Tết Té nước của dân tộc Lào ở Điện Biên được công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Thứ ba - 17/04/2018 23:30

Tết Té nước của dân tộc Lào  ở Điện Biên được công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

DIC - Vừa qua, tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, UBND huyện Điện Biên phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Điện Biên, chính quyền địa phương tổ chức Lễ công bố và trao giấy chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Tết té nước (Bun Huột Nặm) của dân tộc Lào.
Tết té nước là một lễ Tết truyền thống của cộng đồng dân tộc Lào trên địa bàn bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên. Từ năm 2015, Tết té nước đã được cộng đồng Bản Na Sang 1 phục dựng tổ chức vào đúng thời điểm Tết truyền thống của người Lào từ ngày 14/4 đến ngày 16/4 (Dương lịch), góp phần tái hiện lại yếu tố văn hóa truyền thống của người Lào và đã trở thành nếp sống, phong tục của người dân nơi đây. Ngày 11/9/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch ban hành Quyết định số 3421/QĐ-BVHTTDL công nhận Tết té nước (Bun Huột Nặm) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. /uploads/news/2018_04/01.jpg Người dân bản Na Sang 1 đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với tết té nước (Bun Huột Nặm). Ảnh: Thu Thủy. Tết té nước (Bun Huột Nặm) diễn ra với các hoạt động chính như cúng bản, cúng tổ tiên… nhưng cốt lõi là cầu cho mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi, mùa màng bội thu và có ý nghĩa là để tẩy rửa những điều xui xẻo gặp phải trong năm cũ. Trong Tết, người dân té nước cho nhau với mong muốn người được té nước năm tới sẽ gặp nhiều điều tốt lành. Ngoài ra, Tết té nước chính là mong muốn tống tiễn mùa khô, cầu mong mùa mưa trở lại để người dân bắt đầu vụ gieo trồng mới. Đây còn là dịp để bà con dân bản được sáng tạo, thể hiện những trò chơi dân gian, những điệu dân vũ truyền thống và đặc biệt là tục té nước của dân tộc Lào. /uploads/news/2018_04/te-nuoc-cau-mong-su-may-man-den-cho-moi-nguoi.jpg Té nước cầu may mắn. (Ảnh: Thu Thủy) Người dân và du khách được hòa mình trong những nghi thức truyền thống của người Lào tại bản Na Sang 1. Từ nghi thức trong lễ cắm bản với những vật hiến sinh như gà, lợn… đến chuẩn bị mâm lễ đặt trong miếu thờ để cúng tế thần linh. Sau lễ cúng, mọi người quây quần bên nhau, vui vẻ chúc cho nhau những điều tốt đẹp. Trong những ngày diễn ra Tết té nước, du khách cùng với dân bản còn được tham gia các trò chơi dân gian bắt nguồn từ cuộc sống lao động sản xuất, từ khát vọng vươn tới để chinh phục tự nhiên, chống thiên tai địch hoạ, bảo vệ mùa màng, bảo vệ cuộc sống yên vui, hạnh phúc cho dân, cho bản với nhiều trò chơi hay, sôi nổi và hấp dẫn như: Tấu phắc sá - táu lasa (rùa ấp trứng), buộc chỉ cổ tay, xưa khốp mu (hổ vồ lợn), ngù kin khiết (rắn bắt ngóe), phăn viêng (múa bắt chân bắt đầu)... /uploads/news/2018_04/tro-choi-rua-ap-trung-1.jpg Trò chơi Rùa ấp trứng trong Tết té nước. (Ảnh: Thu Thủy) Bà Phạm Minh Châu, Trưởng phòng văn hóa huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: Tết té nước (Bun Huột Nặm) của người Lào tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên đã góp phần khẳng định quá trình tồn tại, phát triển của cộng đồng dân tộc Lào trên địa bàn, cùng với đó là sự hình thành bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó kể đến tục thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng đa thần. "Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động cho nhân dân để bảo tồn, duy trì thường niên Tết té nước, tránh việc giao thoa mang những hình thức văn hóa không phải văn hóa chính thống của dân tộc mình. Tết té nướclà một hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc của chính bà con" - bà Phạm Minh Châu nói. Được biết, đến nay, tỉnh Điện Biên đã có 6 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm: Xòe Thái, Lễ hội Thành Bản Phủ - Đền Hoàng Công Chất, Lễ Kin Pang Then của người Thái, Tết Nào Pê Chầu của Người Mông đen, Tết té nước (Bun Huột Nặm) của người Lào và Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa./.

Tác giả: Tin: Vũ lợi-VOV Tây Bắc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây