Nỗ lực hướng tới Chính quyền điện tử tỉnh Điện Biên

Thứ hai - 25/11/2019 21:47
DIC - Trong thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển tạo điều kiện môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh và đã đạt được những kết quả nhất định góp phần xây dựng Chính quyền điện tử và Cải cách hành chính phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đến nay, 100% cơ quan Nhà nước từ cấp huyện trở lên được kết nối mạng nội bộ (LAN) và mạng Internet tốc độ cao, 100% xã được kết nối Internet. Việc trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan Nhà nước đã được chú trọng thực hiện. 100% cơ quan Nhà nước từ cấp xã trở lên đã kết nối liên thông hệ thống quản lý văn bản hồ sơ công việc; 100% cơ quan Nhà nước đã có cổng/trang thông tin điện tử, cơ bản đáp ứng yêu cầu và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến. Hệ thống giao ban trực tuyến đã triển khai lắp đặt thiết bị và kết nối 14 điểm. 90% các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện có cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về công nghệ thông tin.
/uploads/news/2019_12/dai-dien-lanh-dao-so-tttt-ky-bien-ban-hop-tac-ung-dung-zalo-voi-dai-dien-cua-cong-ty-co-phan-vng-truoc-su-chung-kien-cua-lanh-dao-hdnd-ubnd-tinh-so-tttt.jpg Đại diện lãnh đạo Sở TT&TT ký biên bản hợp tác ứng dụng Zalo với đại diện của Công ty Cổ phần VNG, trước sự chứng kiến của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND - UBND tỉnh, Sở TT&TT. (Ảnh: Trần Tuấn). Triển khai CQĐT gắn liền với cải cách thủ tục hành chính là một yêu cầu cần thiết trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước và của tỉnh Điện Biên. Tin học hoá hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Điện Biên là một nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan nhằm tăng cường năng lực quản lý, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả góp phần quan trọng của cải cách nền hành chính của tỉnh. Do đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1186/QĐ-UBND ngày 19/12/2018 về việc ban hành Kiến trúc CQĐT 1.0; Kế hoạch số 187/KH-UBND ngày 21/01/2019 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Kiến trúc CQĐT tỉnh Điện Biên giai đoạn (2018-2022). Kiến trúc CQĐT 1.0 nhằm tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở hạ tầng thông tin; nâng cao khả năng giám sát, đánh giá đầu tư; đảm bảo triển khai ứng dụng CNTT đồng bộ, hạn chế trùng lặp, tiết kiệm chi phí, thời gian triển khai của cơ quan nhà nước tại tỉnh; đảm bảo tính linh hoạt khi xây dựng, triển khai các thành phần, hệ thống thông tin theo điều kiện thực tế tại tỉnh; là cơ sở xác định các thành phần, hệ thống CNTT cần xây dựng và lộ trình, trách nhiệm triển khai CQĐT tỉnh Điện Biên. Đặc biệt là các hệ thống ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành cho toàn tỉnh phải được xây dựng, triển khai theo mô hình tập trung, đồng bộ đảm bảo tích hợp, liên thông giữa các hệ thống đó. Là cơ quan chủ trì tham mưu và triển khai CQĐT của tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh các hệ thống CNTT tập trung mang tính chiến lược, đồng bộ, tiết kiệm, hiệu quả tránh lãng phí về nhân lực và tài chính cho tỉnh. Trong năm 2019, Sở đã tham mưu và triển khai 4 hệ thống ứng dụng CNTT theo mô hình tập trung lớn cho tỉnh gồm: Cổng dịch vụ công trực tuyến; Hệ thống giám sát An toàn thông tin tập trung; phần mềm quản lý thông tin kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên; ứng dụng chữ ký số điện tử. Kết quả đến hết tháng 10/2019 đã có 3.315 tài khoản được cấp để sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến; 1.768 dịch vụ công mức độ 2, 245 dịch vụ công mức độ 3 và 86 dịch vụ công mức độ 4 được triển khai trên Cổng dịch vụ công trực tuyến. Hệ thống giám sát An toàn thông tin đã được cài đặt tại máy chủ của sở TT&TT, đồng thời cung cấp 2.223 phần mềm phòng chống virus cho CBCC trong toàn tỉnh, đến nay đã có 571 máy tính được cài đặt và kết nối giám sát về máy chủ trung tâm điều khiển. Phần mềm quản lý thông tin kinh tế - xã hội được triển khai đồng bộ đến các sở, ngành, UBND các huyện thị xã, thành phố. Chứng thực chữ ký số tích hợp trên phần mềm quản lý văn bản được triển khai tới 10 đơn vị. Tổ chức 15 lớp đào tạo, tập huấn với hơn 450 CBCC,VC được đào tạo kỹ năng ứng dụng CNTT của các sở, ngành, UBND các huyện thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Việc xây dựng Kiến trúc CQĐT tỉnh Điện Biên giúp lãnh đạo tỉnh có cơ sở đưa ra các quyết định đầu tư triển khai CQĐT kịp thời, chính xác; nâng cao hiệu quả, chất lượng các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Đặc biệt, khi việc triển khai ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước tại tỉnh Điện Biên ngày càng được phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng. Tuy nhiên đây là nhiệm vụ không dễ cần có sự đồng thuận, phối hợp tốt của các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị cá nhân. Ông Nguyễn Trọng Chiến - Trưởng phòng CNTT cho biết: Năm 2019 UBND tỉnh đã phê duyệt khung kiến trúc CQĐT tỉnh Điện Biên và giao cho Sở TT&TT là đầu mối có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai áp dụng Kiến trúc Chính quyền điện tử. Theo đó kiến trúc CQĐT tỉnh Điện Biên sẽ chia làm 3 giai đoạn với 9 nhóm nhiệm vụ triển khai từ năm 2019 đến 2022 bao gồm các nội dung: xây dựng các ứng dụng nghiệp vụ CQĐT; xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh (LGSP); nâng cấp Cổng thông tin điện tử của tỉnh; trang bị cơ sở hạ tầng cho cơ quan nhà nước; xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh; xây dựng hệ thống an toàn thông tin; hệ thống thông tin quản lý kiến trúc CQĐT; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, tuyên truyền về nền tảng CQĐT. Trong quá trình triển khai giai đoạn 1, các cơ quan đơn vị đã phối hợp và ứng dụng tốt các nền tảng của CQĐT cho công tác quản lý, chỉ đạo điều hành tại cơ quan. Tuy nhiên, một số đơn vị hiện nay chưa tích cực cho CQĐT, đơn cử như việc cài đặt phần mềm phòng chống vius do sở cấp hiện tại mới đạt 25,68% so với số lượng được cấp cho toàn tỉnh; các hồ sơ tiếp nhận và xử lý trên cổng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, một số đơn vị chưa triển khai thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công trực tuyến. Ngày 09/9/2019 Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về phân công nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử giữa Văn phòng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông theo đó chuyển nhiệm vụ triển khai Chính phủ điện tử từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ Thông tin và Truyền thông. Đồng thời sẽ sửa đổi những quy định, quy chế để phù hợp tạo hành lang pháp lý cho Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì triển khai Chính phủ điện tử. Trên cơ sở đó Sở Thông tin và Truyền thông cấp tỉnh sẽ là cơ quan chủ trì triển khai CQĐT, việc xây dựng CQĐT tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cả hệ thống chính trị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Từng bước hoàn thiện, phát triển CQĐT tại tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 đưa tỉnh Điện Biên vào nhóm tỉnh, thành phố trung bình về ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 1304/KH-UBND tỉnh ngày 16/5/2016 về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử./.

Tác giả: Bài: Trọng Nghĩa

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây