Truyền thông với công tác phòng, chống ma túy

Thứ năm - 12/06/2014 21:00

Đ/c: Hoàng Hữu Lượng Cục trưởng Cục Báo chí – Bộ TT&TT và  đ/c Chu Xuân Trường – Nguyên Giám đốc sở TT&TT trao  giải cho các đội thi tuyên truyền lưu động phòng chống ma tuý năm 2013. Ảnh:Thu Hiền

Đ/c: Hoàng Hữu Lượng Cục trưởng Cục Báo chí – Bộ TT&TT và đ/c Chu Xuân Trường – Nguyên Giám đốc sở TT&TT trao giải cho các đội thi tuyên truyền lưu động phòng chống ma tuý năm 2013. Ảnh:Thu Hiền
Điện Biên là một tỉnh miền núi biên giới có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh; có hơn 400km đường biên giáp với Lào và Trung Quốc. Do đó, Điện Biên bị tác động trực tiếp của tình hình tội phạm về ma túy trong khu vực “Tam giác vàng” – Trung tâm sản xuất ma túy lớn thứ 2 trên thế giới. Trong những năm qua Điện Biên luôn được xác định là địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy ở cả 3 khía cạnh: Mua bán, vận chuyển và tàng trữ trái phép chất ma túy.
Đối với các tỉnh như: Sơn La, Lào Cai, Lai Châu hay Yên Bái chỉ tồn tại các “vùng chảo lửa về ma túy” thì riêng Điện Biên được xác định vừa là địa bàn trung chuyển nhưng cũng đồng thời là nơi tiêu thụ một lượng lớn ma túy. Bên cạnh đó, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở Điện Biên vẫn còn tồn tại tập quán trồng và sử dụng các chất ma túy. Tỉ lệ người nghiện ma túy tại Điện Biên thuộc loại cao so với cả nước (tính đến cuối năm 2013, Điện Biên có 7.028 đối tượng nghiện các chất ma túy). Đồng thời, lợi nhuận do ma túy mang lại là rất lớn, song nhận thức về pháp luật của nhân dân và đồng bào các dân tộc ở các xã giáp biên còn hạn chế. Hiện nay, 100% các xã biên giới của tỉnh Điện Biên có tội phạm ma túy hoạt động. Đó là những nguyên nhân khiến Điện Biên trong những năm qua luôn được xác định là “điểm nóng” về hoạt động của tội phạm ma túy.Mỗi năm lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Điện Biên phát hiện và bắt giữ khoảng hơn 400 vụ. Các bị can phạm tội chủ yếu là người dân tộc thiểu số (chiếm 75%). Phần lớn họ sống sát biên giới Việt - Lào. Do bên kia biên giới ma túy rẻ, quản lý lỏng lẻo nên người dân lợi dụng để mua bán, trao đổi ma túy hoặc một số người dân khi có điều kiện qua thăm người thân được các đối tượng khác thuê mua hoặc vận chuyển ma túy với số tiền công cao. Một nguyên nhân nữa là lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của một số hộ dân nên đối tượng buôn bán các chất ma túy thuê vận chuyển. Theo số liệu thống kê, 2 năm trở lại đây (2012-2013), lực lượng chức năng Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 962 vụ với 1.158 đối tượng. Thu 79,625kg thuốc phiện, 13.379 viên và 71,5g ma túy tổng hợp; 77,98g cần sa; 8,9kg quả thuốc phiện; hơn 9 tỉ đồng, 141.500 USD; 04 xe ô tô, 417 xe máy, 729 điện thoại cùng nhiều tang vật khác...Trước diễn biến phức tạp và hậu quả, tác hại của tội phạm ma túy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Chính phủ về Chương trình hành động phòng chống tội phạm ma túy; trong đó huy động sức mạnh tổng hợp của Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể và toàn dân tham gia đấu tranh với tội phạm về ma túy. Bên cạnh công tác điều tra, xét xử các vụ án về ma túy thì công tác tuyên truyền được xác định là phương tiện quan trọng trong việc nâng cao ý thức, trình độ hiểu biết pháp luật, vận động, giáo dục nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc ở các xã biên giới, nâng cao tinh thần cảnh giác và tích cực phòng, chống các thủ đoạn, hành vi của tội phạm ma túy.Những năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã thực hiện có hiệu quả công tác định hướng và hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền đặc biệt trong các dịp cao điểm phòng, chống ma túy… Đồng thời, tăng cường theo dõi thông tin đăng, phát về phòng chống ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng, đảm bảo nội dung chính xác, kịp thời đến với mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.Chỉ tính riêng năm trong năm 2013 vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã thẩm định và cấp Giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh có nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy với số lượng in và phát hành 19.480 bản. Cùng với đó, Báo Điện Biên Phủ đã đăng tải được gần 300 tác phẩm về đề tài ma túy, trong đó có 255 tác phẩm trên báo thời sự, 20 tác phẩm tuyên truyền trên báo cuối tuần, 25 tin bài trên Báo Điện Biên Phủ dành cho đồng bào các dân tộc vùng cao. Riêng báo Điện Biên Phủ điện tử cập nhập thông tin hằng ngày về công tác đấu tranh phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, lượng tin bài chuyển tải là 145 tác phẩm.Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phát sóng bằng tiếng phổ thông trên 2 hệ phát thanh và truyền hình được 220 tin, bài. Đồng thời, biên dịch sang tiếng Mông được 90 tin, bài; tiếng Thái 108 tin bài để tuyên truyền đến đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh còn phối hợp với các đơn vị duy trì, tổ chức phát sóng các chuyên mục “60 phút bạn và tôi”, “An ninh Điện Biên”, “Y tế và sức khỏe”, “Nhà nước và pháp luật”, “Vì chủ quyền an ninh biên giới” nhằm tăng cường cảnh báo tình hình phức tạp và phương thức hoạt động ngày càng tinh vi của các loại tội phạm, nâng cao ý thức tự phòng chống các tệ nạn xã hội, đáp ứng được nhu cầu thông tin của nhân dân.Bên cạnh đó, Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện tổ chức tốt việc tiếp sóng các chương trình của Đài THVN, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Điện Biên, trong đó có nội dung về công tác đấu tranh phòng, chống ma túy. Đồng thời, phối hợp tốt với các cơ quan liên quan tại địa phương xây dựng tin, bài, phóng sự tuyên truyền về công tác đấu tranh phòng chống ma túy gắn với tuyên truyền cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"…Trong năm 2013, Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện đã sản xuất được hơn 100 tin, bài và phóng sự phát trên sóng phát thanh của đài huyện và cộng tác với đài tỉnh phát trên sóng phát thanh - truyền hình đài tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm, ma túy.Đối với các cơ quan có ấn phẩm báo chí, ngoài việc tuyên truyền nhiệm vụ của ngành, các ấn phẩm còn dành diện tích cho công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy như: Bản tin Tư pháp Điện Biên (Hội đồng phổ biến Giáo dục pháp luật tỉnh); bản tin hoạt động công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh); Thông tin Y tế (Trung tâm truyền thông Giáo dục sức khỏe - Sở Y tế); bản tin Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên (Trung tâm Văn hóa tỉnh)...Có thể nói ngoài việc răn đe, cảnh báo những đối tượng có ý định phạm tội thì công tác tuyên truyền, giáo dục đến mọi tầng lớp nhân dân thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng trong thời gian qua đã phần nào phát huy vai trò trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy, góp phần từng bước đẩy lùi tệ nạn ma túy khỏi địa bàn dân cư./.

Tác giả: Như Quỳnh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây