Còn nhiều khó khăn
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 500 sản phẩm được đưa lên sàn TMĐT; tỷ lệ dân số tham gia mua sắm trực tuyến đạt trên 30%; tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ có tài khoản TMĐT đạt 20% và tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn TMĐT đạt 50%. TMĐT giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tỉnh tiếp cận thông tin thị trường nhanh; giảm đáng kể thời gian và chi phí giao dịch, tiếp thị, phát triển thị trường, tìm kiếm đối tác; thanh toán nhanh chóng và tiện lợi.
Chỉ cần mở điện thoại gõ các cụm từ: “Đặc sản Điện Biên”, “đặc sản Điện Biên - Hương vị Tây Bắc”, “cửa hàng đặc sản Điện Biên”… trên facebook, người tiêu dùng dễ dàng xem một livestream bán hàng và rất nhiều sản phẩm được giới thiệu với lời quảng cáo “có cánh”: Thơm ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm, được đổi trả hàng, giảm giá sốc duy nhất chỉ có trong livestream. Người xem chỉ cần để lại số điện thoại ngay dưới phần bình luận, hoặc nhắn tin, sẽ được nhân viên tư vấn nhiệt tình, chốt đơn các sản phẩm nông đặc sản và được giao tận nhà chỉ sau vài ngày.
Chính cách mua hàng nhanh gọn đã khiến người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng mà ít chú ý đến chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm. Thực tế đã có không ít đối tượng lợi dụng TMĐT để rao bán, quảng cáo, khuyến mại hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... đặc biệt là mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm.
Qua công tác theo dõi, nắm tình hình hoạt động kinh doanh hàng hóa trên các nền tảng TMĐT và quản lý địa bàn, thời gian qua Tổ công tác TMĐT, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã phối hợp với các đội QLTT kiểm tra hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội các mặt hàng nông sản đặc sản, giày dép, quần áo, mỹ phẩm. Kết quả hầu hết số lượng hàng hóa không có nhãn mác hoặc do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng chữ nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng chữ Việt Nam; một số sản phẩm không thể hiện rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm, lực lượng QLTT gặp nhiều khó khăn, như: Các tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng lập và sử dụng nhiều tài khoản để thực hiện việc kinh doanh hàng hóa trên các nền tảng mạng xã hội: Zalo, facebook, tiktok... gây khó khăn trong công tác xác minh địa điểm, kho hàng. Việc chứng minh giao dịch thương mại trên mạng xã hội là rất khó, phức tạp, bởi người mua - người bán trao đổi qua inbox cá nhân; hàng hóa vận chuyển qua dịch vụ vận chuyển, hoặc qua đường bưu chính, thanh toán trực tuyến bằng tài khoản cá nhân.
Tăng cường đấu tranh
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả không có diễn biến nổi cộm, không phát sinh các tụ điểm phức tạp. Tuy nhiên, thị trường luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra vi phạm, các đối tượng lợi dụng vị trí địa lý, thời tiết, trình độ dân trí không đồng đều; nhất là sự tiện lợi trong việc mua sắm trực tuyến trên các sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội. Các đối tượng sử dụng phương thức, thủ đoạn khác nhau như: Lợi dụng giờ cao điểm, sử dụng phương tiện kỹ thuật số, thiết bị viễn thông, ứng dụng mạng xã hội, dịch vụ chuyển phát nhanh, shipper để vận chuyển, kinh doanh gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra kiểm soát, xử lý vi phạm. Trong đó, các mặt hàng vi phạm trên địa bàn chủ yếu là thuốc lá, rượu, khí dầu mỏ hóa lỏng (chiếm 50 - 75%).
Ông Lò Ngọc Minh, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Để đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, thúc đẩy TMĐT phát triển bền vững, tránh thất thu thuế, Cục QLTT đã triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT. Các đội QLTT trực thuộc, đặc biệt là Đội QLTT cơ động chủ động, nắm chắc diễn biến tình hình, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động TMĐT (quảng cáo, giới thiệu, chào bán, vận chuyển, giao nhận hàng hóa). Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và kết quả phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm trong hoạt động TMĐT để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân.
Cuối năm 2023, Bộ Công Thương đã quyết định dừng thực hiện đối với đề án “Xây dựng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của tỉnh Điện Biên trên không gian số” và phê duyệt điều chỉnh, bổ sung đề án “Giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng TMĐT cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh Điện Biên” với tổng kinh phí thực hiện 500 triệu đồng. Sở Công Thương cũng hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia Sàn giao dịch TMĐT uy tín để quảng bá, giới thiệu bán sản phẩm hàng hóa. Hỗ trợ mô hình “Chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt”… Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; hạn chế những vụ việc vi phạm, lợi dụng TMĐT; đồng thời, khuyến khích các sàn giao dịch TMĐT trên địa bàn phát triển, trở thành kênh mua sắm uy tín, chất lượng và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Nguồn tin: baodienbienphu.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn