Chữ Thái trong nỗ lực bảo tồn

Thứ tư - 16/10/2019 22:34

Chữ Thái trong nỗ lực bảo tồn

Thống kê cho thấy tại thời điểm này, trong số 18 dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên, chỉ 8 dân tộc có chữ viết riêng; đó là các dân tộc: Dao, Giáy, Hoa, Lào, Nùng, Tày, Mông và Thái (có tài liệu nói dân tộc Cống, dân tộc Lự và dân tộc Hà Nhì cũng có chữ viết). Trong số đó, chữ Thái, chữ Mông phần nào chiếm ưu thế nhưng trên thực tế, số người biết đọc, biết viết (nhất lại là đọc thông viết thạo) chữ Thái chẳng còn được bao nhiêu, vả lại, phần lớn đều là các bậc cao niên như “tia nắng cuối ngày”...
/uploads/news/2019_10/2_3.jpg Bảng chữ cái của hệ chữ Thái thống nhất (năm 1955) do Ty Giáo dục Khu Tự trị Thái - Mèo xây dựng và phát hành. Trước hết, cần phải nói rằng chừng trên dưới hai chục năm lại đây, phong trào học chữ Thái (và cả tiếng Thái) diễn ra khá sôi nổi trong nhiều trường học, cơ quan, bản làng và gia đình; không chỉ những cư dân Thái mà nhiều người thuộc các dân tộc khác cũng học chữ Thái. Tuy nhiên, công bằng mà nói, là “phong trào” đấy nhưng không được duy trì thường xuyên, liên tục và nhất là không đồng đều ở nhiều địa phương, nhiều cơ quan, đơn vị, trường học, thôn xóm, bản làng... Không phải ai cũng biết rằng trong quá khứ dằng dặc, cùng với những thăng trầm của lịch sử đất nước nói chung và lịch sử tộc người nói riêng, chữ Thái cũng đi qua những biến cố của thời đại. Lịch sử còn ghi sau hơn nửa thế kỷ đặt được ách đô hộ lên toàn bộ vùng Tây Bắc, năm 1943, một giáo sĩ dòng Tin lành (tên thánh là Jean Funé) đã có mặt tại thị xã Sơn La (thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La hiện nay) để truyền đạo. Với ý đồ làm cuộc xâm lăng văn hóa trước khi làm cuộc xâm lăng tín ngưỡng, giáo sĩ Jean Funé đã bỏ ra không ít vàng bạc chiêu dụ một số trí thức phong kiến người Thái, mục đích mời hợp tác nghiên cứu cải tiến chữ Thái (ngành Thái đen), nhằm phục vụ cho việc phổ biến kinh thánh trong cộng đồng người Thái được thuận lợi, dễ dàng hơn. Sau mấy năm trời với hàng loạt nỗ lực cả về vật chất lẫn tinh thần, cái mà Jean Funé thu được không gì khác ngoài sự thất bại vì vốn dĩ trong tín ngưỡng của cộng đồng người Thái không có hệ phái Tin Lành! Sự kiện đó được coi là lần thứ nhất chữ Thái không chịu khuất phục, trước âm mưu đen tối của bè lũ thực dân. Nói cách khác, nó (chữ Thái) tồn tại nguyên dạng với tư cách là một công cụ văn hóa cao cấp, được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống sinh hoạt, văn hóa, lao động... của dân tộc Thái. Nghe nói thời kỳ Tây Bắc chưa được giải phóng, mọi văn bản hành chính của các châu mường đều sử dụng chữ Thái cổ với chức năng là phương tiện duy nhất và thống nhất, trong các giao dịch hành chính - dân sự bằng văn bản. Tuy vậy, năm 1949, một “phong trào” bài chữ Thái cổ do người Pháp phát động và như một hành động biểu thị cho lòng trung thành nô lệ, chính quyền tay sai đã hưởng ứng một cách mù quáng vì đơn giản đây là chủ trương của quan thầy. Thay vì hơn 900 năm người Thái dùng chữ Thái, thì lúc này là bộ chữ Thái “latinh hóa” có nguồn gốc từ chữ Pháp, với cấu trúc phụ âm đôi trên cơ sở tiếng Thái trắng huyện Mường Lay (huyện Mường Chà, tỉnh Ðiện Biên hiện nay). Ðó là tất cả những gì được tạo ra bởi một nhóm chuyên gia Pháp, do viên công sứ Martini trực tiếp chỉ đạo, nằm trong âm mưu “Pháp hóa” nền văn hóa Tây Bắc mà điểm đột phá bắt đầu từ chữ viết của dân tộc Thái. Từng không ít người đặt câu hỏi tại sao cộng đồng các dân tộc Tây Bắc được xác định cả thảy gần 30 tộc người, thuộc 6 nhóm ngôn ngữ, nhưng người Pháp lại chọn dân tộc Thái với chữ Thái? Ðiều lý giải thật đơn giản, vì đó là một dân tộc đa số đại diện cho những dân tộc thiểu số - Một dân tộc mà nền văn minh của họ với những thành tựu xuất sắc, đa dạng và độc đáo, đủ sức chi phối và bằng cách không chủ ý, dần dần đồng hóa nhiều nền văn minh tộc người khác cùng cộng cư trên địa bàn. Song mọi cố gắng của người Pháp - cả bằng chính sách thực dân cũng như bằng sức hấp dẫn của những thoi bạc trắng - đều không làm thay đổi được tình hình. Trong lòng nhân dân Tây Bắc nói chung và nhân dân Thái nói riêng, chữ Thái cổ mặc nhiên tồn tại với tất cả giá trị tự thân như hàng trăm năm qua vẫn vậy. Lần thứ hai bản lĩnh tộc người của cư dân Thái được thử thách, nền văn hóa Thái được thử thách và chiến thắng, thông qua việc người Thái vẫn dùng chữ Thái (và là chữ Thái cổ truyền của người Thái chính gốc), để sáng tác văn học, ghi chép gia phả, thần phả, hương ước, chúc thư, các bài cúng của thầy mo... và đó là mẫu tự duy nhất được cả cộng đồng Thái tự nguyện chấp nhận. Không chỉ tại các làng bản người Thái với tiệc mừng nhà mới, cưới hỏi hoặc tang ma... mà chữ Thái còn được sử dụng trong công tác tuyên truyền kháng chiến. Bằng chứng là năm 1941, từ trong nhà ngục Sơn La, bài thơ của nhà yêu nước Nguyễn Văn Trân đã được bí mật chuyển ra ngoài với bản dịch chữ Thái. Tiến thêm một bước, thời kỳ tiền khởi nghĩa (trước tháng 8/1945), Hội người Thái Cứu quốc đã xuất bản tờ báo “Lắc Mường” (tạm dịch là: cột trụ đất nước) bằng chữ Thái, với nội dung kêu gọi Thái - Kinh đoàn kết, noi gương du kích quân vùng Việt Bắc sát cánh đồng tâm đánh đuổi phát xít Nhật ra khỏi bờ cõi nước nhà. /uploads/news/2019_10/3_4.jpg Trên sàn Hạn Khuống, cùng với vòng xòe, những khúc hát giao duyên được thể hiện trên cơ sở các trường ca theo mẫu tự Thái. Không lâu sau chiến thắng vĩ đại Ðiện Biên Phủ (5/1954), bộ chữ mang tên chữ Thái Thống nhất ra đời. Ngay ở niên khóa đầu tiên (1956-1957), trên toàn địa bàn Khu Tự trị Thái - Mèo có hơn 40 cơ sở trường, lớp cấp I phổ thông và hệ bổ túc đưa chữ Thái Thống nhất vào chương trình giảng dạy. Tiếc là sau khi xếp thành bản chữ in máy (typography), chữ Thái Thống nhất đã bộc lộ những nhược điểm cần được khắc phục và làm cho khoa học hơn. Năm 1957, bộ phận nghiên cứu chữ Thái của Ty Giáo dục Khu Tự trị Thái - Mèo, bắt tay chỉnh sửa, nâng cao, hoàn thiện thêm cho bộ chữ Thái Thống nhất. Cuối năm sau, 1958, bộ chữ mang tên chữ Thái Cải tiến ra đời thay cho chữ Thái Thống nhất. Các lớp học chữ Thái trong toàn Khu Tự trị Thái - Mèo tiếp tục được duy trì, phát triển và từ năm học 1957-1958, chuyển sang dùng bộ chữ Thái Cải tiến. Thời đó công nghệ ấn loát còn lạc hậu, bộ phận tu thư của Khu Tự trị Thái - Mèo buộc lòng phải dùng phương pháp viết tay rồi chụp lại, in trên bản kẽm (zincography). Chương trình giáo khoa song ngữ gồm chữ phổ thông với chữ Thái Cải tiến, được coi là chương trình học chính khóa và có tác dụng rất tốt thời ấy. Ngày 27/11/1961, thay mặt Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Thủ tướng Phạm Văn Ðồng đã ký Nghị định số 206/CP, về việc thừa nhận chữ Thái Cải tiến là mẫu tự thống nhất trong cộng đồng Thái Việt Nam. Ðiều 2 của Nghị định này ghi rõ: Tại các khu tự trị và ở các địa phương có đồng bào Tày, Nùng, Thái và Mèo, chữ Tày - Nùng, chữ Mèo và chữ Thái đều coi là chữ chính thức và được dùng trong việc xóa nạn mù chữ, bổ túc văn hóa cho cán bộ và nhân dân; được giảng dạy ở các trường phổ thông, các trường chuyên nghiệp; trong công văn, giấy tờ của các cơ quan Nhà nước và trong các hoạt động khác, tuỳ theo sự cần thiết của địa phương. Với tỉnh Ðiện Biên, theo chúng tôi biết, văn bản đầu tiên liên quan đến dạy và học chữ Thái là quyết định công nhận bộ chữ Thái La tinh, do đồng chí Hoàng Xuyên (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu) ký. Trong quá trình sưu tầm tư liệu không chỉ công phu mà còn khá vất vả, dù chưa biết đó là quyết định số bao nhiêu, ban hành vào thời gian nào, nhưng bù lại, chúng tôi may mắn được đọc bài: “Giới thiệu chữ Thái xây dựng theo hệ chữ La tinh” do chính đồng chí Hoàng Xuyên là tác giả (trang 73 - Tạp chí “Văn nghệ Lai Châu” - Số 2/1982). Phần kết của bài báo, viết (nguyên văn): “Nay bộ chữ Thái theo hệ chữ La tinh đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh ta ra quyết định công nhận. Theo tinh thần bản quyết định này chúng ta sẽ từng bước nghiên cứu sử dụng rộng rãi bộ chữ, trước mắt sẽ sử dụng trong công tác văn hóa xã hội, thông tin tuyên truyền nhằm tạo điều kiện cho cán bộ nhân dân tiếp thu đường lối, chính sách, khoa học kỹ thuật, phục vụ sản xuất, đời sống, nhằm góp phần từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tỉnh ta”. Tiếp theo Quyết định số 759/QÐ-UBND ngày 22/6/2010 của UBND tỉnh Ðiện Biên, về việc: “Ban hành Bộ tài liệu tiếng dân tộc Mông, tiếng dân tộc Thái làm tài liệu đào tạo cán bộ, công chức trong tỉnh”; ngày 8/9/2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 895/QÐ-UBND, về việc phê duyệt đề án dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh tiểu học và THCS tỉnh Ðiện Biên, giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020. Trong nỗ lực bảo tồn như tinh thần Nghị định số 82/NÐ-TTg ngày 15/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ, hy vọng chữ Thái tiếp tục được quảng bá đều khắp và mạnh mẽ hơn; được phát huy không chỉ trong trường học và không chỉ trong cộng đồng người Thái, với vai trò là phương tiện mà cũng là công cụ để góp phần bảo vệ vốn di sản văn hóa dân tộc Thái.

Tác giả: Bài, ảnh: Trương Hữu Thiêm

Nguồn tin: CDC Điện Biên

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây