Trăm năm sải cánh vượt nghìn khó khăn

Thứ hai - 06/05/2019 21:04
DIC - Ngày 28/6/1909, Toàn quyền Ðông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Lai Châu gồm: Ðạo Lai (châu Lai, châu Quỳnh Nhai và phủ Luân Châu) và châu Ðiện Biên với phủ Tuần Giáo, dân số khoảng 4 vạn người (thuộc địa phận 3 tỉnh Lai Châu, Sơn La, Ðiện Biên ngày nay). Thời gian đó, kinh tế Lai Châu nói chung, Ðiện Biên nói riêng rất lạc hậu, hoàn toàn là nông nghiệp. Trình độ sản xuất các dân tộc không đồng đều, nhiều dân tộc đã biết sử dụng cày bừa, con dao, cái cuốc, nhưng còn dân tộc vẫn dùng gậy để chọc lỗ tra hạt, du canh du cư. Ðời sống người dân phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, đúng như câu cửa miệng của người Thái “miếng cơm từ đất, thức ăn ở rừng”. Giao thông cũng chưa phát triển, đến năm 1933 do nhu cầu khai thác tài nguyên, thực dân Pháp cho mở con đường số 41 (nay là quốc lộ 6), nối liền Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Lai Châu và xây dựng sân bay Mường Thanh (Ðiện Biên Phủ) vào năm 1939 phục vụ mục đích quân sự.
/uploads/news/2019_05/27.jpg Dưới ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp, phong trào cách mạng vùng Tây Bắc - Lai Châu được nhen nhóm và phát triển. Ðến 10/10/1949, Ban Cán sự Ðảng tỉnh Lai Châu được thành lập gồm 3 đồng chí với nhiệm vụ gây dựng cơ sở quần chúng, tạo điều kiện tiến tới lãnh đạo nhân dân Lai Châu võ trang tranh đấu thu phục lại toàn bộ đất đai. Từ đây phong trào đấu tranh của nhân dân địa phương đã có tổ chức Ðảng trực tiếp lãnh đạo, đánh dấu bước ngoặt trong đời sống chính trị của đồng bào các dân tộc, làm tiền đề cho những thắng lợi sau này. Trong đó phải kể đến thiên sử vàng, chấn động địa cầu năm 1954 - Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, khiến Pháp phải thừa nhận sự thất bại của cuộc chiến tranh xâm lược ở Ðông Dương. Sau khi chiến tranh kết thúc, tháng 7 - 8/1954, nhân dân các huyện trong tỉnh đều bị thiếu đói. Tỉnh đã vận động nhân dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất, giúp đỡ lẫn nhau (đồng bào Mông ở Mường Lay giúp đồng bào Thái được 70 tạ ngô, 18 tạ gạo, 1 tạ lúa giống). Bộ đội giúp nhân dân Ðiện Biên 14 tấn, nhân dân Tuần Giáo 7 tấn lương thực; cán bộ, công nhân viên các cơ quan ăn độn ngô để dành gạo giúp dân… Nhờ vậy, nạn đói phần nào được giải quyết. Ðến năm 1962, tỉnh Lai Châu được tái lập gồm 7 huyện và thị trấn. Dù trải qua bao gian khó, cuộc sống vẫn sinh sôi, đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu luôn hăng hái, tích cực tham gia khôi phục kinh tế, xây dựng xã hội chủ nghĩa, đồng thời chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện cho chiến trường miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế với cách mạng Lào. Ðến năm 1992, một dấu mốc quan trọng đối với Lai Châu (đặc biệt là tỉnh Ðiện Biên ngày nay) đã diễn ra. Ðó là việc Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định thành lập TX. Ðiện Biên Phủ; Ban Chấp hành Ðảng bộ và UBND TX. Ðiện Biên Phủ tổ chức lễ ra mắt, chính thức điều hành mọi hoạt động. Năm 1995, các cơ quan của tỉnh di chuyển từ TX. Lai Châu về TX. Ðiện Biên Phủ. Với tiền đề đó, Ðiện Biên Phủ nhanh chóng chuyển mình bước vào thời kỳ mới, vùng lòng chảo như một công trường khẩn trương và sôi động với nhiều công trình xây dựng về điện, thủy lợi, trường học, trạm xá, công sở... Ðồng thời quan tâm đầu tư các công trình giao thông, phúc lợi công cộng phục vụ vùng cao biên giới, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc, như tuyến đường Huổi Lóng - Tủa Chùa, Pom Lót - Sư Lư, Na Pheo - Si Pa Phìn, cầu Mường Mươn, Nậm Mức, Nậm Nèn... Cùng với đó hệ thống trường lớp học phát triển đa dạng, quy mô mở rộng ra khắp các vùng trong tỉnh, mạng lưới y tế cơ sở và tuyến huyện được củng cố, đời sống vật chất và tinh thần nhân dân ngày càng nâng cao. Một trong những sự kiện đáng nhớ nhất đối với người dân 2 tỉnh Ðiện Biên, Lai Châu ngày nay là tháng 9/2003, Chính phủ ra Nghị quyết về việc thành lập TP. Ðiện Biên Phủ, điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng và thành lập các phường thuộc thành phố. Tiếp ngay sau đó, tháng 11/2003, tỉnh Lai Châu được chia tách thành tỉnh Lai Châu (mới) và tỉnh Ðiện Biên chính thức đi vào hoạt động từ 1/1/2004. Sau chia tách, Ðiện Biên vẫn là tỉnh có kinh tế phát triển chậm, sức cạnh tranh kém so với các tỉnh, thành trong cả nước, tỉ lệ đói nghèo còn cao, trình độ dân trí thấp và không đồng đều. Nhưng với nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể, cùng quyết tâm vượt khó, Ðảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc đã cùng đưa Ðiện Biên thoát khỏi tình trạng tỉnh đặc biệt khó khăn, kém phát triển, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đáp ứng thời kỳ mới. Kết quả kinh tế phát triển ổn định và có bước tăng trưởng khá. Diện mạo Ðiện Biên cũng thay đổi một cách nhanh chóng với 100% xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã, phường, thị trấn có điện và 88,24% hộ dân được sử dụng điện; trường, lớp học được bao phủ đến các bản vùng sâu, vùng xa; tất cả các huyện, xã trong toàn tỉnh đều đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; đến hết năm 2018, tỉnh ta đạt tỉ lệ 12,8 bác sĩ/1 vạn dân, tỉ lệ trạm y tế xã có bác sĩ đạt 90%; 98% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ khám, chữa bệnh; 62,3% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa; 22 xã đã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức, thu hút lượng khách du lịch đến Ðiện Biên ngày càng đông với khoảng 705.000 lượt khách vào năm 2018... Trải qua 110 năm với bao thăng trầm, gian khó, Ðiện Biên ngày nay đã khoác lên mình chiếc áo mới, không chỉ là niềm tự hào của những người đã sinh ra, lớn lên, góp sức dựng xây mảnh đất này mà còn là mảnh ghép quan trọng, giàu tiềm năng trên con đường phát triển, hội nhập của đất nước. Với những thành tựu đã đạt được, Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Ðiện Biên càng thêm động lực, quyết tâm phấn đấu xây dựng Ðiện Biên thành tỉnh phát triển trung bình trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc như Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra.

Tác giả: Tin, ảnh: Nguyễn Hiền

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây