Tháng 5/2021, chị Nguyễn Thị Dung, phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ) nhận được điện thoại của đối tượng tự xưng là nhân viên ngân hàng chuyên cho vay trả góp tại các siêu thị điện máy. Đối tượng thông báo rằng chị Dung đã mua nhiều sản phẩm tại hệ thống Thế giới di động qua hình thức trả góp và đều hoàn trả các khoản vay đúng hạn. Nhân dịp tri ân khách hàng, phía ngân hàng có quà tặng cho khách hàng là 01 chiếc đồng hồ thông minh trị giá 9 triệu đồng. Quà tặng sẽ được chuyển qua đường bưu điện. Tuy nhiên để nhận được phần quà trên, chị Dung phải chuyển số tiền đối ứng là 3 triệu đồng. Nếu chị Dung đồng ý thì trong vòng 3 - 5 ngày tới sẽ có nhân viên bưu điện gọi ra nhận hàng và trước khi nhận được quà tặng chị Dung phải chuyển 3 triệu đồng cho hệ thống. Nhờ cảnh giác, chị Dung đã trả lời dứt khoát không có nhu cầu nhận quà tặng. Trước thái độ dứt khoát của chị Dung, các đối tượng đã tắt máy.
Cán bộ Công an TP. Điện Biên Phủ tuyên truyền tới người dân cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng. Ảnh: C.T.V
Chị Nguyễn Thị Dung chia sẻ: Sau sự việc đó, tôi đã tham vấn nhiều cơ quan, đơn vị liên quan như: Công an, ngân hàng, các siêu thị điện máy… trên địa bàn. Tất cả các cơ quan đều khẳng định đây là chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, tôi đã kể lại cho người thân, bạn bè, hàng xóm để mọi người tăng cường cảnh giác tránh thiệt hại.
Giữa tháng 7/2021, anh Phạm Văn Hùng, phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) nhận được cuộc gọi điện thoại từ một số máy lạ. Đối tượng gọi điện tự xưng là tổng đài chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. Ban đầu, đối tượng đặt các câu hỏi để xác nhận một số thông tin cá nhân của anh Hùng, sau đó thông báo: Số điện thoại của anh Phạm Văn Hùng đã được sử dụng để đăng ký hợp đồng với công ty điện lực cho một công ty chuyên sản xuất bao bì tại TP. Hà Nội. Hiện nay, công ty trên đã 6 tháng chưa thanh toán tiền điện cho Công ty Điện lực Hà Nội với tổng số tiền nợ là 65 triệu đồng. Do đó yêu cầu anh Hùng trước 16 giờ ngày hôm đó phải đến công ty Điện lực Hà Nội để thanh toán. Nếu sau thời điểm trên Công ty Điện lực sẽ có đơn khởi kiện anh Hùng đến tòa án. Sau một hồi giải thích, bác bỏ thông tin trên, đối tượng lại hướng nạn nhân sang một tình huống khác rằng có thể giấy tờ tùy thân bị mất hoặc bị đánh cắp sau đó bị các đối tượng xấu lợi dụng để gây ra sự việc trên, đồng thời cung cấp cho anh Hùng số điện thoại đường dây nóng của Công an TP. Hà Nội để gọi điện trình báo sự việc. Nhận thấy sự việc phức tạp, anh Hùng tắt máy và đến Công ty Điện lực Điện Biên để xác minh.
Anh Phạm Văn Hùng cho biết: Tôi không có người thân quen tại Hà Nội và nhiều năm nay cũng không ra khỏi địa bàn tỉnh Điện Biên. Nhận được cuộc gọi tôi rất bất ngờ và lo lắng trước những thông tin các đối tượng cung cấp. Tuy nhiên, sau khi đến Công ty Điện lực Điện Biên xác minh, được cán bộ điện lực thông báo rằng sự việc trên là chiêu trò của các đối tượng xấu nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Đồng thời, cán bộ Công ty Điện lực Điện Biên đã tư vấn và khuyến nghị tôi cảnh giác với các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản để tránh thiệt hại.
Từ năm 2020 đến nay, Công an TP. Điện Biên Phủ đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, mạng di động và tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn do các đối tượng chủ động đánh vào sự thiếu hiểu biết của người dân. Do đó, biện pháp hiệu quả là tăng cường tuyên truyền, nâng cao cảnh giác của nhân dân. Tại tất cả các chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cơ quan công an đều lồng ghép khuyến cáo người dân cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội, mạng di động. Khi người dân sử dụng mạng xã hội phải thận trọng, tránh để lộ, lọt thông tin cá nhân khi đăng ký tham gia. Nhất là khi chia sẻ thông tin, làm quen, kết bạn trên mạng xã hội nên cảnh giác những tài khoản lạ, tài khoản là người nước ngoài chủ động kết bạn; không cung cấp thông tin cá nhân, chuyển tiền cho người khác khi chưa kiểm tra, xác thực thông tin chính xác của người nhận. Khi nhận được các cuộc gọi lạ, có dấu hiệu nghi vấn phải bình tĩnh, không làm theo yêu cầu hoặc làm theo dẫn dụ của đối tượng; không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản, thẻ tín dụng...
cho các trường hợp không quen biết, nhất là các đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin qua điện thoại. Trước những thông tin đe dọa, uy hiếp không nên vội vàng chuyển tiền vào các tài khoản theo yêu cầu của đối tượng mà cần trao đổi với người thân, bạn bè hoặc thông báo với lực lượng công an gần nhất để chủ động phòng ngừa, đấu tranh. Công an TP. Điện Biên Phủ đã phối hợp với chính quyền các phường, xã; các chi nhánh ngân hàng; các nhà mạng trên địa bàn tổ chức tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền qua hình thức nhắn tin cảnh báo cho người dân biết, nhận diện các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo để đề phòng./.