DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên

http://dic.gov.vn


Vai trò của tuyên truyền và thông tin đối ngoại nơi biên giới

DIC - Trên tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ, sau 10 năm (2011-2020), Chương trình phối hợp giữa Sở Thông tin và Truyền thông với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Điện Biên trong công tác thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại tại khu vực biên giới giai đoạn 2011 - 2020 (gọi tắt là Chương trình 613) đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, Nhân dân vùng biên về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các hiệp ước, hiệp định, quy chế biên giới.

Cán bộ Đồn Biên phòng Mường Mươn tuyên truyền về các hiệp ước, hiệp định, quy chế biên giới cho nhân dân trên địa bàn xã Mường Mươn (huyện Mường Chà).
Điện Biên có đường biên giới dài 455,573km tiếp giáp với hai quốc gia (Lào và Trung Quốc), là địa bàn trọng yếu về quốc phòng - an ninh trong chiến lược giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn những nhân tố phức tạp về an ninh trật tự; trong đó các thế lực thù địch đang âm mưu chống phá chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, việc đẩy mạnh công tác thông tin và truyền thông cũng như tuyên truyền đối ngoại khu vực biên giới luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm, chú trọng.    

Thực hiện Chương trình 613 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Tư lệnh Biên phòng Việt Nam, tỉnh Điện Biên đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường phối hợp với BĐBP tỉnh nghiên cứu, xây dựng Chương trình phối hợp và nội dung kế hoạch thực hiện cụ thể để sự phối hợp đạt hiệu quả thiết thực. Ngày 14/10/2011, Sở và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về công tác Thông tin, truyền thông và Thông tin đối ngoại khu vực biên giới tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2011-2020; đồng thời ban hành Chương trình phối hợp số 545/CT-STTTT-BCHBĐBP ngày 04/11/2011 trong công tác Thông tin, truyền thông và Thông tin đối ngoại tại khu vực biên giới tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2011-2020 (gọi tắt là Chương trình phối hợp 545).

Phục vụ công tác tuyên truyền đối ngoại, thời gian qua, BĐBP phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng 2 cụm panô từ nguồn hỗ trợ của tỉnh tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang và Đồn Biên phòng A Pa Chải; lắp đặt 05 cụm panô tuyên truyền về Phòng chống ma túy tại các xã khu vực biên giới; quản lý, vận hành, khai thác Cụm Thông tin đối ngoại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang. Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về biên giới của nhân dân, BĐBP tỉnh đã triển khai đầy đủ 129 biển báo khu vực biên giới, vành đai biên giới, vùng cấm và được Cục Chính trị - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam cấp phát 17 bộ máy trình chiếu, 12 máy ảnh, 06 máy camera để phục vụ công tác tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân khu vực biên giới…

Cùng với đó, thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) đưa thông tin về cơ sở (2011-2016), UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các địa phương triển khai các Dự án về Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông, giảm nghèo về thông tin… Giai đoạn 2011-2020, tỉnh Điện Biên đã đầu tư lắp đặt, nâng cấp các trạm phát lại truyền thanh, truyền hình, đài truyền thanh cấp xã; trong đó các đài, trạm thuộc xã biên giới. Nhờ vậy, đã có 96/129 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh có đài truyền thanh. Đến nay, hạ tầng truyền dẫn cáp quang được kéo đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn; 129/129 xã, phường, thị trấn có kết nối băng rộng cố định đến trung tâm; trên 80% thôn, bản trong toàn tỉnh (gồm cả khu vực biên giới) có dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất. Để người nghèo được tiếp cận với các thông tin, bằng các nguồn tài trợ từ Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉnh Điện Biên đã hỗ trợ phương tiện nghe - xem cho hộ nghèo thuộc các dân tộc rất ít người; hộ nghèo sống tại các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn. Năm 2020, toàn tỉnh đã được hỗ trợ gần 2.900 bộ đầu thu truyền hình số cho các hộ thuộc đối tượng bị ảnh hưởng khi ngừng phát sóng truyền hình tương tự. Với sự quan tâm, hỗ trợ đó, chất lượng thông tin tuyên truyền đã được nâng cao; đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới được tiếp cận gần hơn với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Theo ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Giai đoạn 2011-2020, Chương trình phối hợp giữa Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh với Sở Thông tin và Truyền thông đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy công tác thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại khu vực biên giới tỉnh Điện Biên. Việc phối hợp chặt chẽ giữa Sở Thông tin và Truyền thông và BĐBP tỉnh đã tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc khu vực biên giới về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, nâng cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn hoạt động “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, bất mãn, nhằm bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới Quốc gia... Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực biên giới và tăng cường sự giao lưu, trao đổi và học tập kinh nghiệm giữa nhân dân các nước có chung đường biên giới...

Thời gian tới, để nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia, Sở Thông tin và Truyền Thông, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin truyền thông và thông tin đối ngoại khu vực biên giới. Đồng thời, tập trung tuyên truyền về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, các điển hình tiên tiến trong hoạt động bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và phong trào thi đua yêu nước ở khu vực biên giới trên hệ thống thông tin tuyên truyền cơ sở… nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới Quốc gia./.

Tác giả: Bài, ảnh: Phạm Quang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây