Hiện nay, phụ nữ Hà Nhì (huyện Mường Nhé) vẫn giữ được nét đặc sắc trang phục dân tộc mình và thường mặc vào các dịp lễ, tết.
Nguy cơ mai một
Ở tỉnh Điện Biên, Si La là một những dân tộc rất ít người với 52 hộ, 237 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu ở bản Nậm Sin, xã Chung Chải (huyện Mường Nhé). Trước kia, người Si La có tập quán du canh, du cư, sống phụ thuộc vào việc làm nương rẫy, Tuy vậy, họ vẫn giữ được nét văn hóa đặc sắc của đồng bào, thể hiện trên trang phục truyền thống của dân tộc mình, nhất là trang phục nữ. Theo tài liệu của Bảo tàng tỉnh, áo của phụ nữ Si La thường được may bằng vải màu đen, loại áo bó thân, cài cúc chéo, cổ áo được trang trí bằng đường viền hai dải vải màu xanh và đỏ. Đường khâu ghép giữa cổ và thân áo bằng chỉ màu và được khâu nổi để trang trí, giữa cổ và thân áo được khâu ghép bằng đường chỉ màu. Việc ghép vải ở cổ, gấu, tay áo và trang trí đồng xu bạc trước ngực tạo cho áo phụ nữ Si La nét đặc trưng nổi bật riêng biệt… Đối với váy, thường được khâu may khép kín, màu đen, mặc dài đến mắt cá chân, váy được chia thành hai phần cạp váy và thân váy. Thắt lưng được làm bằng vải tơ tằm hay sợi bông màu xanh, hai đầu của thắt lưng trang trí các viền vải hoa văn màu sắc khác nhau, thắt lưng có tác dụng giữ cho cạp váy quấn chặt lấy eo bụng. Khăn đội đầu của phụ nữ dân tộc Si La có hai loại khăn: khăn trắng và khăn đen. Từ xa xưa, người Si La đã có phong tục truyền thống trong việc đội khăn theo từng lứa tuổi. Đội khăn không chỉ thể hiện bản sắc riêng, mà còn là dấu hiệu nhận biết thiếu nữ và phụ nữ đã lập gia đình của dân tộc Si La. Ông Lê Hồng Nam, Phó trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Mường Nhé, chia sẻ: Với dân tộc Si La, việc khâu vá, thêu thùa đã hình thành từ rất lâu và được truyền lại qua nhiều thế hệ. Bất cứ những người con gái dân tộc Si La nào từ khi còn nhỏ đến tuổi trưởng thành đều cũng phải học khâu vá, thêu thùa để tạo ra những sản phẩm, trang phục truyền thống cho gia đình… Tuy nhiên hiện nay, không phải ai cũng làm ra được những bộ trang phục đúng theo truyền thống của dân tộc mình, trên thực tế mỗi người trong bản chỉ có một đến hai bộ để mặc vào những dịp lễ tết, cưới hỏi... việc mặc trong sinh hoạt không được thực hiện thường xuyên. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm mai một, thất truyền bản sắc văn hóa của dân tộc.
Tương tự dân tộc Si La, trong số 19 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, hiện nay, một số bản sắc truyền thống của người Phù Lá, như: lễ hội, ngôn ngữ, trang phục truyền thống đang nguy cơ mai một. Theo đó, trang phục của nam giới dân tộc Phù Lá theo truyền thống là mặc áo loại xẻ ngực, áo được may từ 6 miếng vải, cổ thấp, ống tay hẹp, cổ tay thêu hoa văn như áo phụ nữ. Đối với phụ nữ Phù Lá chưa chồng thường để tóc dài quấn quanh đầu; đầu quấn khăn vuông đen hoặc chàm, bốn góc và giữa khăn có đính hạt cườm. Người Phù Lá không có tục mặc 2 áo như một số dân tộc khác mà thường mặc áo ngắn 5 thân, dài tay, cổ vuông, thấp, chui đầu. Trên nền chàm của áo, thân được chia thành các khu vực trang trí. Cổ áo vuông và mô típ hoa văn trang trí cũng như bố cục dùng màu làm cho áo phụ nữ Phù Lá không bị lẫn với các tộc người khác. Tuy nhiên, do người Phù Lá ở phân tán (chủ yếu sinh sống tại huyện Tuần Giáo và Tủa Chùa), số người ít, một số lại kết hôn với các dân tộc khác nên đã theo phong tục, ăn mặc, sinh hoạt… cùng các dân tộc khác trên địa bàn.
Không chỉ trang phục dân tộc Si La, Phù Lá, hiện nay, nhiều dân tộc khác trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung cũng đang bị đồng hóa, mai một. Điển hình như trang phục các dân tộc Khơ Mú, Xinh Mun, Kháng có nét tương đồng với trang phục dân tộc Thái, dân tộc Lào; trang phục nữ của dân tộc Phù Lá lại giống với trang phục dân tộc Mông; trang phục người Si La có một số điểm giống trang phục người dân tộc Thái… Nguyên nhân dẫn đến thực trang trên là do nhu cầu, suy nghĩ và lối sống của người dân có sự thay đổi đối với trang phục truyền thống. Hơn nữa, việc giữ gìn, sử dụng, truyền đạt cho thế hệ trẻ còn hạn chế.
Nỗ lực gìn giữ
Qua khảo sát của cơ quan chức năng, hiện nay hầu hết trang phục nam giới của các dân tộc thiểu số cả nước nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng cơ bản không còn được lưu giữ. Đối với trang phục của người phụ nữ thì còn gìn giữ tốt hơn song người dân cũng chỉ mặc trong các dịp lễ, tết hoặc các sự kiện hoạt động văn hóa của gia đình, cộng đồng. Đặc biệt, sau 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU năm 2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, việc bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc đã làm phong phú sản phẩm du lịch, định vị hình ảnh, quảng bá thương hiệu du lịch, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 18/19 dân tộc được kiểm kê, đánh giá về di sản văn hóa, trong đó có 11 dân tộc có di sản văn hóa tiêu biểu, đại diện được bảo tồn, phát huy, gồm: Thái, Mông, Khơ Mú, Xinh Mun, Kháng, Hà Nhì, Si La, Cống, Hoa, Lào, Dao. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh chưa đồng đều, toàn diện; tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, trang phục truyển thống của một số dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nguy cơ mai một… Trước thực trạng đó, năm 2019 UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh giai đoạn 2019 – 2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện kế hoạch thời gian qua, các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan báo chí, cổng thông tin các huyện, thị, thành phố… trong tỉnh đã nỗ lực, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giá trị trang phục truyền thống các dân tộc. Cùng với đó, các ngành cũng tổ chức tập huấn phương pháp, kỹ năng bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống đồng bào các dân tộc; lồng ghép tổ chức các hội thi trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc gắn với lễ hội, như: ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch; ngày hội đại đoàn kết các dân tộc…
Phụ nữ dân tộc Hà Nhì chơi trò chơi tại Lễ hội văn hóa Tết cổ truyền dân tộc.
Đặc biệt, nhằm phát huy kết quả đạt được trong nỗ lực bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên nói chung, trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói riêng, trên cơ sở đánh giá những chuyển biến cũng như mặt tồn tại, hạn chế, ngày 29/7 vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đây được xem là Nghị quyết hết sức quan trọng nhằm bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh trong giai đoạn hội nhập.