Quy hoạch T.P Điện Biên Phủ - Những góc nhìn đa chiều

Thứ sáu - 06/11/2015 03:19

Quy hoạch T.P Điện Biên Phủ - Những góc nhìn đa chiều

Trên lộ trình quy hoạch thiết kế và kiến thiết xây dựng T.P Điện Biên Phủ lên đô thị loại 2 rất nhiều vấn đề liên quan đã được đưa ra bàn thảo để phát huy những lợi thế của Điện Biên và đô thị lịch sử Điện Biên Phủ. Không chỉ đơn thuần là việc tạo dựng không gian kinh tế đặc trưng (là đô thị trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc) và mối quan hệ với các vùng, quốc tế trong khu vực, quan trọng hơn nữa là hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật phải đáp ứng yêu cầu hiện đại và bền vững. Bên cạnh đó, vấn đề bảo tồn di sản văn hóa, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường... cũng được hết sức quan tâm và kịp thời đặt ra.
Nghị định 17/2009/NĐ-CP ngày 16/4/2009 về điều chỉnh địa giới hành chính T.P Điện Biên Phủ gồm 9 đơn vị hành chính, trong đó có 7 phường nội thị và 2 xã ngoại thị. Các dân tộc sinh sống ở đây gồm: Kinh, Thái, Mông, Xá… Trong đó, các dân tộc thiểu số chiếm 1/3 dân số thành phố. Với những đặc trưng văn hóa riêng nên đây là khu vực có đặc điểm hết sức phong phú, mang đậm nét đặc trưng văn hóa vùng Tây Bắc. Khu vực nội thị vẫn gìn giữ đậm nét dấu ấn lịch sử của cả một thời kỳ và với những đặc điểm rất riêng không giống với một thị tứ nào ở khu vực Tây Bắc và các vùng kinh tế khác trong cả nước. Chính vì vậy quá trình kiến thiết T.P Điện Biên Phủ được sự quan tâm, chỉ đạo rất sát sao của Trung ương. Và hơn hết là các nhà chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng, tái thiết đô thị. Để ra bản quy hoạch chi tiết hoàn chỉnh, đáp ứng các điều kiện cần và đủ cho hiện tại và cả tương lai, nhiều hội thảo quy tụ giới nghiên cứu đã được tổ chức ngay tại địa bàn thành phố với ý tưởng sáng tạo, có tầm nhìn phù hợp điều kiện thực tế. Nói về công tác bảo tồn phát huy giá trị quỹ di sản là các điểm di tích lịch sử ở Điện Biên Phủ dựa trên bài học thực tế từ Hà Nội, Tiến sĩ - Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng: Nếu nhận định được tầm quan trọng và thực hiện tốt vấn đề này thì không chỉ để người dân hiểu và ủng hộ chủ trương đưa ra, mà quan trọng hơn nữa là để tạo điều kiện huy động nguồn lực, lợi thế cho công tác bảo tồn. Nhờ đó sẽ giảm áp lực từ tác động của quá trình đô thị hóa nhanh như: quá tải dân số, phương tiện giao thông, áp lực đến môi trường sinh thái… Quan trọng hơn nữa là tạo sự đồng thuận để chính quyền địa phương và người dân cùng gìn giữ, chia sẻ lợi ích và tạo dựng hình ảnh, bản sắc cho thành phố của mình. Với T.P Điện Biên Phủ không đơn thuần là các điểm di tích mà phải hướng tới cả di sản văn hóa dân tộc đặc trưng cần có giải pháp hữu hiệu để phát huy giá trị. Điều này là hết sức cần thiết đối với Điện Biên Phủ trong lộ trình xây dựng thành phố du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử. /uploads/news/2015_11/2_1164.jpg Quá trình thực hiện dự án đường vành đai qua khu vực bản Khá, phường Nam Thanh, chính quyền thành phố chú trọng giữ nguyên hiện trạng không gian văn hóa bản làng dân tộc Thái. Trên cơ sở đảm bảo những nguyên tắc cơ bản trong phát triển bền vững nên bước đầu quy hoạch chính quyền địa phương chú trọng và đặc biệt ưu tiên cho công tác bảo vệ môi trường thiên nhiên. Đây cũng là điều kiện tối cần thiết để xác định rõ yếu tố tự nhiên nào sẽ trở thành “điểm tựa vững chắc” cho quy hoạch phát triển thành phố trong tương lai. Đáng kể trong đó là: tài nguyên đất (khu vực lòng chảo với cánh đồng Mường Thanh rộng lớn); tài nguyên nước (sông Nậm Rốm và hệ thống các suối, hồ nằm rải rác); tài nguyên rừng với khu rừng nguyên sinh Mường Phăng có diện tích 293,18ha, vùng lõi 73ha gắn với Khu Chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ; tài nguyên cảnh quan sinh thái với vùng thung lũng bán sơn địa và các dãy núi bao quanh tạo vùng cảnh quan đa dạng. Đồ án Quy hoạch chung xây dựng T.P Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt tại Quyết định 733/QĐ-UBND ngày 5/8/2011 của UBND tỉnh nhằm phát huy thế mạnh thúc đẩy hình thành đô thị quy mô lớn, tập trung với những chức năng đa dạng. Tuy nhiên, hướng tới phát triển đô thị bền vững về môi trường là thách thức không nhỏ trong quá trình triển khai và thực hiện quy hoạch. Trong giai đoạn đô thị hóa với sự phát triển của hàng loạt cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, du lịch… nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ việc phát triển đô thị gắn với bảo tồn sẽ dẫn tới suy giảm chất lượng môi trường. Làm ảnh hưởng hệ sinh thái, ô nhiễm nguồn nước, xuống cấp các điểm di tích lịch sử… Do đó, ô nhiễm môi trường cũng là một trong những thách thức hàng đầu. Thành phố đang thực hiện lộ trình phát triển trên nguyên tắc “không lấy đất ruộng” và đẩy mạnh về hướng Đông và Đông Nam, Đông Bắc, Tây Bắc. Về tổng thể nội thị sẽ phân thành 4 phân khu; trong đó đô thị trung tâm phía Đông sẽ là đô thị hạt nhân liên kết với các đô thị còn lại và các phân khu chức năng độc lập nằm ngoài địa giới hành chính bằng hành lang giao thông vành đai. Mặt khác các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục, y tế sẽ dần đưa ra khỏi khu vực trung tâm nhằm giảm bớt áp lực môi trường. Bên cạnh đó, việc quy hoạch đồng bộ hạ tầng kỹ thuật (hệ thống giao thông hiện đại, hạ tầng thoát nước đô thị, xử lý nước thải, chất thải rắn… ) phù hợp với mục tiêu cải thiện và bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư đô thị. Với mục tiêu phấn đấu đạt đô thị loại II vào năm 2018, xây dựng thành phố hiện đại đầy bản sắc mang tính đột phá về cấu trúc đô thị sẽ khẳng định vị thế của Điện Biên trên hành lang kinh tế phía Tây. Song quá trình kiến thiết đô thị mới và triển khai quy hoạch mang tính tổng thể đòi hỏi phải đảm bảo các yếu tố, điều kiện hướng tới quy hoạch phát triển bền vững, xứng tầm.

Tác giả: Bình Nguyên

Nguồn tin: CDC Điện Biên

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây