DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 15/03/2018 03:34
“Hoa ban nở thành người con gái Thái/Ðám mây bay trong thau nước gội đầu…” - câu viết của nhà thơ Trần Mạnh Hảo khiến biết bao người xao xuyến khi nhắc đến loài hoa tinh khôi nơi cuối trời Tây Bắc. Và những ngày tháng 3 này, loài hoa ấy đang bung nở khắp rừng sâu, núi cao, trên các tuyến đường của thành phố lịch sử Ðiện Biên Phủ. Những cánh hoa ban mỏng manh, thanh khiết, thoảng hương thơm dịu nhẹ không chỉ làm thỏa lòng du khách đến với Ðiện Biên trong dịp này mà còn báo hiệu một mùa lễ hội nữa đang đến với những điệu xòe, câu hát và nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc chắc chắn sẽ làm say lòng người.
/uploads/news/2018_03/1.1.jpg Rợp sắc hoa ban bên đường Nguyễn Hữu Thọ (TP. Ðiện Biên Phủ). Tháng 3 về, tiết trời lạnh giá của mùa đông bị xua tan bởi những tia nắng ấm áp, tràn đầy sắc xuân. Ðây cũng là lúc cây ban trút lá, dồn nhựa sống ươm nụ lớn dần, rồi từ các cành khẳng khiu, trơ trụi, những bông hoa bung nở trắng cả đất trời. Lúc này, khắp thung sâu, khe núi, dọc tuyến đường dẫn vào các khu di tích lịch sử chiến trường xưa, các con phố trong lòng chảo Mường Thanh… đâu đâu cũng thấy sắc trắng hoa ban. Không biết từ khi nào hoa ban đã trở thành loài hoa đặc trưng, hình ảnh biểu tượng của mảnh đất và con người Ðiện Biên, để những ngày tháng 3 lịch sử, người dân và du khách khắp nơi không chỉ hướng về Ðiện Biên với mốc son mở màn Chiến dịch Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu” mà còn bởi sức hút của loài hoa đẹp đến nao lòng ấy. Hoa ban không chỉ có giá trị thẩm mĩ mà còn đi vào huyền thoại, có sức sống trường tồn trong đời sống văn hóa, tâm linh của đồng bào dân tộc Thái. Có lẽ hầu hết mọi người đều biết về câu chuyện tình yêu ngang trái nhưng thủy chung son sắt của chàng Khum, nàng Ban - đôi trai gái dân tộc Thái. Tên của nàng được đặt cho loài hoa. Có lẽ bởi vậy mà ban thường được ẩn dụ, so sánh với hình ảnh người con gái Thái tuổi đôi mươi, rực rỡ, mộc mạc, tinh khôi và quyến rũ, bừng nở thênh thang giữa đất trời mà lại e ấp, dịu thơm, khiến lòng người xốn xang, da diết. Hình ảnh hoa ban còn xuất hiện nhiều trong thơ ca, nhạc, múa cổ truyền của đồng bào dân tộc Thái. Nghệ nhân ưu tú văn hóa dân gian dân tộc Thái - ông Mào Văn Ết, phường Thanh Trường (TP. Ðiện Biên Phủ), cho biết: “Hình ảnh hoa ban đã đi sâu vào tiềm thức, tâm linh, vào văn hóa vật chất và tinh thần của người dân tộc Thái. Rất nhiều điệu múa, câu hát, áng văn chương của người Thái được sáng tạo, lấy cảm hứng từ vẻ đẹp và ý nghĩa của hoa ban. Ngoài ra, ban cũng gắn liền với đời sống thường ngày của người Thái, là loài hoa gửi gắm tâm tình cô gái trẻ, là sắc màu tô điểm bản làng khi vào xuân, cùng với đó ẩm thực từ hoa ban, ngọn ban cũng rất độc đáo, mang đặc trưng của người dân tộc Thái”. Ngược dòng thời gian về năm 1954, trận mở màn Chiến dịch Ðiện Biên Phủ diễn ra ngày 13/3 cũng là khi khắp các cánh rừng Tây Bắc đã phủ một màu trắng muốt của hoa ban. Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp (tổ dân phố 19, phường Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ) kể lại: “Khi quân ta tiến vào Ðiện Biên, ẩn mình dưới những tán rừng chuẩn bị cho trận mở màn Him Lam thì thấy một loài hoa được người dân bản địa gọi là ban, mà trước đây chưa từng biết đến ở các tỉnh miền xuôi, đang nở trắng cả vùng núi. Thời điểm ấy, ban mọc san sát, dày kín khắp các cánh rừng, thung sâu, chứ không thưa thớt như bây giờ. Anh em bộ đội thấy hoa đẹp, thơm, lại có thể chế biến làm món ăn thì rất thích và tinh thần có vẻ thư giãn, vui vẻ hơn. Sau này khi Chiến dịch kết thúc, chúng tôi thường nói với nhau rằng mùa hoa ban là mùa chiến thắng Ðiện Biên Phủ và mùa chiến thắng cũng là mùa hoa ban”. 64 năm đã trôi qua, loài hoa từng góp phần tạo thêm động lực tinh thần cho các cán bộ, chiến sĩ bước vào chiến trận nguy nan vẫn nở trắng trời, trắng đất khắp mảnh đất Ðiện Biên. Giờ đây sắc hoa ban không chỉ gợi nhắc đến những ngày lịch sử gian khó nhưng đầy oai hùng của dân tộc mà còn báo hiệu cho những ngày hội vui rộn rã. Ðã trở thành hoạt động thường niên và “thương hiệu” của xứ sở Mường Trời, tháng 3 về, người dân địa phương và du khách muôn nơi lại đổ về Ðiện Biên để ngắm hoa, tham gia các hoạt động vui chơi, văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc truyền thống các dân tộc trong khuôn khổ Lễ hội Hoa ban. Và năm nay, để mừng đưa Ðiện Biên vào hội (với các sự kiện chính từ 17 - 19/3), các địa điểm tập trung số lượng lớn cây ban, như: đường Nguyễn Hữu Thọ, quốc lộ 279 đoạn đầu thành phố, dọc lối lên Tượng đài Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, đường dẫn vào Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang, khu vực rừng bản Ca Hâu (xã Na Ư, huyện Ðiện Biên), một số điểm tại xã Keo Lôm, Nong U (huyện Ðiện Biên Ðông)... hoa ban đều đã bung nở rực rỡ, thu hút người dân và du khách dừng chân thưởng lãm, lưu lại hình ảnh đẹp. Những ngày này tại một số điểm trên, không khó để bắt gặp các đôi tình nhân đang rạng rỡ, tay trong tay tạo nên khoảnh khắc đẹp như biểu tượng tình yêu son sắt của loài hoa này; chị em thì xúng xính trong bộ áo cóm truyền thống của dân tộc Thái, vui vẻ tạo dáng chụp ảnh bên những bông hoa ban đang độ bung nở đẹp nhất. Ðây có thể coi như là một phần minh chứng cho sức hút từ vẻ đẹp và ý nghĩa của hoa ban, góp phần tạo ấn tượng, mời gọi du khách đến với Ðiện Biên vào những ngày tháng 3 lịch sử. Ðể rồi, khách phương xa không chỉ xiêu lòng trước hương sắc hoa ban ngào ngạt của núi rừng mà còn bị níu chân bởi không khí lễ hội đa sắc màu dân tộc, ngất ngây trong men rượu nồng và những vòng xòe nối dài đến bất tận.