Buổi truyền thông trong đêm về tiêm vắc xin tại bản Pá Khôm, xã Nà Nhạn.
Truyền thông trong đêm
Trời vừa nhá nhem tối cũng là lúc tiếng anh Lý A Sếnh vang trên loa phát thanh với nội dung thông báo người dân Pá Khôm đến họp tại nhà trưởng bản. Ðại diện lãnh đạo xã và cán bộ y tế của Trạm Y tế xã Nà Nhạn đã có mặt tại nhà anh Sếnh từ trước, chờ dân bản.
Pá Khôm là một trong 5 bản dân tộc Mông xa nhất của xã Nà Nhạn. Là bản vùng ngoài của xã, 100% đồng bào dân tộc Mông, khi triển khai tiêm vắc xin phòng ngừa Covid-19 đợt 5 đã gặp không ít khó khăn.
Khi dân bản đã đến đông đủ, trưởng bản Lý A Sếnh ổn định tổ chức rồi chậm rãi phát biểu: “Vừa qua, cán bộ y tế xã phối hợp với trưởng bản rà soát danh sách những trường hợp đủ điều kiện tiêm vắc xin Covid-19 thì hầu hết người dân không đồng ý đi tiêm. Vậy bà con có lo ngại gì về việc tiêm vắc xin hay không?”.
Như được mở lời, nhiều người dân mạnh dạn bày tỏ lo lắng của mình về nguồn gốc vắc xin; thắc mắc người cao tuổi, phụ nữ có thai tiêm sẽ ra sao và những phản ứng sau tiêm có làm bà con không đủ sức khỏe để đi nương hay không? Lắng nghe những tâm tư, băn khoăn của người dân, chị Nguyễn Thị An, y tá Trạm Y tế xã Nà Nhạn giải thích rõ ràng, dễ hiểu về mục đích, ý nghĩa của chiến dịch tiêm vắc xin phòng ngừa Covid-19; lợi ích của việc tiêm vắc xin là biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe bản thân, bảo vệ người xung quanh. Nhất là sau khi tiêm đủ 2 mũi bà con sẽ được cấp giấy xác nhận đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 của cơ quan chức năng để mang theo mình như một “giấy thông hành” cho ai có nhu cầu đi làm ăn ngoại tỉnh. Còn về nguồn gốc người dân cứ yên tâm bởi vắc xin này đã được cơ quan chức năng đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện sử dụng. Ngoài ra, phụ nữ mang thai trên 15 tuần sẽ được tiêm tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh; còn đối với người trên 65 tuổi, người có bệnh nền mãn tính và phụ nữ cho con bú cũng không cần quá lo lắng bởi đều được khám, tư vấn kỹ càng.
Khu vực tiếp nhận người tiêm vắc xin tại điểm tiêm xã Nà Nhạn.
Sau 3 giờ đồng hồ tuyên truyền, giải thích trong đêm, hầu hết người dân Pá Khôm đã hiểu về lợi ích của việc tiêm vắc xin Covid-19 và cam kết sẽ đi tiêm đúng ngày, giờ như dự định.
Tham gia buổi truyền thông, ông Mùa A Hừ, Phó Chủ tịch UBND xã Nà Nhạn chia sẻ: Xã Nà Nhạn có 14 thôn, bản; trong đó, có 5 bản 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Bản Pá Khôm có 59 hộ với 352 nhân khẩu; nhận thức của người dân về việc tiêm vắc xin còn hạn chế. Ban ngày người dân thường xuyên đi làm nương nên phải đợi đến tối chúng tôi mới có thể tổ chức buổi truyền thông, vận động bà con đi tiêm. Mặc dù tỷ lệ tiêm mũi 1 của Pá Khôm chưa cao (107/191 người), đạt 56% tổng số người thuộc đối tượng tiêm, song đây là kết quả đáng mừng. Ðối với những người chưa tiêm mũi 1 chủ yếu là người già yếu và người đi làm ăn xa chưa về sẽ được tiêm vét trong đợt tới.
