DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 28/08/2018 23:13
DIC - Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Điện Biên đã và đang đào tạo gần 300 lưu học sinh cho các tỉnh Bắc Lào gồm: U Đôm Xay, Phong Sa Lỳ; Luông Pha Băng, Luông Nậm Thà. Bên cạnh việc đào tạo, quản lý lưu học sinh Lào theo các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND tỉnh, Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên, nhà trường đã có các biện pháp cụ thể, chi tiết nhằm giúp các em nâng cao ý thức kỷ luật, hòa nhập trong môi trường học tập, rèn luyện, qua đó phát huy vai trò, trách nhiệm, sở trường của cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của nhà trường.
/uploads/news/2018_08/mot-tiet-muc-van-nghe-cua-luu-hoc-sinh-lao-tai-truong-cao-dang-su-pham-dien-bien-chao-mung-tet-co-truyen-bunpimay.jpg Một tiết mục văn nghệ của lưu học sinh Lào tại Trường Cao đẳng sư phạm Điện Biên chào mừng Tết cổ truyền Bunpimay. Mặc dù, thời gian qua, Bộ GD&ĐT và các cơ quan quản lí đã ban hành các thông tư, hướng dẫn, quy định các nội dung có liên quan đến công tác quản lí người nước ngoài học tập ở Việt Nam và được các cơ quan quản lí trực tiếp cụ thể hóa thêm nội dung theo bảo đảm phù hợp với thực tế của địa phương. Tuy nhiên. thực tế cho thấy tại các cơ sở đào tạo có các lưu học sinh Lào đang học tập tại tỉnh Điện Biên nói chung và trường CĐSP tỉnh nói riêng, việc thực hiện các quy định, quy chế của các lưu học sinh chưa đảm bảo, cần có sự hỗ trợ như: Ý thức và trách nhiệm khi thực hiện quy chế học sinh sinh viên; khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt, sự chia sẻ hòa đồng giữa lưu học sinh Lào với sinh viên Việt Nam; việc học tập kiến thức chuyên ngành, sinh hoạt tại trường chuyên nghiệp... Để công tác quản lý, giáo dục và giúp đỡ lưu học sinh Lào hòa nhập trong môi trường học tập đạt hiệu quả và đi vào chiều sâu, ngoài việc thực hiện các nội dung theo theo quy định trong quy chế, trường CĐSP tỉnh Điện Biên đã có nhiều giải pháp trọng tâm, nổi bật như biện pháp sử dụng phương pháp phân nhóm để quản lý để giúp lưu học sinh nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm với tập thể trong thực hiện quy chế; nâng cao ý thức đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau; thực hiện các nhiệm vụ quản lý chung về mặt hành chính; triển khai kế hoạch chung của trường tới các lưu học sinh trong nhóm; nắm bắt, quản lý vấn đề đi lại, học tập, hoạt động, sinh hoạt…; phân công, quản lý việc học tập, sinh hoạt, giờ giấc, vệ sinh an ninh; các hoạt động phong trào, hoạt động xã hội, nắm bắt tâm tư, tình cảm và tư tưởng của các cá nhân... để hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Từ đó giúp các đơn vị, bộ phận chức năng trong nhà trường quản lý và định hướng tốt công việc cần thực hiện tới học sinh, nắm bắt tình hình học sinh thuận lợi, sâu sát, cụ thể chi tiết và khách quan hơn, từ đó có những biện pháp giúp đỡ, chia sẻ kịp thời, hiệu quả; Giúp các học sinh nâng cao ý thức của bản thân, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ, giám sát và hỗ trợ nhau trong học tâp, sinh hoạt và cuộc sống. Để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và định hướng hoạt động cho lưu học sinh Lào; đồng thời, giúp lưu học sinh tháo gỡ các khó khăn trong sinh hoạt, tăng tính tự tin trong giao tiếp, ứng xử, cải thiện kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp, nhà trường đã biên chế các lưu học sinh Lào vào các lớp học cùng với sinh viên Việt Nam theo các lớp chuyên ngành đào tạo và thực hiện chương trình đào tạo các ngành trong 3 năm học theo quy định của Bộ GD&ĐT. Các em được học tập bổ sung Tiếng Việt chuyên ngành để có thể tiếp thu tốt hơn kiến thức của ngành đào tạo. Đồng thời cử sinh viên Việt Nam có khả năng tốt về mọi mặt ngồi cùng bàn, kèm cặp và hướng dẫn hỗ trợ các lưu học sinh ngay trên lớp học cũng như trong cuộc sống tại khu nội trú, trong các hoạt động xã hội, tình nguyện, giúp các em tự tin, mạnh dạn và sử dụng tiếng Việt tốt hơn, các kỹ năng được cải thiện dần. Về sinh hoạt và cuộc sống, các em ở trong cùng khuôn viên khu nội trú của nhà trường. Đây là điều kiện thuận lợi để các em hòa nhập với các sinh viên Việt Nam, từ đó nâng cao kỹ năng xã hội, kỹ năng giao tiếp tiếng Việt qua giao tiếp, sinh hoạt; các hoạt động phong trào, nội vụ chung. Định kỳ hàng tuần, hàng tháng, phòng Công tác Học sinh - Sinh viên và Ban quản lý khu nội trú tiến hành gặp mặt với các lưu học sinh để lắng nghe, nắm bắt thông tin, tâm tư nguyện vọng, những khó khăn, thuận lợi của các em trong học tập, sinh hoạt và cuộc sống; nhắc nhở động viên và nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm lý và nguyện vọng để tham mưu đưa ra hướng giải quyết phù hợp. Đồng thời Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho lưu học sinh nhân các ngày lễ ngày truyền thống của hai đất nước Việt Nam và Lào. Cùng với đó, Ban Giám hiệu trường CĐSP đã khéo léo sử dụng mặt tích cực của mạng xã hội để truyền tải thông tin và nhận thông tin một cách kịp thời mọi lúc mọi nơi, nắm bắt đa dạng thông tin nhiều chiều, góp phần quản lý tốt diễn biến tư tưởng và các vấn đề khác có liên quan đến lưu học sinh như lập nhóm Zalo, Messenger, Facebook để các lưu học sinh tham gia theo nhóm; trực tiếp thông tin, triển khai, chia sẻ các công việc tới lưu học sinh, đồng thời nắm bắt thông tin học sinh, tạo diễn đàn công khai dân chủ cho mọi thành viên của nhóm được thể hiện chính kiến của mình. Điển hình như các nhóm “Sinh viên Lào trường CĐSP Điện Biên”; “Giáo viên chủ nhiệm trường CĐSP Điện Biên”; “Cán bộ lớp trường CĐSP Điện Biên”… Kết quả, sau một thời gian triển khai, hoạt động trên các nhóm mạng xã hội của trường CĐSP đã khắc phục được việc phải gặp mặt trực tiếp để giao nhiệm vụ khi có vấn đề phát sinh hoặc thời gian hạn chế không cho phép gặp mặt trực tiếp từng lưu học sinh hoặc nhóm học sinh. Đồng thời phát huy tốt được khả năng sử dụng công nghệ của lưu học sinh, đồng thời giáo dục ý thức, thái độ của lưu học sinh khi sử dụng công cụ và mạng xã hội một cách thông minh và hiệu quả. Ngoài các biện pháp nói trên, trong quá trình đào tạo, quản lý lưu học sinh Lào trong trường CĐSP Điện Biên, các em còn thường xuyên tham gia trong các hoạt động: Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên tại các trường thực hành sư phạm, được lựa chọn các địa điểm thực tập tốt nhất phù hợp với đặc thù và chuyên ngành đào tạo của các em; tham gia các hoạt động rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp: tập huấn rèn luyện kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp tự tạo việc làm… tất cả nhằm mục đích giúp các em có kiến thức, kỹ năng tốt sau ra trường để thành công trong cuộc sống sau này./.