Đoàn công tác các tỉnh Luông-pha-bang, Phông-sa-ly khảo sát, tìm hiểu kinh nghiệm trồng cây mắc ca ở Điện Biên

Thứ ba - 30/05/2023 03:42
DIC - Ngày 29/5, Đoàn công tác của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Luông-pha-bang do đồng chí Kiều Thị Hằng Phúc, Tổng Lãnh sự làm Trưởng đoàn; đoàn công tác tỉnh Luông-pha-bang, Phông-sa-ly (nước CHDCND Lào); Văn phòng Công Thương Điện Biên tại Luông-pha-bang và Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Lào đã có buổi làm việc với tỉnh Điện Biên, trao đổi về kết quả thực hiện các dự án trồng cây mắc ca.


Đại biểu tham dự buổi làm việc.
Đồng chí Lò Văn Tiến, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên thông tin: Qua các nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cũng như thực tế theo dõi tình hình phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh có thể khẳng định tỉnh Điện Biên có điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để cây mắc ca phát triển. Với tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, tỉnh Điện Biên định hướng phát triển cây mắc ca thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong giai đoạn 2021 - 2025.
Để phát triển cây mắc ca theo hướng tập trung, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tỉnh Điện Biên đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 13 dự án trồng cây mắc ca, với quy mô trồng tập trung trên 85.815 ha. Đến nay, các nhà đầu tư đã tổ chức trồng được 4.221 ha tại địa bàn các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Nhé và Thành phố Điện Biên Phủ. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 350 ha cho thu hoạch quả, với sản lượng khoảng 380 tấn quả tươi.
Chia sẻ với Đoàn công tác về kinh nghiệm trồng cây mắc ca, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến cho biết: Tỉnh Điện Biên đã xem xét thận trọng và từng bước phát triển cây mắc ca (trồng thử nghiệm, đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển mở rộng. Các vùng trồng mắc ca theo hướng tập trung và thực hiện các dự án theo chuỗi khép kín từ trồng, chăm sóc đến thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…
Lãnh đạo 2 tỉnh Luông-pha-bang và Phông-sa-ly cho rằng: Hai tỉnh này có điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, môi trường khá tương đồng với tỉnh Điện Biên nên việc phát triển cây mắc ca là phù hợp. Qua việc tham quan các mô hình trồng mắc ca tại xã Thanh Minh và xã Nà Nhạn (Thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên); thành viên trong Đoàn công tác không chỉ được tìm hiểu về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca mà còn hiệu quả kinh tế từ loại cây trồng này. Lãnh đạo 2 tỉnh mong muốn tỉnh Điện Biên tiếp tục chia sẻ nhiều hơn kinh nghiệm về kỹ thuật trồng, cây giống mắc ca; quan tâm, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tỉnh Điện Biên sang khảo sát, đầu tư phát triển cây trồng mắc ca tại các tỉnh Bắc Lào trong thời gian tới.

Đồng chí Lò Văn Tiến, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên (đứng thứ 3 từ bên trái sang) tặng quà cho Đoàn công tác
Trước đó, Đoàn công tác đã đi thăm và làm việc với Trạm Cửa khẩu Huổi Puốc; khảo sát, học tập kinh nghiệm trồng cây mắc ca tại xã Thanh Minh, Nà Nhạn, Thành phố Điện Biên Phủ.

 

Tác giả: Tin, ảnh: Minh Thùy

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây