DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 01/09/2017 03:45
Việc bảo tồn và mở rộng đối tượng tiếp nhận chữ viết cổ có vai trò quan trọng trong gìn giữ, lưu truyền giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, điều này được thực hiện tương đối hạn chế trên địa bàn tỉnh ta. Không trông chờ thụ động vào các cơ quan chuyên môn, phường Na Lay, thị xã Mường Lay - nơi có cộng đồng bản địa là dân tộc Thái trắng sinh sống tập trung - đã khảo sát, lấy ý kiến và cho người dân đăng ký học chữ cổ. Bằng nguồn kinh phí hoạt động được cấp hàng năm, Trung tâm Học tập cộng đồng (HTCĐ) phường Na Lay mở liên tiếp 2 lớp dạy chữ Thái trắng cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn.
/uploads/news/2017_08/3.4.jpg Lớp dạy chữ dân tộc Thái trắng thu hút nhiều người dân bản Na Nát tham gia. Một buổi tối đầu tháng 8, mưa như trút nước. Ngoài trời, tiếng mưa rào rào nhưng trong nhà văn hóa bản Na Nát, phường Na Lay vẫn vang tiếng đọc. Đó không phải âm thanh của một lớp học phổ thông mà là lớp học chữ Thái cổ cho người dân địa phương với nhiều độ tuổi khác nhau. Đã gần 1 tháng nay, ngày nào cũng vậy, dù mưa to, gió lớn, đúng 8 giờ tối lớp dạy chữ lại bắt đầu. Lớp có 36 học viên, đều là người dân trong bản. Người cao tuổi nhất đã gần 70. Họ đến đây với mong muốn biết cách đọc, viết ngôn ngữ của tổ tiên để thêm hiểu và gìn giữ những nét đặc trưng của dân tộc. Đối với anh Mào Văn Chanh, học chữ viết còn giúp anh đọc được các bài thơ, truyện cổ dân gian, các điệu khắp của dân tộc mình. Anh Chanh chia sẻ: “Là người Thái trắng, sử dụng tiếng mẹ đẻ hàng ngày nhưng lại không đọc, viết được chính câu từ mà mình nói ra, tôi cảm thấy như thiếu đi một phần “gốc” dân tộc. Mình đã thế, sợ thế hệ con cháu cũng sẽ không còn thiết tha với ngôn ngữ của tổ tiên nữa. Vì vậy khi có chủ trương mở lớp dạy chữ cổ, tôi đã đăng ký học”. Ông Mào Văn Chiến, Bí thư Chi bộ bản, cũng tham gia lớp học và đồng thời là lớp trưởng, cho biết: Cả bản Na Nát có gần 100 hộ dân nhưng hiện chỉ có vài người biết chữ Thái cổ. Trong đó, hầu hết là người cao tuổi, không còn minh mẫn và không truyền dạy được. Càng ngày càng ít người biết chữ viết của dân tộc mình thì việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống sẽ gặp nhiều khó khăn. Vậy nên lớp dạy chữ cổ thực sự cần thiết và ý nghĩa đối với cộng đồng chúng tôi. Nhiều người dân trong bản có nhu cầu học chữ cổ nhưng do không sắp xếp được việc gia đình và một phần do sức chứa nhà văn hóa có hạn nên không tham gia được. Bản mong muốn, sẽ có nhiều lớp dạy chữ cổ tiếp tục được mở tại địa bàn để người dân Na Nát có cơ hội học một cách bài bản”. Người truyền dạy chữ cổ cho học viên là ông Khoàng Văn Phanh, người Thái trắng địa phương. Ông Phanh năm nay đã 70 tuổi, nguyên là lãnh đạo thị xã, nguyên Trưởng ban định canh, định cư tỉnh Lai Châu (cũ). Ông học chữ Thái từ năm 12 tuổi, có trình độ học vấn cao, khả năng truyền dạy và là người tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. Khi được Trung tâm HTCĐ phường đặt vấn đề đứng lớp, ông đã tự mình nghiên cứu, sưu tầm tài liệu về chữ Thái cổ. Ông Phanh cho biết: “Chữ Thái được dạy trong trường học hiện tại có nhiều điểm khác về cả cách viết và phát âm với chữ người Thái trắng. Tôi đã tham khảo các sách về chữ cổ của người Thái trắng Sơn La và thấy được sự đồng nhất. Từ đó xây dựng chương trình học, soạn giáo án, chuẩn bị sách cho học viên một cách đầy đủ, phù hợp”. Lớp học chữ Thái trắng tại bản Na Nát khai giảng ngày 18/7 và kéo dài hơn 1 tháng. Trước lớp học này, Trung tâm HTCĐ phường Na Lay đã mở 1 lớp tương tự cho đội ngũ cán bộ phường và đại diện các tổ dân phố, bản. Ông Chu Văn Hoành, Phó Chủ tịch UBND phường, Giám đốc Trung tâm HTCĐ phường Na Lay cho biết: Sau lớp học đầu tiên, tất cả các bản có người Thái trắng sống tập trung đều mong muốn được mở lớp dạy chữ Thái cổ tại bản. Tuy nhiên do hạn chế về kinh phí nên năm 2017, Trung tâm chỉ mở được 2 lớp như đã nêu trên. Những năm tới sẽ tiếp tục xem xét mở lớp chữ Thái cổ, đáp ứng nguyện vọng của người dân trên địa bàn, góp phần gìn giữ, lưu truyền bản sắc dân tộc Thái. Mảnh đất Mường Lay đã trải qua nhiều biến cố trong lịch sử, đặc biệt là các trận lũ quét vào những năm 1990 và công cuộc đại di dân, tái định cư vì dòng điện Tổ quốc. Theo dòng nước lũ và những chuyến di dời nhà cửa, nhiều tài liệu, sách cổ của dân tộc Thái nơi đây đã bị mất hoặc hư hỏng. Người dân thì bận rộn mưu sinh, ổn định cuộc sống, vì thế mà việc truyền dạy chữ viết của dân tộc cũng không được quan tâm. Đến nay, số người biết chữ Thái cổ trên địa bàn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã cho biết, Mường Lay không có cá nhân, cộng đồng nào lưu giữ, Phòng cũng không sưu tầm được vật dụng, cuốn sách, văn bản chữ Thái cổ nào. Vậy nên việc chủ động mở những lớp dạy chữ Thái cổ như phường Na Lay là việc hết sức ý nghĩa và cần được khuyến khích, tạo điều kiện nhân rộng ở nhiều địa bàn và cho nhiều đối tượng hơn nữa.