Đẩy mạnh Chuyển đổi số tạo động lực cho sự phát triển

Chủ nhật - 04/12/2022 21:15
DIC - Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số”; hướng đến mục tiêu “thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội”.
Xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, trong thời gian qua tỉnh Điện Biên đã tập trung mọi nguồn lực cho chuyển đổi số, tỉnh đã đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch; đồng thời tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho phát triển chính quyền số như: Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Đề án Chuyển đổi số tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Chỉ thị về phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, thúc đẩy chuyển đổi số cùng nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực triển khai thực hiện...

Để theo kịp chương trình chuyển đổi số, Điện Biên đã xác định bước đầu là quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số. Tính đến hết năm 2022, có 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, 06 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, sóng thông tin di động (3G, 4G) đã được phủ đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và 94,5% khu vực có dân cư sinh sống. Tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đạt 100%; cấp xã đạt trên 95%. 100% cơ quan Nhà nước các cấp được kết nối mạng Internet tốc độ cao và kết nối vào Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước. Hệ thống Hội nghị trực tuyến được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Trung tâm dữ liệu tỉnh được đầu tư, nâng cấp để tạo nền tảng hạ tầng quản lý tập trung đảm bảo đồng bộ, thống nhất, an toàn thông tin, phục vụ hoạt động cho các phần mềm dùng chung của tỉnh...
 
Hạ tầng xã hội số được triển, khai rộng khắp, mã địa chỉ bưu chính (Vpostcode) dựa trên nền tảng bản đồ số được triển khai đến 99% hộ gia đình; Tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt 68%; 37% dân số có tài khoản thanh toán điện tử, với đa dạng các hình thức thanh toán trực tuyến qua thẻ, thanh toán qua Internet banking, Mobile banking, Mobile Money... 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng, với hơn 5.500 người tham gia là lãnh đạo UBND cấp xã, đại diện các hội phụ nữ, thanh niên, công an, giáo viên, tổ trưởng các thôn, bản tại địa phương, là cánh tay nối dài của ban chỉ đạo về chuyển đổi số các cấp, đóng vai trò then chốt đưa công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân.

Sở TT&TT tổ chức tập huấn Diễn tập thực chiến đảm bảo an toàn thông tin tỉnh Điện Biên năm 2022 với chủ đề: "Diễn tập ứng cứu, xử lý sự cố Cổng Thông tin điện tử tỉnh Điện Biên bị tấn công khai thác lỗ hổng bảo mật từ đó phát tán mã độc, thay đổi giao diện.

 
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực được quan tâm chú trọng,  thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số cho trên 1.000 học viên là cán bộ phụ trách công nghệ thông tin, đầu mối tổ chuyển đối số cộng đồng cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Tập huấn kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho khoảng 200 người dùng cuối, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho gần 300 lãnh đạo UBND cấp xã. Hỗ trợ trên 4.500 lượt, vận hành phần mềm quản lý văn bản điều hành (TDOffice) nâng tỷ lệ sử dụng văn bản điện tử có ký số lên trên 97% trong năm 2022.

Với sự quyết tâm của các cấp uỷ, chính quyền hoạt động chuyển đổi số đã đạt được kết quả đáng ghi nhận: 100% các cơ quan Nhà nước các cấp đã sử dụng nền tảng quản lý văn bản và hồ sơ công việc, liên thông vào Trục liên thông văn bản Quốc gia; 100% cán bộ, công chức được cấp tài khoản thư điện tử công vụ; 100% cơ quan cấp tỉnh và huyện triển khai áp dụng hệ thống chỉ đạo, điều hành phục vụ công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao. Số lượng cuộc họp trực tuyến ngày càng tăng (Đến hết tháng 11/2022 đã thực hiện tổng cộng trên 90 cuộc hội nghị truyền hình trực tuyến trong đó có 21 phiên họp 4 cấp, 5 phiên Quốc tế; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 và được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Thực hiện tiếp nhận trên 140.000 hồ sơ; xử lý hồ sơ đúng hạn, sớm hạn đạt trên 96%. Số hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt 53%.

Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh được kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin đủ điều kiện chia sẻ dữ liệu của các cơ quan Trung ương, hệ thống thông tin Quốc gia. Trung tâm giám sát điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) được triển khai theo mô hình “4 lớp” để thực hiện giám sát, phát hiện và cảnh báo sớm, kịp thời các nguy cơ tấn công mạng trên địa bàn tỉnh; Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, Chính phủ được triển khai đồng bộ... Tỷ lệ người dân được tiếp cận, hướng dẫn, đào tạo và sử dụng bình đẳng các dịch vụ thiết yếu (chính quyền số, y tế, giáo dục, thông tin, thương mại điện tử, khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường) ngày một tăng.

Kinh tế số ngày được quan tâm, hiện nay toàn tỉnh có 35 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, trong đó có 11 doanh nghiệp nền tảng số. 738/1.113 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số (đạt 66,3%), trong đó có 111 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận và tham gia Chương trình SMEDx (đạt 9,97%). Số lượng doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử đạt 1.087 doanh nghiệp (đạt 97,6%). Thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh, hiện tại đưa được 493 sản phẩm lên sàn, trong đó có 42 sản phẩm OCOP.

  Có thể nói, việc xây dựng Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số đã từng bước đưa hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh lên môi môi trường số, dần thay đổi mô hình hoạt động vận hành dựa trên các nền tảng, công nghệ số; Các cơ quan, đơn vị có khả năng cung cấp dịch vụ hành chính công chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, tham gia giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội của tỉnh. Chuyển đổi số cũng làm thay đổi thói quen, cách sống, làm việc trên môi trường mạng, cách tiếp cận cuộc CMCN 4.0 của CB, CCVC, người dân, tổ chức và doanh nghiệp làm tăng năng suất lao động góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện chuyển đổi số của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế: Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ, chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong Chuyển đổi số; Hạ tầng chuyển đổi số chưa đồng bộ, một số khu vực không có điện lưới quốc gia chưa có dịch vụ viễn thông, Internet. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước còn hạn chế, cơ sở dữ liệu của tỉnh phân tán, khai thác chưa hiệu quả; năng lực đảm bảo an toàn, an ninh mạng còn yếu; cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế (thiếu chuyên gia về ATTT, chuyển đổi số), Tỷ lệ người dân có thiết bị thông minh, tỷ lệ hộ gia đình kết nối internet, tỷ lệ thiết bị bảo đảm kết nối, sử dụng các nền tảng số còn thấp...

Trong thời gian tới, để đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu về Chuyển đối số, từng bước hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp; Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục chủ động, tích cực tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành quản lý, sử dụng có hiệu quả các nền tảng số, cơ sở dữ liệu dùng chung; Thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh với các cơ quan Trung ương. Nâng cấp hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hánh chính đảm bảo kết nối với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tra cứu, tìm kiếm, trao đổi thông tin và thực hiện dịch vụ công trực tuyến với quan điểm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”...v.v. Phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Ðiện Biên hoàn thành xây dựng Chính quyền điện tử ở cả 3 cấp và hướng tới Chính quyền số, Ðô thị thông minh; đồng thời tập trung nguồn lực thực hiện các kế hoạch, đề án Chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình Chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định 749/QÐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 01/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

 

Tác giả: Tin, ảnh: Trọng Chiến

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây