Từ “Phượt” mới xuất hiện trong giới trẻ nước ta gần 20 năm trở lại đây để nói về những chuyến đi dài, đến những nơi mới lạ trên những cung đường ấn tượng. “Phượt thủ” được coi là những người đi phượt, bề dày thành tích được tính bằng các cung đường và điểm đến.
Không biết từ khi nào, cộng đồng phượt truyền tai nhau về 11 mục tiêu “4 cực, 1 đỉnh, 2 ngã ba biên giới và tứ đại đỉnh đèo” để chinh phục. Trong đó có 4 cực (Đông, Tây, Nam, Bắc); đỉnh Fansipan; 2 Ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc (tỉnh Điện Biên), Việt Nam - Lào - Campuchia hay còn gọi là Ngã ba Đông Dương (tỉnh Kon Tum) và tứ đại đỉnh đèo: Ô Quy Hồ (Lai Châu), Pha Đin (Điện Biên), Khau Phạ (Yên Bái) và Mã Pì Lèng (Hà Giang).
Điện Biên - nơi có ngã ba biên giới (Việt Nam - Lào - Trung Quốc) được đánh dấu bằng cột mốc 3 cạnh (không số) đặt trên đỉnh núi Khoang La San, thuộc bản A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé nên còn gọi là cột mốc A Pa Chải hay cột mốc số 0.
Đây cũng chính là điểm cuối cùng ở cực Tây Tổ quốc được mệnh danh nơi “một con gà gáy, 3 nước cùng nghe”. Ngoài ra, đỉnh Đèo Pha Đin huyền thoại cũng thuộc 1 trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng Tây Bắc. Do vậy nếu đến Điện Biên bạn đã có cơ hội chinh phục 3 trong số 11 mục tiêu.
Ngoài ra, Điện Biên còn là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. Với 19 dân tộc sinh sống đã tạo nên một nền văn hóa phong phú, nhiều màu sắc. Cùng với đó, hệ thống các lễ hội, văn hóa tâm linh diễn ra vào nhiều thời điểm trong năm, như: Lễ hội đua thuyền đuôi én thị xã Mường Lay, Lễ hội Hoa Ban, Lễ hội Thành Bản Phủ... Hay Tết Hồ Sự Chà của dân tộc Hà Nhì ở ngã ba biên giới, Tết Nào Pê Chầu của dân tộc Mông, Tết té nước của dân tộc Lào...
Bên cạnh đó, mỗi dân tộc cũng có những nét văn hóa ẩm thực rất đặc trưng mang hương vị của núi rừng tạo nên sức hấp dẫn và để lại ấn tượng mạnh đối với du khách đã một lần thưởng thức.
Cùng với Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên phủ gồm hàng chục điểm di tích thành phần, Điện Biên còn có nhiều di tích mang dấu ấn của lịch sử hình thành và kiến tạo nên những giá trị lịch sử gắn với đời sống tâm linh và văn hóa.
Một điểm đến, nhiều trải nghiệm
Do đặc thù công việc thường xuyên di chuyển nên tôi được nhiều nhóm phượt nhờ lên kế hoạch và tư vấn lịch trình trước khi đến Điện Biên. Trong những chuyến đồng hành như vậy tôi có thêm nhiều bạn “phượt” và cũng là người chứng kiến những cảm xúc, sẻ chia của họ trong suốt hành trình.
Đối với những người yêu xê dịch thì tiêu chí quan trọng của mỗi chuyến đi là được ngắm cảnh đẹp thiên nhiên, trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa, con người của những miền đất mới.
Nếu coi Hà Nội là điểm xuất phát thì các đoàn phượt sẽ di chuyển theo QL6, khi hết địa phận huyện Thuận Châu (Sơn La) là gặp con đèo Pha Đin huyền thoại nổi tiếng trong lịch sử. Từ đỉnh đèo, có 2 lựa chọn: Di chuyển trên cung đèo mới để ngắm thung lũng bồng bềnh mây trắng hoặc đi theo cung đèo cũ để được trải nghiệm sự hoang sơ và những khúc “cua tay áo” từng là nỗi kinh hoàng của các tay lái miền xuôi.
Nhiều người cũng lựa chọn cung phượt theo QL279 - tuyến đường nổi tiếng gắn với cuộc chiến tranh biên giới (2.1979). Tuyến đường này dài hơn 970km đi qua các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La và kết thúc ở Điện Biên.
Những người đến Điện Biên lần đầu thường dành nửa ngày hoặc 1 ngày để đi thăm các điểm di tích lịch sử thuộc Di tích quốc gia - Chiến trường Điện Biên Phủ. Trong đó, một nơi khó có thể bỏ qua Khu di tích Mường Phăng - Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, nơi trước kia Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở và làm việc trong chiến dịch Điện Biên lịch sử.
Để chinh phục ngã ba biên giới - cực Tây A Pa Chải, du khách sẽ phải di chuyển khoảng 260km từ TP.Điện Biên Phủ đến bản A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé. Sau đó, từ Đồn Biên phòng 317, di chuyển thêm 5km nữa đến chân núi Khoang La San và bắt đầu hành trình chinh phục.
Thời gian chinh phục cực Tây giao động từ 2 đến 2,5 tiếng tùy thuộc vào sức khỏe và kinh nghiệm, khi quay xuống sẽ nhanh hơn một chút. Dọc đường đi du khách sẽ được chứng kiến khung cảnh đầy mê hoặc của khu rừng nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ, các loài phong lan treo mình trên những thân cây, chim muông líu lo ca hát.
Cột mốc số 0 là điểm đến cuối cùng trên hành trình trình chinh phục, 1 hình trụ tam giác được làm bằng đá granit cao 2m, 3 mặt quay về 3 nước (Việt Nam - Lào -Trung Quốc), mỗi mặt có tên và quốc huy của mỗi nước. Từ đây có thể phóng tầm mắt qua các dãy núi trùng trùng điệp điệp trải dài đến tận chân trời. Nhiệt độ tại đây thường thấp hơn nhiệt độ ở khu vực TP.Điện Biên Phủ khoảng 5 độ C.
Du khánh chinh phục cột mốc số 0 - A Pa Chải.
Được biết, tỉnh Điện Biên đã có kế hoạch mở rộng sân cột mốc và xây dựng điểm ngắm cảnh tại Mốc giao điểm ba đường biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc để phục vụ du lịch. Theo thiết kế, điểm ngắm cảnh sẽ có hình tròn, với diện tích 255m
2, bán kính 9m; sân mốc hướng về mỗi quốc gia thể hiện bản đồ du lịch từ cột mốc đến thủ đô mỗi nước...
Ðây sẽ là điểm nhấn có ý nghĩa quan trọng góp phần cùng với những đề án quy hoạch của tỉnh về phát triển kinh tế vùng biên làm cho khu vực A Pa Chải trở thành trung tâm thương mại, du lịch và văn hóa của khu vực vành đai biên giới.
Ngoài cung phượt chính: Đèo Pha Đin - TP.Điện Biên Phủ - A Pa Chải được nhiều người yêu thích thì khi đến Điện Biên du khách còn rất nhiều lựa chọn để trải nghiệm về văn hóa, các phiên chợ vùng cao và hay khám phá hệ thống hàng chục các hang động hoang sơ, huyền bí.
Trong những năm gần đây, khi phong trào đi phượt của các bạn trẻ đã trở nên phổ biến thì Điện Biên luôn là điểm đến được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Có thể nói: Là người yêu xê dịch, ai cũng muốn đến Điện Biên - ít nhất một lần!