DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 23/11/2020 20:17
DIC - Ngày nay, khi xã hội càng phát triển, nhiều loại hình văn hóa nghe, nhìn phong phú, đa dạng làm cho việc tìm tòi các thông tin về đời sống, xã hội trở nên dễ dàng hơn. Tuy vậy, vẫn không thể phủ nhận tầm quan trọng của văn hóa đọc truyền thống. Do đó, để duy trì, phát triển văn hóa đọc cho học sinh, thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động sáng tạo trong xây dựng thư viện trường học thu hút học sinh đến đọc, tham khảo. Thông qua nguồn tư liệu từ các cuốn sách, giúp học sinh lĩnh hội các giá trị văn hóa xã hội, phát triển kỹ năng giao tiếp thông tin, từng bước hình thành nhân cách tốt đẹp cho bản thân.
/uploads/news/2020_11/1_7.jpg Học sinh Trường Tiểu học xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) đọc sách tìm hiểu thông tin ở thư viện nhà trường. Trường Tiểu học Hà Nội - Ðiện Biên Phủ là một trong những cơ sở giáo dục luôn phát huy được giá trị của thư viện trường học. Ngoài việc học sinh đọc sách sau mỗi giờ ra chơi, cuối giờ mỗi buổi học thì nhà trường còn tổ chức mỗi tuần 1 tiết đọc sách thư viện để các em có cơ hội trao đổi, học tập nâng cao kiến thức, hình thành nhân cách. Ngoài ra, để thu hút, khuyến khích học sinh đam mê, hiểu được giá trị của việc đọc sách, hàng năm, nhà trường tổ chức Ngày hội đọc sách để hưởng ứng Ngày sách Việt Nam, Tuần lễ học tập suốt đời. Cô Nguyễn Thị Huyền, Tổng phụ trách Ðội, Trường Tiểu học Hà Nội - Ðiện Biên Phủ chia sẻ: Việc tổ chức Ngày hội đọc sách là hoạt động ý nghĩa, thiết thực, không chỉ nhằm tuyên truyền, giáo dục cho các em về tầm quan trọng của việc đọc sách cũng như trân trọng giữ gìn, bảo vệ sách mà còn góp phần đưa văn hóa đọc trở thành thói quen, rèn cho các em biết chọn những loại sách báo có nội dung tốt, tính giáo dục cao, phù hợp với tâm - sinh lý của từng lứa tuổi. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các em được tiếp cận, rèn luyện thói quen đọc sách, trau dồi tri thức, thay đổi cách học tập của bản thân... Với nhiều hoạt động sáng tạo, thiết thực, đến nay, Trường Tiểu học Hà Nội - Ðiện Biên Phủ đã có thư viện đạt chuẩn theo quy định. Cũng là một trong những đơn vị tiêu biểu trong việc sử dụng, phát huy hiệu quả thư viện trường học, những năm qua, Trường THCS Tân Bình (TP. Ðiện Biên Phủ) đã tạo cho học sinh trong trường có không gian đọc sách ý nghĩa, hiệu quả. Thông qua hoạt động này, giúp học sinh lĩnh hội nhiều giá trị văn hóa - xã hội, phát triển kỹ năng giao tiếp, nhất là hình thành văn hóa đọc để lan tỏa tới cộng đồng. Cũng từ việc phát huy giá trị thư viện, tủ sách trường học, hình thành văn hóa đọc cho học sinh, năm 2020, tham gia Cuộc thi Ðại sứ Văn hóa đọc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động, Trường có 2 học sinh đạt giải cao ở cấp quốc gia gồm: 1 giải Nhì và 1 giải Ba (tỉnh Ðiện Biên có 6 học sinh đạt giải; ngoài 2 giải thuộc về Trường THCS Tân Bình, 4 giải còn lại là giải khuyến khích thuộc về học sinh Trường Tiểu học thị trấn Mường Ảng, Trường THPT chuyên Lê Quý Ðôn, Trường THPT huyện Ðiện Biên và Trường THPT Phan Ðình Giót). Em Hoàng Minh Tuấn, lớp 8C4, Trường THCS Tân Bình - người đã đạt giải Ba Cuộc thi Ðại sứ Văn hóa đọc toàn quốc năm 2020 chia sẻ: Có rất nhiều nơi để đọc sách, tìm hiểu thông tin nhưng với em những cuốn sách, báo tại thư viện trường học rất quan trọng. Ðọc sách không chỉ giúp em hiểu thêm nhiều kiến thức xã hội mà còn hình thành cho em kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp tốt hơn. Là người vừa đạt giải của cuộc thi Ðại sứ Văn hóa đọc, em sẽ tiếp tục cố gắng học tập, tích cực đọc sách nhiều hơn, đồng thời tuyên truyền đến người thân, bạn bè quan tâm hơn đến việc đọc sách. Không riêng ở khu vực thành phố, văn hóa đọc cũng được cán bộ giáo viên, học sinh ở địa bàn vùng sâu, vùng xa quan tâm. Chia sẻ về tinh thần học tập cũng như việc phát huy giá trị thư viện trường học, thầy giáo Nguyễn Quang Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nà Khoa (huyện Nậm Pồ) cho biết: Mặc dù đặc thù của vùng cao, phần lớn học sinh là con em dân tộc thiểu số nhưng ở đây các em rất chăm chỉ. Hàng ngày, các em thường xuyên đến thư viện mượn sách để đọc. Có em thì mượn sách, báo, tạp chí, có em thì mượn truyện tranh để đọc giải trí. Nhìn chung, học sinh nhà trường cơ bản đều có ý thức trong việc học tập. Nhằm phát huy giá trị thư viện trường học, tủ sách trường học, hàng năm, Phòng Giáo dục và Ðào tạo các huyện, thị, thành phố thường xuyên chỉ đạo các trường học lựa chọn những đầu sách hay, có ý nghĩa giáo dục xây dựng mô hình thư viện, tủ sách thân thiện… gắn liền với các hoạt động như: Xây dựng nội quy, quy định của nhà trường, tổ chức giới thiệu, đánh giá, nhận xét sách... Cùng với đó, tổ chức liên kết, trao đổi sách, báo, tạp chí, truyện giữa các trường trên cùng địa bàn để làm phong phú nguồn sách, truyện trong thư viện trường. Với cách làm như vậy, đến nay, hoạt động đọc sách trong học đường ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến: 100% trường học có thư viện với vốn tài liệu phù hợp, trong đó 60% trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông có thư viện đạt chuẩn theo quy định.