Vẹn nguyên ký ức Ðiện Biên

Thứ bảy - 04/05/2019 06:08
DIC - Ðầu tháng 5, khi cả dân tộc đang hướng về kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019), chúng tôi đến thăm Ðại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Ðặng Ðức Song, 1 trong 24 “dũng sĩ đồi xanh” đã anh dũng bảo vệ điểm cao 781, góp phần làm nên chiến thắng vang dội năm xưa.
/uploads/news/2019_05/1.3.jpg Ðại tá Ðặng Ðức Song bên cuốn sách “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ”, hồi tưởng về những đồng đội của mình. Từ giữ chốt Ðồi Xanh Ngôi nhà Ðại tá Ðặng Ðức Song nằm khiêm tốn trên con phố tấp nập người qua lại, thuộc phường Láng Thượng (quận Ðống Ða, thành phố Hà Nội). Tuy đã qua tuổi bát tuần nhưng ký ức về từng trận đánh, những kỷ niệm về một thời hoa lửa vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim người lính pháo binh năm nào. Năm 1952, ông rời quê hương Nam Sách, Hải Dương gia nhập quân đội và được biên chế vào Tiểu đội trung liên, thuộc Ðại đội 28, Tiểu đoàn 439, Trung đoàn 98, Ðại đoàn 316. Một năm sau, đơn vị ông (lúc đó đóng quân ở Thanh Hóa) nhận lệnh hành quân đi giải phóng Lai Châu. Tiếp đó, tháng 12/1953, ông cùng đồng đội nhận nhiệm vụ giữ chốt Ðồi Xanh hay còn gọi là cao điểm 781 (thuộc địa phận xã Tà Lèng, thành phố Ðiện Biên Phủ ngày nay). “Từ ngọn đồi này chúng tôi có thể bao quát toàn bộ khu vực phía đông của Tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ” - Ðại tá Ðặng Ðức Song bắt đầu câu chuyện. Trầm ngâm trong giây lát rồi ông tiếp tục kể: Ngày 14/1/1954, tôi cùng đồng đội nhận lệnh ngày nổ súng, với phương châm “đánh nhanh thắng nhanh” và ngày nổ súng dự định là ngày 20/1. Phương án này được lên kế hoạch tiêu diệt Ðiện Biên Phủ trong 3 ngày đêm bằng cách tiến công ồ ạt, đồng loạt, thọc sâu vào lòng địch. Nhưng do một đơn vị đại bác Việt Minh vào trận địa chậm nên ngày nổ súng được quyết định lùi lại thêm 5 ngày, tức 17 giờ ngày 25/1, và sau đó chuyển sang ngày 26/1. Ngày, giờ đã được ấn định, tuy nhiên sau đó trung đội ông nhận lệnh từ cấp trên là hoãn cuộc tấn công và chuyển sang hướng “đánh chắc, tiến chắc”. “Lúc đó chúng tôi buồn lắm, vì tất cả đã sẵn sàng cho trận đánh; ai cũng muốn được đánh nhanh, giải phóng Ðiện Biên thật nhanh để vào vùng lòng chảo ăn tết với đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú…” - Ðại tá Ðặng Ðức Song kể lại với giọng nuối tiếc. Ngay trong chiều 26/1, đơn vị được các cán bộ đến phổ biến lý do ngừng tấn công và chuyển sang “đánh chắc, tiến chắc”. Ðặc biệt, theo ý Bác Hồ và Bác Văn (Tổng tư lệnh mặt trận Võ Nguyên Giáp) là đánh trận này phải thắng, vì thế các chiến sĩ cứ yên tâm chuẩn bị cho ngày quyết chiến quyết thắng. “Những ngày sau đó, để chuẩn bị tốt cho trận đánh, chúng tôi tiếp tục đào hầm, hào, với khẩu hiệu “Ðào hào là vào trận”, anh em ai nấy hăng say đào công sự. Mỗi người tự trang bị 3 cán xẻng (dài, ngắn và vừa); cán ngắn thì ngồi đào, dài đứng đào, còn cán vừa thì cúi đào”. Nhấp chén trà xanh rồi ông bảo: Vất vả nhất là khi đào hào mà gặp tảng đá to. Lẽ ra chỉ đào một đêm là xong, nhưng do phải đào vòng quanh tảng đá nên phải đào đến 2 đêm, thậm chí nhiều đêm mới xong. Vì thế, để tạo khí thế, mỗi chiến sĩ khi đào hào lại hô vang khẩu hiệu “Ðào hào là vào trận”… Ngày 3/3/1954, địch cay cú, ngông cuồng quyết chiếm Ðồi Xanh. Ðó thật sự là một trận chiến không cân sức, khi ta chỉ có 2 trung đội, với 24 người (thuộc Ðại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 98, Ðại đoàn 316), mà địch lại có những 2 tiểu đoàn cùng với sự chi viện của xe tăng, máy bay, pháo binh… Chúng giội bom, pháo kích hàng giờ khiến Ðồi Xanh hóa thành “đồi đỏ”, tưởng không gì có thể sống sót sau đợt đánh phá ấy. Nhưng khi địch kéo đến cách trận địa chừng 40 - 50m, cả trận địa nhất loạt nổ súng. Ðịch ngã rạp ngay từ những loạt đạn đầu tiên, những tên còn sống chạy trối chết. Sau khi củng cố đội hình, chúng lại tổ chức bao vây. Ðịch bò lên sát công sự, vì chúng nghĩ có thể dễ dàng chọc thủng trận địa phòng ngự của quân ta. “Lúc đó tôi là Tiểu đội phó kiêm xạ thủ trung liên, trấn giữ một mỏm đồi, bình tĩnh bắn cầm chừng tiết kiệm đạn, bắn chi viện cho đồng đội, tập trung diệt sĩ quan địch trước. Những loạt đạn trung liên chính xác đến từng milimét, khiến cho địch khiếp sợ, cứ mỗi lần tiếng trung liên vang lên là chúng rúc đầu trốn. Sau đó chúng lại nhao lên quyết tiêu diệt hỏa lực trung liên của ta. Lúc này khoảng cách hai bên chỉ trong tầm lựu đạn” - Ðại tá Song nói. Ông tiếp tục câu chuyện với gọng hồi hộp, xen lẫn xúc động: Ðịch ném lựu đạn tới tấp, một quả rơi ngay vào công sự. Ðồng chí Chương bị thương vào cổ, tiếp đó một quả lựu đạn rơi xuống quay tròn, xì khói trắng, tôi nhanh trí dùng chân hất ra xa rồi tiếp tục nâng trung liên lên bắn. Một chiến sĩ mới tên Danh nằm bên cạnh tôi run run “địch đông quá”; tôi trấn an “cứ bình tĩnh, đợi chúng đến thật gần rồi hãy bắn. 4 giờ chiều, địch thổi kèn thu quân, tiểu đội điểm lại quân số: Chương, Khơi, Khoái, Huệ hi sinh, 5 đồng chí bị thương mất sức chiến đấu, chỉ còn tôi và Danh! Tiếp đến ngày 5/3, địch ném bom napan dữ dội vào cao điểm 781, có quả rơi cách chiến hào chỉ vài mét tạo thành một cái phễu lớn, địch nống lên vướng phải cái phễu này chúng phải quay xuống. Hai bên thành thế giằng co suốt ngày hôm đó. “Trước khi rút chốt lựu đạn, tôi tính toán kỹ lưỡng, đếm nhẩm “một, hai, ba”, rồi ném chính xác từng quả lựu đạn khiến trận địa của địch nổ tung, quân lính chạy tan tác và cuối cùng phải thu quân rút lui. Tổng kết trận phòng ngự trên Ðồi Xanh, đơn vị đã đánh lùi 6 - 7 đợt tấn công của địch, diệt 255 tên địch. Ông cùng đồng đội được Trung đoàn trưởng Vũ Lăng cùng Chính trị viên Tiểu đoàn Ðào Văn Xuân đến biểu dương và gắn Huân chương Chiến công cho từng đồng chí ngay tại trận địa; đồng thời, 24 chiến sĩ được Chính ủy Ðại đoàn 316 phong danh hiệu “Dũng sĩ Ðồi Xanh” vì đã có thành tích giữ được trận địa. Ðến trận đánh điểm C1 Kết thúc trận Ðồi Xanh, Ðại tá Ðặng Ðức Song tiếp tục tham gia trận đánh điểm C1. Cuối tháng 3/1954, ông được Ðại đội điều sang xung kích mũi nhọn và làm Tiểu đội trưởng. “Mũi nhọn phải đi đầu, khi có việc quan trọng phải chiến đấu, biên chế phải nghiêm chỉnh, dũng cảm. Những tổ mũi nhọn được nhắc đến khi mở màn một trận đánh hay những lúc gay cấn” - Ðại tá Ðặng Ðức Song nhấn mạnh. Chiều 31/3/1954, Ðại đội trưởng gọi ông lên và giao nhiệm vụ đi quan sát xem điểm C1 đã bị địch chiếm hết chưa, rồi về báo cáo. Nhận lệnh xong, ông cùng 3 đồng đội đã từng ở hậu địch quen với súng đạn lên thăm dò. Ðường lên C1 rất khó đi và để lên được an toàn, phải dùng lưỡi xẻng (không cán) thay nhau vừa đào vừa đi. Sau khi lên được điểm C1, thấy địch chưa chiếm được hết, ông đã quay về thông báo và được lệnh đưa Tiểu đội quyết đánh lấy lại. “Chấp hành lệnh, tôi dẫn đầu đi trước và yêu cầu mỗi người cách nhau từ 5 - 8m. Ðến ngách nhỏ gặp một đồng chí bị thương cả hai chân, tay lăm lăm cầm hai quả lựu đạn đưa cho tôi và thều thào nói: Ðịch… ở lô cốt Cột Cờ. Tôi bò vào cách địch 15 - 16m, ra hiệu cho đồng chí Danh bắn trung liên, đồng thời tôi ném 2 quả lựu đạn lên lô cốt Cột Cờ. Khẩu trung liên của địch tung lên, tôi ném tiếp một quả lựu đạn, khói lửa mù mịt rồi hô “xung phong”, tất cả đồng loạt vừa tiến lên phía trước vừa bắn tiểu liên. Trận này tôi cùng đồng đội đã lấy lại C1” - ông hồi tưởng lại trận đánh. Sau khi chiếm được C1, ông cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu cho đến ngày Chiến dịch Ðiện Biên Phủ hoàn toàn thắng lợi. Kết thúc chiến dịch, ông đã vinh dự được Ðảng, Nhà nước tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân… Chia tay Ðại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Ðặng Ðức Song để trở về phố núi Ðiện Biên, tôi bùi ngùi xúc động và không kém phần tự hào, hình ảnh ông và đồng đội đã anh dũng chiến đấu, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh cứ hiện hữu trong tôi, như nhắc nhở tôi và những thế hệ mai sau rằng: Ðể được sống trong hòa bình, an nhiên như ngày hôm nay, biết bao thế hệ cha ông đã ngã xuống, vĩnh viễn nằm sâu trong lòng đất mẹ để đổi lấy nền độc lập, tự do và niềm tự hào của các thế hệ con, cháu hôm nay và muôn đời sau.

Tác giả: Bài, ảnh: Tú Anh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây