Phòng, chống tội phạm mua bán người - cuộc chiến còn nhiều cam go
Bài: Trường Long
2020-11-11T22:55:28-05:00
2020-11-11T22:55:28-05:00
http://dic.gov.vn/vi/news/Thong-tin-doi-ngoai/Phong-chong-toi-pham-mua-ban-nguoi-cuoc-chien-con-nhieu-cam-go-4584.html
/themes/default/images/no_image.gif
DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
http://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 11/11/2020 22:55
DIC - Cuộc chiến phòng, chống tội phạm mua bán người trong thời gian qua có những diễn biến phức tạp. Có thể thấy, nhiều phụ nữ và trẻ em nhẹ dạ, cả tin, thường bị các đối tượng xấu lợi dụng, lừa bán sang Trung Quốc để làm vợ, bóc lột sức lao động và lạm dụng tình dục. Đằng sau thực trạng này là hệ lụy đau lòng đối với gia đình, nạn nhân và toàn xã hội do tội phạm mua bán người gây ra. Cùng với cấp ủy chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng đã và đang tham mưu nhiều giải pháp, đấu tranh triệt phá nhiều vụ án, bắt giữ, xử lý các đối tượng phạm tội, giải cứu nhiều nạn nhân, tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân để người dân cùng chung tay nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm mua bán người, không để mình trở thành nạn nhân của loại tội phạm này.
Những ngày vừa qua, cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát hình sự - kinh tế - ma túy, Công an huyện Mường Nhé trở nên bận rộn hơn vì phải tiếp nhận, xử lý đơn thư và gặp gỡ một số người dân đến trình báo về những trường hợp vắng mặt lâu ngày trên địa bàn không rõ nguyên nhân, nghi bị lừa bán sang Trung Quốc. Đáng chú ý là trường hợp của anh Giàng A Dũng (trú tại xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé) vừa trình báo về việc con gái anh mất tích gần 2 năm nay, nhưng mới đây đã liên hệ được với gia đình qua điện thoại và cho biết đã bị đối tượng xấu lừa bán sang Trung Quốc. Hiện nay, cháu đang sinh sống trong nội địa Trung Quốc và không biết làm thế nào để trở về với gia đình. Ở địa bàn vùng cao của tỉnh Điện Biên, nơi đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, những trường hợp vắng mặt tại địa phương lâu ngày không rõ nguyên nhân, nhất là phụ nữ và trẻ em gái không phải là hiếm. Con số thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, trong 5 năm trở lại đây, có hàng trăm trường hợp phụ nữ, trẻ vị thành niên hoặc bé gái bỗng nhiên vắng mặt khỏi địa bàn, nghi bị đối tượng xấu lừa bán sang Trung Quốc; tập trung chủ yếu ở các bản người dân tộc Mông thuộc các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông… Không manh động và nguy hiểm như các loại tội phạm khác, tội phạm mua bán người là “tội phạm ẩn”, bởi chúng có phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi và khó lường, trà trộn và sinh sống dài ngày tại địa bàn vùng cao, sử dụng điện thoại, mạng xã hội để tiếp cận, lợi dụng chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số hiền lành, nhẹ dạ để lừa bán. Để ngăn ngừa, trấn áp loại tội phạm này, những năm qua, Chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2016 - 2020 đã được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả. Các đơn vị được giao chủ trì các Đề án, tiểu Đề án của Chương trình đã phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện tốt nội dung kế hoạch đề ra. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông về phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng đến tận thôn, bản với hình thức, nội dung phong phú, đa dạng. Trong giai đoạn 2016 - 2020, các cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tổ chức hơn 1.400 buổi tuyên truyền với hơn 100 nghìn lượt người tham gia; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương, các chuyên mục xây dựng, đăng tải 2.600 tin, bài, phóng sự; phát hàng chục nghìn tờ rơi, sổ tay tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người để nhân dân nâng cao cảnh giác. Bên cạnh đó, thành lập và duy trì hơn 700 CLB “phòng chống tội phạm”, “phòng chống tệ nạn xã hội”… Qua đó, nhận thức, ý thức của nhân dân về phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh công tác phòng ngừa xã hội thì công tác phòng ngừa nghiệp vụ cũng được đẩy mạnh. Từ 2016 - 2020, lực lượng công an đã đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố điều tra 40 vụ, 79 đối tượng có hành vi mua bán người; Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Toàn án nhân dân các cấp đã tiếp nhận, truy tố, xét xử 39 vụ, 77 bị can; giải cứu được nhiều nạn nhân đưa trở về địa phương. Các cơ quan, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức phi chính phủ đã tích cực, quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ để các nạn nhân trở về ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Hậu quả của loại tội phạm này gây ra rất nặng nề đối với nạn nhân và xã hội. Công tác phòng, chống tội phạm này luôn được đề cao và đẩy mạnh, tuy nhiên vẫn diễn biến phức tạp, do nhận thức pháp luật của nhân dân, nhất là tại các khu vực vùng sâu vùng xa còn nhiều hạn chế, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn là điều kiện để các đối tượng tội phạm lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, trong thời gian tới các cơ quan, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, triển khai thực hiện các chương trình hiệu quả hơn, nhất là trong công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm và nâng cao nhận thức của người dân để nhân dân “tự đề kháng” trước thủ đoạn, phương thức của tội phạm mua bán người./.
Tác giả: Bài: Trường Long