Giữ gìn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch

Thứ hai - 23/11/2020 20:20

Giữ gìn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch

DIC - Trong những năm qua, công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch tại huyện Ðiện Biên đã có bước phát triển và đạt kết quả quan trọng. Các hoạt động văn hóa, lễ hội được quan tâm, chú trọng; các thiết chế văn hóa được đầu tư nâng cấp, hoạt động có hiệu quả. Cùng với đó, phong trào văn hóa cơ sở phát triển mạnh và hoạt động ngày một đổi mới đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và vật chất của nhân dân trên địa bàn.
/uploads/news/2020_11/2_3.jpg Tiết mục giao lưu văn nghệ tại Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ IV, tổ chức tại xã Mường Phăng (huyện Ðiện Biên). Khẳng định trách nhiệm và vai trò quan trọng trong việc quản lý, bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch, UBND huyện Ðiện Biên đã triển khai có hiệu quả công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện theo giai đoạn, giới thiệu các sản phẩm du lịch lịch sử văn hóa, các sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện như: Các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đẹp, các điểm du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng tại các bản văn hóa du lịch, các loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống, giao lưu văn nghệ, ẩm thực, làng nghề thủ công truyền thống... Bên cạnh đó, Huyện đã chỉ đạo đồng bộ tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ từ huyện đến các xã. Trên cơ sở triển khai chỉ đạo của huyện, đến nay nhiều lễ hội, các làng nghề truyền thống, các đội văn nghệ dân gian trên địa bàn huyện được thành lập và hoạt động hiệu quả. Nhiều nét đẹp trong văn hóa truyền thống của các dân tộc huyện được khôi phục, giữ gìn, đóng góp lớn cho các hoạt động quảng bá, phục vụ du lịch, có thể kể đến một số hoạt động điển hình: Lễ hội thành Bản Phủ, Tết té nước dân tộc Lào; Lễ hội Tết hoa của người Cống… Bà Lò Thị Bình, Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình huyện Ðiện Biên cho biết: Nhằm bảo tồn những di sản văn hóa các dân tộc để có tính kế thừa và phát triển, Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình và các cơ quan chuyên môn của huyện đã khảo sát, nghiên cứu và tham mưu cho huyện những chương trình, kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn, truyền dạy dân ca, dân vũ, nhạc cụ các dân tộc cho các hạt nhân văn nghệ, lãnh đạo và công chức văn hóa các xã trên địa bàn huyện. Ngoài ra, huyện đã tập trung các nguồn lực để đầu tư cho hệ thống thiết chế văn hóa, vật tư thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao từ cấp huyện đến cơ sở nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Ðến nay toàn huyện có 170 nhà văn hóa, trên 250 đội văn nghệ quần chúng, trên 70% số gia đình, 95% số cơ quan đơn vị được công nhận danh hiệu văn hóa. Nổi bật trong các hoạt động văn hóa của huyện Ðiện Biên là Lễ hội Thành Bản Phủ được tổ chức hàng năm để tưởng nhớ thủ lĩnh tướng quân Hoàng Công Chất cùng các vị anh hùng đã có công bảo vệ mảnh đất này. Ngoài sự trang nghiêm ở phần lễ, du khách còn được thưởng thức các hoạt động cộng đồng, văn nghệ quần chúng, trình diễn lễ hội truyền thống và hòa mình vào các môn thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian vui tươi mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc. Hàng năm trên địa bàn huyện còn tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, phục vụ du lịch như: Tết té nước dân tộc Lào; Lễ hội Tết hoa của người Cống, tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc và mở các lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian: Xòe Thái, Lăm vông dân tộc Lào. Trong đó, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông được huyện Ðiện Biên tổ chức thành công nhiều năm nay đã góp phần quan trọng bảo tồn, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Tại Ngày hội, những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông được tái hiện đặc sắc thông qua các gian trưng bày không gian sinh hoạt, sản phẩm nghề truyền thống, trang phục, nhạc cụ, dụng cụ lao động… Cùng với đó, các hoạt động giao lưu phong phú như múa khèn, hát dân ca, nhạc cụ dân tộc và các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian như kéo co, đánh tù lu, giã bánh giày… cũng là những điểm nhấn thu hút du khách. Ngoài ra, các hoạt động bảo tồn, giữ gìn, phục dựng và lưu giữ di sản văn hóa gắn với khai thác các loại hình du lịch lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng gắn với mô hình sinh kế nông nghiệp nông thôn, các sản phẩm OCOP đang từng bước được khai thác, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan và sinh hoạt văn hóa, tìm hiểu về phong tục tập quán sinh hoạt của cộng đồng nhân dân các dân tộc tiêu biểu; đó là Lễ hội Cầu mưa (dân tộc Lào, Khơ Mú), Lễ hội Mừng lúa mới (dân tộc Lào, Khơ Mú, Thái) Lễ Xên bản (dân tộc Thái); giao lưu văn nghệ tại các bản văn hóa du lịch và các trò chơi dân gian dân tộc, nghệ thuật dân gian truyền thống như hát đối, hát giao duyên, Hạn Khuống, xòe cổ dân tộc Thái... Nhờ sự chung sức giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; đến nay huyện Ðiện Biên đã có 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (Lễ hội thành Bản Phủ, di sản Nghệ thuật Xòe Thái và Tết Té nước dân tộc Lào, Lễ hội Tết hoa dân tộc Cống) và 8 nghệ nhân ưu tú. Thời gian tới, để bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện Ðiện Biên ngày càng phát triển và du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương; ngoài những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền thì chính nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện cần tự nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, để thế hệ mai sau nhân lên lòng tự hào về những nét đẹp văn hóa truyền thống, qua đó thu hút khách du lịch đến tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm.

Tác giả: Bài, ảnh: Minh Thảo

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
EMC Đã kết nối EMC