Vì mục tiêu miễn dịch cộng đồng
Vừa hoàn thành tiêm mũi 1 vắc xin Astrazeneca, ông Vàng A Giàng, 45 tuổi, bản Pá Khôm chia sẻ: “Khi được tuyên truyền, vận động và đặc biệt là có mặt tại điểm tiêm, được cán bộ y tế hướng dẫn, giải thích tận tình ý nghĩa của việc tiêm vắc xin là biện pháp cần thiết trong việc phòng, chống dịch Covid-19 nên tôi yên tâm.”
Kết thúc đợt tiêm vắc xin phòng ngừa Covid-19 vừa qua, xã Nà Nhạn có tổng số hơn 2.400 người đến đăng ký tiêm; 2.556 người đến khám; hơn 2.300 người đã tiêm mũi 1. Trong đó, 503 người tiêm vắc xin Pfizer mũi 1, 1.583 người tiêm vắc xin Astrazeneca mũi 1. Theo kế hoạch, đợt tiêm vắc xin phòng Covid-19 lần này kéo dài đến ngày 10/9 mới kết thúc nhưng Nà Nhạn đẩy nhanh tiến độ hết ngày 3/10 là hoàn thành. Do vậy, trong suốt 4 ngày (28/9 - 1/10), trung bình có 800 người đến tiêm/ngày tại điểm tiêm Nà Nhạn; hàng chục cán bộ y, bác sĩ, các đoàn thể của xã làm việc không kể ngoài giờ hành chính để hoàn thành đợt tiêm vắc xin.
Nhằm đảm bảo đợt tiêm vắc xin diễn ra an toàn, hiệu quả, ngoài lực lượng cán bộ y, bác sĩ của Trạm Y tế xã Nà Nhạn còn có sự hỗ trợ của 17 cán bộ y, bác sĩ đến từ Trung tâm Y tế TP. Ðiện Biên Phủ. Tại điểm tiêm bố trí từng khu vực gọn gàng: Nơi để xe do đoàn viên thanh niên xã hướng dẫn, bảo vệ; khu vực người dân viết phiếu sàng lọc, khu vực tiếp đón tư vấn trước tiêm, tiêm và tư vấn sau tiêm.
Ngay sau khi kết thúc chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại các xã vùng ngoài: Nà Nhạn, Nà Tấu, Mường Phăng, Pá Khoang (TP. Ðiện Biên Phủ), trên địa bàn tỉnh sẽ triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên quy mô toàn tỉnh ở tất cả huyện, thị xã. Sẽ có nhiều thôn, bản vùng cao gặp khó khăn trong chiến dịch tiêm, song với cách làm linh hoạt, hiệu quả, truyền thông sớm, tại một số khu vực tiêm người dân đều đến rất sớm, giữ khoảng cách và đeo khẩu trang. Mặc dù vẫn có một số người lo lắng về các phản ứng sau tiêm song ai cũng quyết tâm để đảm bảo an toàn cho bản thân và góp phần phòng tránh lây nhiễm trong cộng đồng.
Với mục tiêu đợt tiêm diễn ra hiệu quả và đảm bảo an toàn cho người được tiêm, đặc biệt nhóm đối tượng nguy cơ cao phản ứng sau tiêm, công tác khám sàng lọc trước tiêm, theo dõi, giám sát chặt chẽ sức khỏe sau tiêm tại các điểm tiêm đã được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế cấp huyện hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của ngành Y tế, người dân đã yên tâm tham gia tiêm vắc xin phòng Covid-19, chung tay thực hiện mục tiêu xây dựng hệ thống miễn dịch cộng đồng; kiểm soát tốt dịch bệnh, giữ vững và bảo vệ “vùng xanh” trên bản đồ Covid-19 của cả nước.
Với phương châm có vắc xin đến đâu tiêm đến đó, tiêm xã nào gọn xã đó, tỉnh Ðiện Biên đã và đang chủ động, tích cực tuyên truyền cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số hiểu về các loại vắc xin hiện hành đang là vũ khí tốt nhất để phòng chống Covid-19, góp phần cùng với người dân cả nước sớm đẩy lùi dịch bệnh./.