đồng.
Theo ông Lò Văn Nguyên, việc nhân sự tinh giản biên chế được hỗ trợ dù ít hay nhiều đều thể hiện đây là chính sách đúng đắn và nhân văn; đồng thời khẳng định sự quan tâm của tỉnh đối với các cá nhân liên quan. Riêng đối với cá nhân ông, bên cạnh việc giúp ổn định tư tưởng, để người nghỉ yên tâm, không bị thiệt thòi, thì khoản hỗ trợ này còn tạo điều kiện để ông có nguồn vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất của gia đình. “Sau nghỉ hưu, tôi dự định tập trung thời gian và công sức vào việc mở rộng chăn nuôi, trồng thêm cây cà phê và mắc ca” - ông Nguyên chia sẻ.
Việc tổ chức sắp xếp bộ máy dù ở giai đoạn nào thì mục tiêu lớn nhất hướng đến đều là xây dựng hệ thống chính trị thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phục vụ người dân tốt nhất. Tuy nhiên, trong thực hiện sắp xếp bộ máy, khó khăn và rào cản lớn nhất là vấn đề nhân sự dôi dư và vẫn sẽ có những cán bộ có tâm lý “ngại thay đổi”, có cảm giác bất an trước thay đổi. Điều này có thể dẫn tới sự xáo trộn, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính trị thời gian đầu sắp xếp, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.
Xác định được điều này, trong quá trình sắp xếp tinh gọn bộ máy, tỉnh luôn dành sự quan tâm đến tâm lý cho cán bộ, cũng như giải quyết tốt các chế độ, chính sách liên quan.
Ban Cán sự đảng UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 480 về việc định hướng triển khai nhiệm vụ tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Theo định hướng về sắp xếp, tinh gọn, tỉnh sẽ giảm 5 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 2 cơ quan chuyên môn cấp huyện và 31 đơn vị sự nghiệp công lập. Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương chú trọng làm tốt công tác ổn định tâm lý cán bộ. Trong việc sắp xếp tinh giản bộ máy, ngoài cơ chế của Trung ương, tỉnh sẽ có cơ chế vượt trội, đặc thù để quan tâm đến đời sống của cán bộ, công chức không còn làm nhiệm vụ nữa hoặc được tinh giản. Làm sao để có những cơ chế, chính sách và có sự đồng thuận của người dân, thông suốt về mặt tư tưởng của cán bộ, đảng viên.
Ông Trịnh Hoàng Thắng, Giám đốc Sở Nội vụ cho hay: Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hợp nhất giữa các quan đơn vị trong tỉnh được thực hiện bám sát theo tinh thần chung của trung ương. Riêng về phía Sở Nội vụ cũng đã chủ động phối hợp với Sở Lao động - Thương binh & Xã hội - đơn vị sẽ tiến hành hợp nhất. Trước tiên là quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức trong 2 cơ quan yên tâm ổn định công tác. Nhất là hiện nay đang vào thời điểm cuối năm, khối lượng công việc rất lớn.
“Hiện nay phương án sắp xếp đã được các đơn vị, địa phương trong tỉnh hoàn tất, với sự thống nhất, đồng thuận của toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức viên chức và người lao động, cũng như sự ủng hộ của nhân dân. Dự kiến cuối tháng 2, UBND tỉnh, UBND cấp huyện phải có báo cáo về phương án cơ cấu của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện. Với tiến độ như vậy đòi hỏi sự chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, sự chuẩn bị kỹ các nội dung phương án” - ông Thắng chia sẻ.
Tin tưởng rằng, với sự chủ động, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị hiện nay, cùng “trợ lực” từ các chính sách, cơ chế đặc thù, tỉnh Điện Biên sẽ tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết 18.
Nguồn tin: baodienbienphu.com.vn
Những tin cũ hơn