DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 10/10/2019 22:41
DIC - Trên mảnh đất lịch sử Ðiện Biên, người Thái là một trong 19 dân tộc anh em hiện đang sinh sống đoàn kết, chiếm 38% tổng số dân toàn tỉnh. Với bề dày truyền thống lâu đời, người Thái đã tạo dựng cho mình những phong tục tập quán và bản sắc văn hóa riêng. Trong những nét tinh hoa văn hóa Thái được nhắc tới, không thể thiếu điệu xòe…
/uploads/news/2019_10/2.jpg Xòe vòng là điệu múa truyền thống phổ biến nhất và thường thu hút đông đảo người dân tham gia. Cội nguồn xòe Thái “Ðiệu xòe, điệu xòe có từ bao giờ, mà vẫn mê say như thuở nào” - Ðúng như những ca từ trong ca khúc “Ðiệu xòe thương nhau” của nhạc sĩ Vương Khon, không ai trả lời được chính xác là điệu xòe có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, từ khi được sinh ra, người Thái đã lớn lên cùng với điệu xòe. Xòe giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái. Múa xòe không những đẹp về nghệ thuật mà còn mang tính nhân văn tốt đẹp, thể hiện tinh thần cố kết cộng đồng cao và có sức hút đặc biệt, khiến người vào xòe dù lớn, dù nhỏ, dù sớm, dù muộn thì vẫn cứ say mê như thuở ban đầu. Trong ánh lửa bập bùng, trai gái tay nắm tay nhau, chân bước nhịp nhàng theo điệu nhạc, tiếng trống, tiếng chiêng… Vì thế mà chẳng cuộc vui, ngày hội nào của người Thái có thể vắng bóng những điệu xòe. Từ những cuộc vui nhỏ của gia đình, như: Lễ mừng nhà mới, đám cưới hỏi; cho đến những lễ hội lớn của bản làng, như: Xên bản, Tết xí xíp, Lễ mừng cơm mới, hay Lễ hội Hoa Ban… “Xòe” theo tiếng Thái nghĩa là múa. Nghệ thuật xòe Thái được hiểu là nghệ thuật trình diễn các điệu múa dân gian của dân tộc Thái. Từ lâu, nghệ thuật xòe Thái đã đi vào văn học, thơ ca để lưu giữ và mô tả về nét văn hóa giàu sắc thái bản địa và vẻ đẹp độc đáo trong loại hình nghệ thuật này. Bởi “Không xòe không vui, không xòe cây lúa không trổ bông, không xòe cây ngô không ra bắp, không xòe trai gái không thành đôi” - câu dân ca Thái từ ngàn xưa đã khẳng định vị thế của điệu xòe trong đời sống của họ. Xưa nay, người Thái vốn nổi tiếng với các điệu xòe, như: Xòe vòng, xòe khăn, xòe nón, xòe quạt, xòe sạp, xòe nhạc, xòe chai. Trong đó xòe vòng là điệu múa mang ý nghĩa truyền thống và phổ biến nhất. Xòe vòng thường được biểu diễn trong các ngày lễ lớn. Nếu đông người thì múa thành hai vòng tròn, vòng trong nhỏ, vòng ngoài lớn, hai vòng xoay ngược chiều nhau, khi cao hứng thì reo hò xiết chặt vòng xòe trong tiếng trống rộn ràng. Một trong những yếu tố tạo nên đặc điểm của xòe còn là âm nhạc. Theo lời kể của nghệ nhân Mào Văn Ết, thì ngày trước, xòe vòng được mở đầu bằng hát, một người cất tiếng hát, sau đó mọi người mới bắt vào múa chung theo nhịp trống. Những nhạc cụ, như: Trống, chiêng, chum chọe, tính tẩu… tạo ra không khí vui nhộn lôi cuốn mọi người vào xòe. Theo các tài liệu nghiên cứu về nghệ thuật xòe Thái, có 3 động tác cơ bản của xòe vòng, gồm: “xé khen vung” nghĩa là xòe tay cao, “xé khen tàn” nghĩa là xòe tay thấp, “xé hạng eo” - xòe tay ở ngang thắt lưng. Mỗi động tác lại phù hợp với một lứa tuổi, với từng không khí cũng như tiết tấu âm nhạc. Xòe tay thấp có thể nói là động tác xòe đơn giản nhất, bất cứ ai cũng có thể tham gia múa ngay khi có tiếng trống, tiếng chiêng đầu tiên cất lên. Khi tiếng trống dồn dập hơn, rượu đã ngà ngà say, họ chuyển sang xòe tay cao hay còn gọi là xòe chọi gà. Người tham gia sẽ nắm tay nhau đưa lên ngang đầu rồi lại đưa xuống thấp, một chân bước, một chân ký, động tác mạnh mẽ, dứt khoát, vui vẻ. Khi đã thấm mệt, họ nhường vòng xòe cho người cao tuổi, các cụ già chỉ múa những động tác nhẹ nhàng đó chính là xòe hai tay ngang eo. Một trong những yếu tố thu hút người tham gia vòng xòe là sự gần gũi, dân dã, mộc mạc, dễ múa, dễ hiểu và nhịp điệu uyển chuyển, nhịp nhàng. Ngoài xòe vòng, các điệu xòe khác được gọi là xòe biểu diễn, học từ một số điệu múa lễ thức của Kin pang then, như: Ðiệu chầu pô, nả lăng, nhụm hơ, quát bó héo… Những động tác múa được lấy cảm hứng từ các động tác sinh hoạt, lao động thường ngày và cách điệu hóa nghệ thuật. Về sau này, các nghệ nhân trong quá trình sáng tác và dàn dựng đã sử dụng thêm một số đạo cụ, như: Nón, khăn, ống nứa… từ đó hình thành nên múa nón, múa khăn với những động tác đơn giản. Theo thời gian, xòe biểu diễn dần được chuyên nghiệp hóa nhưng phổ biến vẫn là bước đi lướt nhanh, nhẹ êm, lượn vòng... tạo thành một tổng thể liên tục, nhịp nhàng. Mở rộng vòng xòe Ngày 15/1/2019, UBND tỉnh Ðiện Biên đã ban hành Văn bản số 136/UBND-KGVX về việc tán thành, đồng thuận với Quyết định 3692/QÐ-BVHTTDL, ngày 24/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật xòe Thái” đề nghị UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Từ đó đến nay, ngành Văn hóa, chính quyền các cấp, cũng như các nghệ nhân, những người yêu văn hóa Thái đã dành nhiều tâm huyết, nỗ lực để nghiên cứu, bảo tồn, truyền dạy và phổ biến rộng rãi hơn nét đẹp của nghệ thuật xòe Thái. Cùng với thời gian, nghệ thuật múa xòe không chỉ được gìn giữ, phát triển ở cộng đồng người Thái, mà đã nhân rộng và có sức hút đặc biệt với nhiều cộng đồng dân tộc khác trên mảnh đất Ðiện Biên, cũng như như du khách bốn phương. Thông qua hoạt động biểu diễn phục vụ khách du lịch ở các bản văn hóa, những sự kiện văn hóa truyền thống mang tầm cỡ; đặc biệt là Lễ hội Hoa Ban hay sắp tới đây là Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái lần thứ II được tổ chức tại Ðiện Biên, sẽ là cơ hội để quảng bá rộng rãi hơn những nét đẹp đầy cuốn hút trong xòe Thái. Ðặc biệt, để bảo tồn nghệ thuật xòe Thái và đồng thời cũng là phục vụ cho sự kiện Ngày hội Văn hóa Thái sắp tới, tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên Trung tâm Văn hóa tỉnh và Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Thái tỉnh đã phối hợp tổ chức tập huấn, trao truyền 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái cho gần 150 học viên là những người yêu văn hóa Thái. Lớp tập huấn diễn ra trong 5 ngày, với sự tham gia đầy tâm huyết của những nghệ nhân, với mong muốn trao truyền, nhân rộng loại hình nghệ thuật xòe Thái cổ; đồng thời góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái địa phương. Bà Vương Thị Lướt - một trong những nghệ nhân tham gia sưu tầm và phục dựng các điệu xòe Thái cổ tâm sự, ngay từ khi còn nhỏ bà đã chứng kiến các thế hệ trước múa xòe mỗi dịp lễ, tết, không phân biệt già, trẻ, gái, trai. Sau này, nghiên cứu nhiều hơn mới thấy, từ 6 điệu xòe cổ, thế hệ sau còn biến hóa ra 36 động tác uyển chuyển khác. Ðiều đặc biệt của múa xòe là không phân biệt giới tính, độ tuổi hay dân tộc, mà không gian càng rộng thì vòng xòe càng mở rộng. Bao năm sinh sống trên mảnh đất được mệnh danh là “cái nôi” của văn hóa Thái, Bà Lướt không nhớ nổi bao lần chứng kiến và trực tiếp tham gia những vòng xòe. Ðiệu xòe đại đoàn kết của đồng bào Thái Ðiện Biên giờ đây đã tạo nên ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn bè cả trong nước và quốc tế. Nhưng không phải cứ như vậy mà điệu xòe sẽ sống mãi, nó cần phải được trao truyền qua các thế hệ, được nuôi dưỡng thường xuyên và phổ rộng ra cộng đồng. Và chính những lớp học như thế này, rồi những sự kiện văn hóa lớn có sự góp mặt của vòng xòe là hết sức cần thiết và nên làm. Ðó vừa là niềm tự hào của đồng bào Thái, song cũng là một nét đẹp văn hóa đáng được trân trọng, bảo tồn. Ðể rồi, những du khách đã từng đặt chân đến xứ Mường Trời, khi ra về đều nhớ mãi chén rượu thơm nồng, nhớ đôi bàn tay ấm áp của các cô gái Thái, nhớ bước chân nhịp nhàng bên ánh lửa đêm bập bùng và say trong điệu xòe hoa. Dịp này, mảnh đất Mường Then ấy lại đắm mình trong không gian của văn hóa Thái. Nơi đây, có những chàng trai, cô gái đang háo hức chờ đợi ngày vui, để được tay nắm tay những vị khách phương xa về với Ðiện Biên mở rộng vòng xòe…