Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên tăng cường các hoạt động hợp tác với tỉnh Phông-sa-ly theo Biên bản ghi nhớ ký kết giữa Sở tư pháp hai tỉnh về quốc tịch, hộ tịch, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, như: Kịp thời thông báo cho nhau về việc kết hôn của công dân vùng biên giới hai tỉnh sau khi Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào để kịp thời hỗ trợ công dân giải quyết các thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân, giấy tờ tùy thân của công dân, thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định của mỗi nước, phù hợp với nguyện vọng của công dân. Phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo, tăng cường công tác đăng ký và quản lý đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam và công dân Lào đang cư trú, sinh sống trên địa bàn mỗi tỉnh, nắm tình hình dân di cư tự do. Hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để thực hiện đăng ký kết hôn đối với các trường hợp công dân Lào và công dân Việt Nam sống chung với nhau như vợ chồng ở khu vực biên giới nhưng chưa đăng ký kết hôn. Chủ động rà soát, phân loại, hướng dẫn, tạo điều kiện cho công dân của nước bên kia có nguyện vọng nhập quốc tịch nước mình và đề nghị cấp có thẩm quyền cho nhập quốc tịch đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật mỗi nước.
Đoàn công tác Sở Tư pháp tỉnh U-đôm-xay (nước CHDCND Lào) trao đổi kinh nghiệm lĩnh vực
tư pháp với Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên.
Tăng cường công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở khu vực biên giới, Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, UBND các huyện biên giới trên địa bàn tỉnh tăng cường quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nội dung Kết luận Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào mở rộng lần thứ tư tại Viêng Chăn - Lào năm 2018 và chỉ đạo triển khai thực hiện Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào đảm bảo bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với thực tiễn tại địa phương. Trong năm 2018, UBND tỉnh đã chỉ đạo Tổ chuyên viên liên hợp của tỉnh Điện Biên phối hợp với tỉnh Phông-sa-ly (nước CHDCND Lào) thực hiện rà soát về tình hình người di cư tự do, kết hôn không giá thú ở khu vực biên giới Việt - Lào; tổng hợp danh sách đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, cho nhập quốc tịch theo quy định. Chỉ đạo Sở Tư pháp tăng cường tổ chức tập huấn hướng dẫn việc rà soát người kết hôn không giá thú, hỗ trợ làm hồ sơ xin nhập quốc tịch, đăng ký hộ tịch cho UBND 4 huyện: Điện Biên, Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé và 25 UBND xã biên giới 4 huyện nói trên và 25 UBND xã biên giới có người kết hôn không giá thú đã được phê duyệt theo quy định của Thông tư số 03/2015/TT-BTP của Bộ Tư pháp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 83 trường hợp kết hôn không giá thú được nhập quốc tịch Việt Nam; 26 trường hợp chưa được làm hồ sơ xin nhập quốc tịch (trong đó 14 trường hợp di cư, kết hôn sau thời điểm 08/7/2013 đã được hỗ trợ đăng ký và cấp giấy tờ hộ tịch theo quy định của pháp luật; 12 trường hợp còn lại chưa được làm hồ sơ xin nhập quốc tịch).
Danh sách người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai tỉnh Điện Biên - Phông-sa-ly đã được Trưởng đoàn đại biểu biên giới và Bộ Ngoại giao hai nước phê duyệt, đồng ý cho thực hiện các thủ tục liên quan đến nhập quốc tịch, cấp đăng ký kết hôn, trong đó số người Lào kết hôn không giá thú có nguyện vọng ở lại Việt Nam là 94 trường hợp; số người Việt Nam di cư tự do kết hôn không giá thú có nguyện vọng ở lại Lào là 475 người (trong đó 300 người di cư tự do, 175 người kết hôn không giá thú).
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp, UBND các huyện biên giới chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với UBND các xã biên giới tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người thân và gia đình tìm cách liên hệ trực tiếp 8 trường hợp đã quay trở lại Lào để thực hiện các thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam. Tình hình đăng ký, quản lý hộ tịch đối với các trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam: Đã đăng ký kết hôn cho 52 trường hợp; khai sinh cho 62 trường hợp; xác nhận tình trạng hôn nhân cho 1 trường hợp; các trường hợp còn lại chưa đăng ký do vắng mặt tại địa bàn, có trường hợp đã chết, đang trong thời gian thi hành án... Sau khi giải quyết xong đăng ký hộ tịch, cơ quan tư pháp địa phương đã hướng dẫn công dân đến cơ quan công an để làm thủ tục đăng ký cấp giấy Chứng minh nhân dân, làm sổ hộ khẩu cho 73 công dân. Việc đăng ký hộ tịch, hộ khẩu cấp giấy Chứng minh nhân dân cho người dân đã đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng của công dân sớm ổn định cuộc sống, hòa nhập vào đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương theo đúng quy định của Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào.