Mạng xã hội và trách nhiệm của người làm báo

Chủ nhật - 22/11/2020 21:36

Mạng xã hội và trách nhiệm của người làm báo

DIC - Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, không chỉ những người làm báo mà gần như ai cũng có ít nhất một tài khoản trên các trang mạng xã hội. Song để nhận biết tính năng và “sức hút” của mạng xã hội thì không phải ai cũng nhận biết được, đặc biệt là sự tác động của nó với xã hội hiện đại. Ðứng trước bối cảnh này thì những quy định và sự hiểu biết của người làm báo về phạm vi, giới hạn và vai trò của mình trên các diễn đàn, mạng xã hội lại cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là vai trò của người làm báo Ðảng với một cư dân mạng thuần túy. Nó đòi hỏi ý thức, trách nhiệm của những người làm báo trong thời kỳ công nghệ số.
/uploads/news/2020_11/1_5.jpg Thông tin trên internet, mạng xã hội ngày càng đa chiều, mỗi nhà báo cần chọn lọc để “chính thống hóa”. Trong ảnh: Phóng viên Báo Ðiện Biên Phủ theo dõi thông tin trên Báo Ðiện Biên Phủ điện tử. Ảnh: Quốc Huy Trong kỷ nguyên truyền thông đa phương tiện, chúng ta không thể phủ nhận vai trò, tác động của mạng xã hội (Facebook, Zalo, Twitter, YouTube…) đối với đời sống báo chí. Với các lợi thế, như: Thông tin nhanh, đa dạng, cập nhật, lan tỏa và tương tác lớn, mạng xã hội là kênh thông tin tham khảo hữu ích, song cũng là thách thức với người làm báo, nhất là những vấn đề nóng đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Gần đây nhất là tình hình dịch Covid-19. Mỗi ngày, có hàng chục, thậm chí hàng trăm thông tin mới được đăng tải, cập nhật và chia sẻ. Bên cạnh các tờ báo chính thống, thì mạng xã hội được nhiều người xem là kênh thông tin hấp dẫn, bởi tính thuận tiện và nhanh chóng. Tuy nhiên, thông tin trên mạng xã hội được kiểm chứng thì ít, trong khi phần lớn mang tính giật title, “câu like” tính chính xác không cao, thậm chí là bịa đặt. Với sự quan tâm đặc biệt, tốc độ chia sẻ chóng mặt đã khiến thông tin trên mạng xã hội trở nên nhiễu loạn và gây hoang mang cho nhiều người. Thử đặt suy nghĩ, nếu như những thông tin bịa đặt, sai sự thật hoặc thiếu kiểm chứng này được đăng tải, chia sẻ bởi tài khoản của một nhà báo, phóng viên, thì với uy tín từ vị trí nghề nghiệp của họ, tác hại và mức độ ảnh hưởng sẽ như thế nào? Ðây chính là vấn đề đặt ra trong giai đoạn hiện nay, càng đòi hỏi trách nhiệm rất lớn của mỗi nhà báo, phóng viên, không chỉ trong mỗi bài viết, mà trên cả các trang mạng xã hội của cá nhân. Mạng xã hội là một không gian ảo, song lại có tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, đời sống xã hội. Mặc dù cũng truyền tải thông tin, song không như các tờ báo, ở mạng xã hội mỗi người dân đều có thể đưa tin hàng ngày, hàng giờ thông qua việc cập nhật, chia sẻ trên tài khoản cá nhân của mình. Thông tin đó có thể đúng, có thể sai, hoặc mang tính chất quan điểm cá nhân của người đăng, chia sẻ. Trước hết, cần phải khẳng định rằng, thông tin trên mạng xã hội không phải là báo chí, song không phải ai cũng nhận thức được rạch ròi để có sự chọn lọc thông tin đúng đắn. Ðây chính là lúc vai trò, trách nhiệm nghề nghiệp của người làm báo cần được thể hiện và phát huy. Hơn ai hết, mỗi nhà báo, phóng viên khi tham gia mạng xã hội trước tiên cần hết sức tỉnh táo để phân biệt và kiểm chứng thông tin, từ đó có cách ứng xử thích hợp. Không chia sẻ, lan truyền thông tin sai sự thật, gây bức xúc dư luận; đồng thời cũng cần kịp thời cổ vũ, lan tỏa những thông tin chính xác, có lợi cho xã hội, cho địa phương, đất nước. Một nhà báo, phóng viên có đạo đức và trách nhiệm sẽ là người biết “chính thống hóa” những thông tin này. Trên thực tế, những năm gần đây, mạng xã hội đã thực sự trở thành một yếu tố rất quan trọng trong việc thu hút sự tương tác, số người sử dụng, cũng như trở thành một nguồn tin quan trọng cho báo chí. Nhiều nhà báo, phóng viên đã thể hiện sự chủ động trong việc sử dụng các trang mạng xã hội để phục vụ đắc lực cho công việc, làm tốt chức năng định hướng dư luận xã hội bằng những quan điểm đúng đắn, mang tính tích cực. Ngược lại, cũng có một số nhà báo, phóng viên đưa ra quan điểm cá nhân tiêu cực, gây ảnh hưởng không tốt tới dư luận xã hội theo chiều hướng tiêu cực. Thống kê trong 3 năm (2016 - 2018), cả nước có hàng chục nhà báo đã bị Bộ Thông tin và Truyền thông thu hồi thẻ nhà báo, trong số đó có trường hợp vì những phát ngôn mà họ đăng tải, chia sẻ trên Facebook. Tại tỉnh Ðiện Biên, trong vài năm gần đây chưa ghi nhận trường hợp nhà báo, phóng viên nào bị xử phạt về các hành vi vi phạm liên quan đến thông tin đăng, phát trên mạng xã hội. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông thì mỗi cá nhân người làm báo cần nêu cao trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp khi tham gia đăng tải thông tin trên các trang mạng xã hội, nhất là những thông tin không có tính xây dựng, thông tin mang tính nhạy cảm và những thông tin được nghiêm cấm theo Ðiều 9, Luật Báo chí năm 2016. Cũng theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, để các trang mạng xã hội trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh, ngoài đòi hỏi người làm báo sử dụng nó một cách thông minh, thì cần có những giải pháp định hướng tuyên truyền từ các cơ quan chức năng và sự hướng dẫn nội dung từ các cơ quan báo chí; đồng thời có những chế tài cụ thể để quản lý đội ngũ phóng viên, biên tập viên và những người tham gia làm báo. Về mặt pháp lý, ngày 24/12/2018, Hội Nhà báo Việt Nam đã có Quyết định số 1131 ban hành về quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Bộ Quy tắc gồm 3 chương và 7 điều, được ban hành và có hiệu lực kể từ ngày ký. Ðây chính là khung chuẩn mực của người làm báo cách mạng khi tham gia đăng thông tin trên các mạng xã hội trong thời kỳ công nghệ số. Do đó, mỗi thông tin đăng trên mạng xã hội phải mang tính xây dựng; mỗi bình luận, nhận xét phải đúng mực, có văn hóa và có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận đang quan tâm… Tuy nhiên, cũng giống như rất nhiều quy định quy phạm pháp luật khác, vấn đề cốt lõi nằm ở chính bản thân mỗi người, ở đây là các nhà báo, phóng viên. Hơn bao giờ hết, bên cạnh việc không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để bắt kịp xu thế, thì nhiệm vụ song hành đó là phải trau dồi đạo đức nghề nghiệp, ý thức nghiêm túc về trách nhiệm xã hội của bản thân. Ðể trở thành một nhà báo, phóng viên chân chính, thì càng trong giai đoạn hiện nay lại càng đòi hỏi ở mỗi người nhiều hơn, mà trước tiên bản thân mỗi người phải là những công dân gương mẫu, biết cách trân trọng chính ngòi bút và độc giả của mình.

Tác giả: Bài: Hà Linh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây