Phụ nữ Mường Chà tuyên truyền về chống mua bán phụ nữ trong chuyên mục Dân tộc và Phát triển - Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Điện Biên. Ảnh: Trung Dũng
Để thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về quyền con người ở Việt Nam”, ban hành kèm theo Quyết định số 16/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch tăng cường công tác tuyên truyền về nhân quyền trên địa bàn tỉnh; giao nhiệm vụ cho các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân chủ, nhân quyền, những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quyền con người trên các lĩnh vực: Chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đồng thời, tỉnh cũng triển khai, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành bảo đảm, thúc đẩy quyền con người trên tất cả các lĩnh vực; nhất là về xóa đói giảm nghèo, đảm bảo quyền những nhóm dễ bị tổn thương. Nhờ đó, nhận thức về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền về quyền con người ở các cơ quan chức năng và cấp ủy chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên ngày càng được nâng cao.
Với nhiệm vụ được giao, Sở Thông và Truyền thông Điện Biên đã chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh về các nội dung liên quan đến kết quả công tác đảm bảo quyền con người. Riêng năm 2020, Sở đã phối hợp với Sở Ngoại vụ tham mưu tiếp đón, hướng dẫn cho 02 Đoàn phóng viên Nhật Bản đến thực hiện phóng sự ngắn về các nạn nhân bị bán ra nước ngoài trở về Điện Biên và quảng bá du lịch cho tỉnh; tham mưu UBND tỉnh trả lời nội dung theo đề nghị của các cơ quan báo chí trong nước tìm hiểu thông tin về thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật về hoạt động báo chí, thông tin tuyên truyền.
Đồng thời, Sở Thông và Truyền thông cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, cơ quan có ấn phẩm báo chí, Cổng/Trang thông tin điện tử và hệ thống thông tin cơ sở trong toàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về bảo vệ quyền con người trên các phương tiện thông tin đại chúng, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, như: Công tác tuyên truyền về quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương, quyền của trẻ em; các quyền dân sự, chính
trị, quyền được thông tin, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, quyền được bảo về thông tin cá nhân, quyền bình đẳng giới, xóa đói giảm nghèo, tiếp cận các dịch vụ xã hội… được quy định trong Hiếp pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2015 và các văn bản luật khác.
Triển khai công tác tuyên truyền, mỗi năm các cơ quan báo chí của tỉnh đã có hằng trăm tin, bài tuyên truyền về bảo vệ quyền con người, tập trung vào tình hình thực hiện các chính sách dân tộc nhằm đảm bảo quyền của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trong bối cảnh hội nhập quốc tế; tình hình thực hiện các Công ước quốc tế và tác động tới vùng DTTS và miền núi; việc triển khai các chương trình dự án đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc trong đời sống kinh tế, chính trị và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tham gia các hoạt động y tế, văn hóa, xã hội, nhân đạo, từ thiện,… Đồng thời, đấu tranh phản bác các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, sai trái, kích động về tình hình dân chủ, nhân quyền nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng của các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị…
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước hệ thống báo chí tỉnh Điện Biên cũng tích cực tuyên truyền cung cấp thông tin tổng hợp, toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng, trong nước, trong tỉnh giúp nhân dân các dân tộc nắm bắt kịp thời thông tin thời sự, thỏa mãn nhu cầu văn hóa, mở mang và trau dồi tri thức, giúp mọi tầng lớp nhân dân nâng cao hiểu biết về quyền con người. Đồng thời, qua thông tin báo chí giúp người dân được tiếp cận với các vấn đề quan trọng của đất nước, như: Công tác kiểm tra, giám sát thực thi các chính sách, pháp luật của Nhà nước; các dự thảo Luật; các dự thảo Văn kiện của Đảng trước các kỳ đại hội… để các tổ chức xã hội, mọi người dân tham gia, đóng góp ý kiến xây dựng, bổ sung vào các chính sách của Đảng, Nhà nước và của các cấp chính quyền.
Công tác thông tin tuyên truyền về quyền con người được các cơ quan báo chí của tỉnh thông tin đến độc giả bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Báo Điện Biên Phủ tuyên truyền cả trên 04 ấn phẩm báo in và báo điện tử với các thể loại như tin, bài, ảnh, phóng sự truyền hình. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Điện Biên ngoài việc tuyên truyền bằng tiếng Việt, Đài còn biên tập, biên dịch, xây dựng các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc Thái, Mông phát trên sóng phát thanh, truyền hình tỉnh để tuyên truyền đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, Đài còn đăng tải lên trang dienbientv.vn; trang Fanpage; kênh Youtube; gửi cộng tác phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam nhằm tích cực đưa thông tin về hoạt động lao động sản xuất, giữ gìn và bảo vệ thuần phong mỹ tục; bảo vệ an ninh khu vực, an ninh biên giới của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến với bạn nghe đài cả nước và bạn bè quốc tế; giúp các tổ chức, cá nhân ngày càng hiểu rõ hơn về đất nước, con người và sự nghiệp đổi mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Việt Nam nói chung và của tỉnh Điện Biên nói riêng.
Đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các cơ quan báo chí, truyền thông trong tỉnh đã tăng cường công tác truyền thông các văn bản chỉ đạo, giải pháp của Chính phủ, UBND tỉnh về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tuyên truyên người dân cài đăt ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch Covid-19, như: Ứng dụng Bluezone, ứng dụng khai báo y tế toàn dân (Ncovi) và gần đây nhất là ứng dụng sổ sức khỏe điện tử, ứng dụng PC-Covid; tuyên truyền nhân rộng những cá nhân, tập thể điển hình trong việc tham gia, ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19… Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong nhân dân, góp phần đẩy lùi dịch bệnh, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định phát triển; đồng thời đưa cuộc sống trở lại giai đoạn “bình thường mới”.
Thời gian tới để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về đảm bảo quyền con người, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng theo đúng quy định của pháp luật; định hướng các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh tuyên truyền đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm; đặc biệt lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp, sát thực với đặc điểm của từng vùng, địa phương trong tỉnh. Đồng thời, tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý lĩnh vực báo chí, xuất bản nhằm ngăn chặn phát tán thông tin, tài liệu xấu độc, làm ảnh hưởng tới hình ảnh đất nước, lộ lọt bí mật, gây phức tạp cho công tác thông tin đối ngoại, đảm bảo quyền con người trên địa bàn tỉnh./.