Phóng viên Báo Điện Biên Phủ tìm hiểu thông tin trên internet.
Lợi - hại song hành
Phải thừa nhận rằng, MXH bao gồm Facebook, Youtube, Instagram, Zalo… đang được các cơ quan báo chí và đội ngũ người làm báo cả chuyên nghiệp lẫn không chuyên sử dụng rộng rãi. MXH đang là nguồn cung cấp thông tin, nguồn đề tài khổng lồ và có tốc độ cập nhật nhanh. Chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh trên tay, cùng với sự nhanh nhạy cần thiết, bất kỳ cá nhân nào cũng có thể phản ánh, tường thuật, bình luận sự kiện vừa mới xảy ra và chia sẻ lên MXH. Sau khi đã kiểm chứng thông tin, đội ngũ người làm báo hoàn toàn có thể khai thác được những vấn đề đó trở thành đề tài, tư liệu cho bài viết. Thêm nữa những vấn đề trên mạng xã hội lại là những đề tài mới, nóng nên khi tin, bài được đăng tải sẽ nhận được rất nhiều sự quan tâm của công chúng. Nếu như trước đây, thời kỳ MXH còn chưa phát triển, người làm báo thường bị động, đề tài tác phẩm nhiều khi chỉ quẩn quanh trong những vấn đề đã cũ. Thì nay với sự phát triển của MXH, đề tài được mở rộng hơn, bám sát vào thị hiếu, nhu cầu của độc giả nên các tác phẩm trở nên hấp dẫn hơn nhiều.
Không chỉ vậy, với sự phát triển mạnh mẽ của MXH, nhiều cơ quan báo chí lựa chọn phương án “hợp tác” để cùng phát triển. Như trên Facebook, nhiều cơ quan báo chí đã lập các fanpage như một công cụ để chia sẻ đường link các bài viết trên báo điện tử, sử dụng các ứng dụng chia sẻ tin tức trên nền tảng MXH, chọn MXH là phương tiện đầu tiên truyền tải thông tin đến bạn đọc… Nhờ cách này, báo chí đã tìm được con đường đến với độc giả nhanh nhất, hiệu quả nhất. Ngay tại tỉnh ta, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đăng các video tin, bài lên Youtube và sau đó chia sẻ chúng trên fanpage Facebook.
Báo Điện Biên Phủ cũng thành lập và sử dụng Fanpage Báo Điện Biên Phủ điện tử như một kênh chia sẻ các bài viết trên MXH Facebook… Các hình thức này đã và đang phát huy hiệu quả khi thay đổi được phương thức tiếp cận của độc giả với báo chí. Cũng nhờ hình thức này, mà sự tương tác giữa độc giả với báo chí được tiến hành nhanh hơn, hiệu quả hơn. Mọi phản hồi cả tích cực và tiêu cực về nội dung, chất lượng, hình thức… dường như sẽ có ngay lập tức sau khi bài viết được chia sẻ trên MXH. Thêm nữa, nếu những bài viết có chất lượng, lập luận khoa học, sắc bén, những thông tin chính xác, định
hướng dư luận kịp thời được người đọc thừa nhận sau khi lan truyền qua MXH thì thương hiệu của tờ báo, uy tín của nhà báo cũng sẽ được nâng lên.
Tuy nhiên, nền tảng MXH cũng sẽ là “con dao hai lưỡi” nếu các cơ quan báo chí, nhà báo không tỉnh táo khi tham gia. Như đã nói ở trên, MXH được xem là nguồn tin giá trị. Nhưng nếu sử dụng thiếu chọn lọc, phiến diện hoặc không có sự kiểm chứng dẫn tới thông tin thiếu chính xác, sai lệch thì tờ báo, nhà báo sẽ bị xã hội đánh giá thấp, người đọc ít quan tâm hoặc tệ hơn sẽ bị gọi bằng cái tên “lá cải” xấu xí. Đã có không ít nhà báo “đút chân gầm bàn” sử dụng thông tin trên MXH, xào xáo, chế biến thành tin, bài của mình hoặc dựa vào thông tin trên mạng rồi “thêm mắm, giặm muối” để viết bài, trong khi chưa hiểu rõ, thậm chí hiểu sai vấn đề. Không chỉ vậy, nhiều người làm báo có tư duy lệch lạc, thiếu tư cách, đạo đức nghề nghiệp sử dụng MXH như một công cụ để “đánh bóng” tên tuổi bản thân. Hoặc còn tệ hơn khi có nhiều người làm báo bị MXH dẫn dắt, chìm vào hư vinh trên mạng, ảo tưởng mình là một KOL (viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Keyopinionleader nghĩa là người dẫn dắt dư luận chủ chốt) mà sẵn sàng đăng đàn chia sẻ, bình luận hoặc định hướng các vấn đề trong khi cả tâm và tầm đều chưa đủ. Điều này hết sức nguy hại vì rất dễ có nguy cơ khiến cho một bộ phận công chúng thiếu hiểu biết tin vào những định hướng chưa chuẩn xác ấy, làm sai lệch bản chất của vấn đề, làm ảnh hưởng đến các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo khác.
Trách nhiệm của người làm báo
Từ ngày 1/1/2019, Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam do Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam ban hành chính thức có hiệu lực. Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam quy định cụ thể 4 việc/điều người làm báo Việt Nam cần làm khi tham gia mạng xã hội và 8 việc/điều người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia mạng xã hội. Đó là những định hướng cụ thể để mỗi người làm báo soi vào trước khi tham gia các MXH. Nhưng điều quan trọng, đội ngũ người làm báo phải biết cách khai thác và sử dụng nó một cách hợp lý để phát huy các mặt tích cực, hạn chế các mặt tiêu cực của MXH. Để làm được điều này, những người làm báo có vai trò quan trọng trong việc giúp định hướng dư luận, loại bỏ những bất cập đến từ các luồng thông tin chưa được kiểm chứng chính xác và thiếu tính định hướng phù hợp.
Theo ông Đặng Hải Triều, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đội ngũ những người làm báo phải là những người đi đầu tiên phong trên MXH với vai trò định hướng dư luận, đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Hiện nay, trên MXH có rất nhiều ý kiến phủ nhận vai trò của Đảng trong sự phát triển của đất nước, nhiều ý kiến trái chiều về phương pháp lãnh đạo, phương pháp phát triển kinh tế, phủ nhận những thành tựu phát triển đất nước và nhấn mạnh vào những điểm tối mà cho rằng điều đó đại diện cho thực trạng của đất nước. Nhà báo phải là những người tiên phong, phản bác lại những quan điểm lệch lạc đó bằng những bài viết có lập luận chặt chẽ, sắc bén để giới thiệu, chứng minh cho sự phát triển của đất nước hiện nay. Thêm nữa, khi tham gia MXH, mỗi nhà báo phải có một mục tiêu, tiêu chí cụ thể. Và những mục tiêu, tiêu chí phải thực tế, phù hợp với hơi thở của thời đại hiện nay. Thêm một phần quan trọng không kém đó là phải giữ được đạo đức nghề nghiệp, đạo đức người làm báo. Trước khi tham gia MXH còn phải ý thức được mình không chỉ là một cá nhân mà còn mang trách nhiệm đại diện cho cơ quan, tổ chức mình đang công tác.
Có thể thấy rằng thông qua MXH, báo chí có thể khai thác thông tin cũng như tiếp cận độc giả một cách nhanh chóng. Vậy nên, khi tham gia MXH những “người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng” phải giữ cho mình chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, góp phần định hướng dư luận, xây dựng lòng tin, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội./.