Báo chí với nhiệm vụ đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Thứ ba - 19/01/2021 21:50
Báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng là tiếng nói của nhân dân. Vì vậy, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống là trách nhiệm chính trị của mỗi cơ quan báo chí, trách nhiệm nghề nghiệp của những người làm báo. Và báo chí chính là một trong những cầu nối hữu hiệu nhất để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Những năm qua, báo chí tỉnh Điện Biên đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc tăng cường sự đoàn kết, nhất trí, tạo sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, nhất là thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và góp phần vào sự thành công của Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh Điện Biên. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của báo chí tỉnh Điện Biên là tuyên truyền đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Muốn làm tốt được điều này, trước hết mỗi nhà báo cần quán triệt sâu sắc và hiểu rõ tuyên truyền đưa nghị quyết vào cuộc sống không phải chỉ là tuyên truyền về nghị quyết, đưa toàn văn nghị quyết lên mặt báo hay đọc nghị quyết cho người xem, người nghe. Công tác này cần phải được hiểu một cách toàn diện là tuyên truyền về nghị quyết, việc triển khai nghị quyết, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghị quyết, việc xây dựng và triển khai các đề án, dự án, các cuộc vận động, phong trào hành động, hoạt động của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trên tất cả lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đến quốc phòng, an ninh, nội chính và đối ngoại... Tuyên truyền đưa nghị quyết vào cuộc sống không phải chỉ là viết về Đảng, về xây dựng Đảng; không phải chỉ có ở chuyên mục “Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống” hay chuyên mục “Xây dựng Đảng” và cũng không phải chỉ là nhiệm vụ của nhà báo phụ trách các chuyên mục này. Tuyên truyền đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống phải được thực hiện ở rất nhiều chuyên mục, trong một chừng mực nào đó là tất cả chuyên mục. Trách nhiệm này thuộc về lãnh đạo, ban biên tập các cơ quan báo chí và tất cả nhà báo, cộng tác viên. Trên thực tế quan niệm này hiện vẫn chưa được nhiều nhà báo hiểu và thực hiện đúng. Không ít người vẫn quan niệm đưa nghị quyết vào cuộc sống là cái gì đó rất chính trị, lớn lao, khô cứng, khó, chỉ có nhà báo lớn tuổi, có kinh nghiệm mới thực hiện được. Thực tế những năm vừa qua, rấ nhiều phóng viên trong đội ngũ những người làm báo chúng ta tuy còn trẻ tuổi và cũng chưa phải là nhiều tuổi nghề nhưng đã làm tốt việc viết tin bài trên lĩnh vực này và đã được cấp ủy, bạn đọc ghi nhận, các cơ quan có trách nhiệm trao giải trong các cuộc thi báo chí. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, để tuyên truyền đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống đúng với trách nhiệm chính trị của mỗi cơ quan báo chí, trách nhiệm nghề nghiệp của những người làm báo và đạt mục đích, kết quả hữu hiệu nhất thì theo tôi, các cơ quan báo chí và người làm báo cần một số điều sau: Thứ nhất: Tuyên truyền nội dung của nghị quyết trên từng lĩnh vực, tập trung cho mục tiêu tổng quát của nhiệm kỳ 2020 - 2025. Thứ hai: Tuyên truyền trên các lĩnh vực cụ thể: kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh, nội chính và đối ngoại... Bám sát các chỉ tiêu phấn đấu trong nghị quyết để thông tin về tình hình thực hiện, kết quả, hiệu quả, những thuận lợi, khó khăn, bài học kinh nghiệm, các điển hình, ý kiến của nhân dân, các giải pháp, đề xuất, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân được phản ánh và cả những đề xuất của riêng nhà báo. Thứ ba: Chú trọng tuyên truyền, thông tin hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, sự quyết tâm, nỗ lực triển khai của các cấp, các ngành. Phản ánh và tạo được khí thế thi đua sôi nổi, lao động hăng say, quyết liệt trong các tổ chức, doanh nghiệp và người lao động trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển của địa phương. Thứ tư: Phản ánh những tấm gương tập thể, cá nhân điển hình có những việc làm tâm huyết, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, học tập, công tác, các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống mới.... Thứ năm: Phát hiện những bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, đưa ra được đề xuất, kiến nghị có tính gợi mở để cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương tham khảo, điều chỉnh, rút kinh nghiệm, uốn nắn kịp thời. Thứ sáu: Đấu tranh, phê phán các biểu hiện tiêu cực, tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đấu tranh phản bác các quan điểm chống phá của các thế lực thù địch, phản động đối với vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và sự phát triển của địa phương. Để việc tuyên truyền đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống hiệu quả hơn, nhanh hơn thì văn phong phải dễ hiểu, gần gũi với số đông công chúng, hình thức phản ánh sinh động, phản ánh đúng các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết của Đảng đã đề ra. Liên tục có những đổi mới về nội dung và hình thức để nâng cao chất lượng thông tin. Phải đảm bảo được tính chính trị đúng đắn, có tính chiến đấu cao, có lợi cho sự phát triển xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có sức lan tỏa, làm lay động tình người, đáp ứng được nhu cầu thông tin của công chúng, được đông đảo công chúng đón nhận. Đối với cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức: Cần thay đổi nhận thức, cách nhìn nhận về vai trò của báo chí, không né tránh báo chí, mà cần tranh thủ báo chí, thực hiện nghiêm quy định phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; cần hợp tác với báo chí để kịp thời thông tin, tuyên truyền các chính sách, các dự án phát triển của ngành, địa phương, quảng bá hoạt động, uy tín, hình ảnh của các cấp, các ngành, để có sự đồng thuận và ủng hộ tích cực của người dân. Đối với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Thông tin và Truyền thông: Cần thực hiện tốt hơn công tác định hướng thông tin, tuyên truyền cho báo chí, hỗ trợ báo chí trong việc tiếp cận thông tin ở cơ sở; rà soát, kiểm tra việc thực hiện định hướng tư tưởng chính trị, tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí; xử lý kiên quyết các trường hợp sai phạm. Tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề nổi cộm, tiêu cực, hạn chế mà báo chí phản ánh; xem xét tuyên dương, nhân rộng những điển hình trên báo chí. Đối với Hội Nhà báo tỉnh: Cần bám sát Nghị quyết Đại hội Hội Nhà báo tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, đổi mới phương thức hoạt động, thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức hội vững mạnh; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực chuyên môn giỏi, có nhiều tác phẩm hay có nội dung gần gũi với số đông công chúng. Tổ chức giải báo chí Điện Biên với chủ đề “Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”. Đối với lãnh đạo các cơ quan báo chí: Cần tổ chức triển khai, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tới đây trong toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động. Khuyến khích, khen thưởng kịp thời tác giả, tác phẩm báo chí đưa nghị quyết vào cuộc sống có chất lượng. Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nêu cao tinh thần tự học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ của những người làm báo. Đối với các biên tập viên, phóng viên: Cần dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu kỹ các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV để tác phẩm báo chí đạt chất lượng, đúng với chủ trương, đường lối của Đảng và bám sát thực tiễn cuộc sống. Nắm vững Nghị quyết của Đảng, nhất là lĩnh vực mình phụ trách để có sự so sánh với nghị quyết, khi cần thiết nhắc lại nghị quyết, đề xuất các giải pháp từ thực tiễn. Nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng; không ngừng rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, bám sát thực tiễn địa phương, đất nước, đi sâu, đi sát cơ sở./.

Tác giả: Tin: Vân Chương

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây