Để bưu điện Văn hóa xã không chỉ là lực cản trong lộ trình xây dựng nông thôn mới

Thứ hai - 23/11/2015 20:11

Hoạt động truyền thông về luật BHXH tự nguyện, BHYT cho các hộ gia đình tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên.

Hoạt động truyền thông về luật BHXH tự nguyện, BHYT cho các hộ gia đình tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên.
DIC - Trên địa bàn huyện Điện Biên hiện nay có 18 điểm bưu điện văn hóa xã (BĐ-VHX), từ lâu các điểm này được xác định là một “mắt xích” quan trọng trong mạng lưới kinh doanh của ngành Bưu điện nói chung bởi chủ trương xây dựng và tổ chức hoạt động các điểm BĐ-VHX là một động lực lớn giúp người dân, nhất là người dân ở vùng sâu vùng xa được tiếp cận với các loại hình dịch vụ bưu chính, viễn thông một cách thuận lợi. Thực hiện Chỉ thị 03 của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam về việc “Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của BĐ -VHX”; từ cuối năm 2014 đến nay, Bưu điện huyện Điện Biên đã triển khai nhiều biện pháp nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, phục hồi và nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm BĐ -VHX.
Những năm 1999 - 2005 được đánh giá là “thời kỳ vàng son” của BĐ - VHX những địa điểm này hoạt động nhộn nhịp, hiệu quả và thật sự đem lại nhiều lợi ích thiết thực thông qua các loại hình dịch vụ. Tuy nhiên hơn 10 năm sau đó, chính các điểm BĐ - VHX lại đang có nguy cơ đối diện với tình trạng có cũng như không bởi các dịch vụ viễn thông, nhất là điện thoại di động, internet, truyền hình vệ tinh bùng nổ, phát triển rộng rãi đến từng hộ gia đình. Vai trò lu mờ, hoạt động cầm chừng, trì trệ, doanh thu thấp cộng thêm việc cơ sở vật chất xuống cấp là lý do khiến lượng người đến điểm BĐ - VHX ngày một thưa dần. Điều này là lực cản không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của BĐ - VHX trong khi BĐ - VHX đang là một trong những tiêu chí quan trọng của lộ trình xây dựng nông thôn mới hiện nay. Có thể nói, những năm trước đây, trong điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn, đặc biệt là phụ thuộc vào nhu cầu thị trường và đặc thù địa bàn nên một số điểm BĐ - VHX trên địa bàn huyện Điện Biên hoạt động kém hiệu quả, hàng năm ngành bưu điện vẫn phải bù đắp chi phí để duy trì các điểm phục vụ này. Ông Phan Việt Hoàng, Giám đốc Bưu điện huyện Điện Biên cho biết: “Tuy hoạt động trầm lắng, doanh thu thấp, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, người dân không còn thiết tha, mặn mà song điểm BĐ - VHX lại không thể xóa bỏ vì đây là thành phần thuộc kết cấu hạ tầng thông tin quốc gia, ngoài hoạt động kinh doanh, các điểm BĐ - VHX còn phải làm tốt công tác phục vụ công ích để đóng góp vào việc xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương”. Trước thực trạng trên, đồng thời nhằm khôi phục và phát huy hiệu quả những giá trị lợi ích cộng đồng vốn có của các điểm BĐ - VHX cũng như giảm bớt "gánh nặng" chi phí cho ngành, từ cuối năm 2014 đến nay, bưu điện huyện Điện Biên đã tiến hành rà soát tất cả các điểm BĐ - VHX trên địa bàn để đánh giá thực trạng yếu kém cũng như tìm ra giải pháp và cơ hội phát triển cho các điểm BĐ - VHX. Với số vốn đầu tư lên tới gần 1 tỉ đồng, các điểm BĐ - VHX trên địa bàn huyện Điện Biên đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, mua sắm thiết bị mới, treo biển nhận diện thương hiệu, niêm yết thông tin, trang bị tủ sách, bàn ghế đọc sách và thay thế những dịch vụ đã lỗi thời cũng như mở rộng dịch vụ… nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Do đó, ngoài các dịch vụ bưu chính công ích, chuyển phát thư, báo, hàng hóa… BĐ - VHX còn triển khai thêm nhiều dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu của người dân: chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH, thu BHYT cho người dân; Bán bảo hiểm ô tô, xe máy, Bảo hiểm nhân thọ Bưu điện, hàng tiêu dùng, phát triển thuê bao AVG... Bên cạnh đó, điểm BĐ - VHX vẫn tiếp tục là nơi tổ chức các hoạt động đọc sách, báo miễn phí phục vụ cộng đồng và truy cập internet tại các xã miền núi... Ngoài việc tập trung đa dạng hóa các loại hình dịch vụ nhằm từng bước chuyển biến mạnh mẽ về hoạt động kinh doanh và phục vụ, từ đầu năm 2015 đến nay, bưu điện huyện Điện Biên còn phối hợp với các đơn vị: Bưu điện tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh và Bảo hiểm xã hội huyện tổ chức 6 buổi truyền thông cho hơn 1.000 người dân của các xã: Thanh Xương, Thanh An, Thanh Yên, Noong Hẹt, Noong Luống và Pom Lót về Luật Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội cũng như những quyền lợi của người dân được hưởng khi tham gia loại hình dịch vụ này. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2015, bưu điện huyện Điện Biên đã thu hút hơn 4.000 lượt người dân tham gia các loại hình BHYT, BHXH… Bên cạnh đó, đơn vị còn tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo nhằm tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của điểm BĐ - VHX, quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi đến điểm BĐ-VHX cũng như hình thành văn hóa đọc cho người dân trên địa bàn; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức, chuyên môn, nghiệp vụ, các qui định về công tác chất lượng, an toàn vệ sinh lao động, kỹ năng giao tiếp, kinh doanh bán hàng... cũng như trách nhiệm phục vụ cho nhân viên tại điểm BĐ - VHX. Chị Nguyễn Thị Mận, nhân viên điểm BĐ - VHX Pom Lót cho biết: “Nhờ thay đổi cung cách phục vụ và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển dịch vụ đến nay trung bình mỗi tháng điểm BĐ - VHX Pom Lót của chị tiếp đón khoảng 400 lượt người dân đến sử dụng dịch vụ cũng như nhận lương hưu chứ không còn cảnh chỉ mở cửa cho đúng thời gian, làm vài việc vặt rồi chờ hết giờ để về như trước và thu nhập hiện nay cũng được tăng lên đáng kể khiến chị yên tâm gắn bó với nghề hơn…” Theo số liệu thống kê của Bưu điện huyện Điện Biên, 8 tháng đầu năm 2015, tổng doanh thu và thu nhập tại các điểm BĐ - VHX trên địa bàn đạt gần 700 triệu đồng (doanh thu tăng trưởng gấp hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2014, chiếm 30% trong tổng doanh thu của bưu điện huyện Điện Biên); doanh thu bình quân của điểm BĐ - VHX đạt gần 5 triệu đồng/tháng, cá biệt có điểm doanh thu đạt trên 10 triệu đồng/tháng; trung bình mỗi tháng các điểm BĐ - VHX trên địa bàn thu hút khoảng 1.200 người dân tới sử dụng các loại hình dịch vụ… Có thể nói, điểm BĐ - VHX là một loại hình hoạt động mang tính cộng đồng, công ích. Sau nhiều năm hoạt động, dù có những lúc hoạt động chưa thực sự hiệu quả nhưng điểm BĐ - VHX vẫn luôn là một kênh thông tin hữu ích góp phần đắc lực trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân nông thôn; tạo điều kiện cho bà con nông dân được hưởng thụ các dịch vụ bưu chính, viễn thông, dịch vụ văn hóa và các dịch vụ khác. Trong thời gian tới, Bưu điện huyện Điện Biên sẽ tiếp tục thực hiện cải tiến, đổi mới toàn diện các điểm BĐ - VHX từ việc nâng cao cơ sở vật chất, mở rộng dịch vụ cho đến nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ nhân viên làm công tác này; đồng thời cũng cần có sự quan tâm thường xuyên, sâu sát, sự phối hợp vào cuộc của các ngành, các cấp để BĐ - VHX thực sự có sức sống lâu bền, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao các giá trị văn hóa, lợi ích xã hội và có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới hiện nay./.

Tác giả: Lý Như Quỳnh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây