DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 20/11/2019 21:39
DIC - Ngày nay báo chí có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, không chỉ là công cụ để tuyên truyền đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước, mà báo chí còn đóng vai trò quan trọng trong việc phản biện, định hướng dư luận củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
/uploads/news/2019_12/bai-tran-ha.jpg Phóng viên báo chí tác nghiệp tại Lễ kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh Điện Biên và 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 03 cơ quan báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động là: Báo Điện Biên Phủ; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; Tạp chí Văn nghệ Điện Biên. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 01 cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Điện Biên; phóng viên thường trú của 04 cơ quan báo chí Trung ương: Báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Bắc, Báo Tài nguyên Môi trường và Báo Giáo dục và Thời đại; 10 Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện; 14 cơ quan có xuất bản Bản tin và 32 trang thông tin điện tử tổng hợp đã được cấp phép hoạt động. Nhìn chung trong thời gian qua, các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin tuyên truyền đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích và sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý; thông tin nhanh nhạy, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn; các sự kiện đối ngoại quan trọng; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Bám sát phản ánh thực tiễn cuộc sống và tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội, quảng bá hình ảnh Điện Biên đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước; tuyên truyền phản bác lại những thông tin không đúng sự thật và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Thực hiện tốt chức năng cảnh báo, phản biện xã hội; làm tốt vai trò là cầu nối giữa người dân và chính quyền, ảnh hưởng tích cực đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh. Công tác chỉ đạo, quản lý báo chí được Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên phối hợp, duy trì đảm bảo phù hợp và đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý báo chí trong tình hình mới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được hoạt động báo chí vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định như: Việc tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về các chủ trương, chính sách, giải pháp điều hành, định hướng phát triển của các ngành, địa phương trong tỉnh chưa được thường xuyên, chưa kịp thời và đúng theo quy định. Một số cơ quan hành chính Nhà nước hiểu về Quy định Phát ngôn và Cung cấp thông tin cho báo chí chưa đầy đủ nên đã gây khó khăn cho phóng viên khi tác nghiệp; một số cơ quan đơn vị còn né tránh việc cung cấp thông tin chính thống cho báo chí nên dẫn đến tình trạng bài viết mang tính một chiều về phản ánh những mặt trái, những khó khăn vướng mắc cũng như những tồn tại của của địa phương trên các báo Trung ương vẫn còn nhiều. Công tác phối hợp phản hồi thông tin báo nêu vẫn chưa được các sở, ban, ngành quan tâm; theo đó nhiều thông tin báo nêu không được thông tin phản hồi kịp thời đã trở thành tâm điểm dư luận xã hội tạo ra khủng hoảng thông tin… Để khắc phục những tồn tại hạn chế trên, từ năm 2018 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực, chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan thực hiện nghiêm Quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí nhằm đảm bảo sự công khai, minh bạch về thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước trong tỉnh để từ đó giải quyết dứt điểm việc khủng hoảng thông tin, đặc biệt thông tin không chính thống; đồng thời các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp theo dõi thông tin, trả lời, phản hồi thông tin báo chí kịp thời theo đúng quy định. Song song với đó, từ 2018 Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội nghị tập huấn công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí và kỹ năng quản lý truyền thông và ứng xử với báo chí cho gần 700 lượt người tham gia là lãnh đạo người phát ngôn các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Lãnh đạo cấp ủy, HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã; cán bộ lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí, tuyên truyền trên địa bàn tỉnh. Nhờ làm tốt công tác tham mưu, quản lý kịp thời trong thời gian trở lại đây các hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có khởi sắc nhất định: Việc phát ngôn, cung cấp thông tin và phối hợp phản hồi thông tin báo đã được các sở, ban, ngành quan tâm chú trọng, theo đó tình trạng bài viết mang tính một chiều; bài báo phản ánh những mặt tiêu cực của xã hội, những khó khăn vướng mắc cũng như những tồn tại khó khăn của tỉnh trên các báo Trung ương đã giảm dần. Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả vai trò của báo chí trên mặt trận văn hóa tư tưởng, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế, ổn định về chính trị - xã hội, vững chắc về an ninh - quốc phòng của tỉnh Điện Biên cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu, như: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong hoạt động thông tin báo chí; huy động các cấp, các ngành, Mặt trận tổ quốc và các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp cùng tham gia theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chỉ chị 22-CT/TW của Bộ Chính trị, ngày 17-10-1997 về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý công tác báo chí”; Kết luận số 23-KL/TW ngày 22/11/2017 của Ban Bí thư “Về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Cơ quan chỉ đạo, quản lý và cơ quan chủ quản báo chí cần thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin để kịp thời chỉ đạo, định hướng thông tin đối với cơ quan báo chí thuộc thẩm quyền, nhất là trong các vụ việc, sự kiện lớn, quan trọng, phức tạp, nhạy cảm; nghiên cứu thiết lập đường dây nóng giữa cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, để kịp thời xin ý kiến chỉ đạo khi có các sự việc đột xuất, nhạy cảm. Các cơ quan, đơn vị cần chủ động cung cấp nội dung thông tin tích cực nhanh chóng, kịp thời cho báo, đài địa phương, Văn phòng đại diện các báo Trung ương và các địa phương khác để định hướng dư luận, không để khủng hoảng thông tin; đồng thời chủ động theo dõi và thực hiện phản hồi thông tin theo quy định nếu thông tin báo chí đăng chưa đảm bảo chính xác, khách quan, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân, cơ quan, đơn vị mình. Bên cạnh đó những người làm báo không ngừng rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất đạo đức, xây dựng và rèn luyện bản lĩnh của người cầm bút để thực sự trở thành một chiến sỹ tiên phong trên mặt trận văn hóa - tư tưởng của Đảng, xứng đáng với sự tin yêu, trông cậy và kỳ vọng của nhân dân./.