Chính quyền điện tử bước đi tất yếu

Thứ hai - 04/03/2013 03:15

Chính quyền điện tử bước đi tất yếu

DIC - Đối với mỗi địa phương bộ máy chính quyền có vị trí, vai trò quan trọng, quyết định đến mọi hoạt động của xã hội, từ sự phát triển KT-XH đến bảo đảm QP-AN. Nhưng câu hỏi đặt ra trong thời đại phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông hiện nay là: Làm thế nào để bộ máy chính quyền hoạt động hiệu quả và ít tốn kém nhất? Câu trả lời được nhiều người đồng tình là “Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử”.
Chính quyền điện tử là chính quyền trong đó ứng dụng triệt để công nghệ thông tin và truyền thông trong mọi hoạt động của mình nhằm tự động hóa các quy trình, thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng hiệu quả công việc, tăng tính minh bạch và tiết kiệm tối đa chi phí. Bên cạnh đó chính quyền điện tử cũng sẽ xác định vị trí “người dân là trung tâm” trong việc chỉ đạo, điều hành của mình: Người dân sẽ được cung cấp thông tin nhiều hơn, tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của chính quyền thông qua việc theo dõi, hiến kế, đóng góp ý kiến trực tiếp qua cổng thông tin điện tử chính quyền. Người dân sẽ được phục vụ tốt hơn, vai trò giám sát của người dân được thể hiện rõ hơn thông qua các dịch vụ công trực tuyến của chính quyền. Chính quyền điện tử thông thường trải qua 3 giai đoạn xây dựng và phát triển. Giai đoạn thứ nhất là chính quyền cung cấp thông tin: Trong giai đoạn này chính quyền tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT&TT, tăng cường việc ứng dụng CNTT&TT trong nội bộ từng cơ quan trong Chính quyền và cung cấp các thông tin chỉ đạo điều hành, hoạt động của chính quyền thông qua trang thông tin điện tử Chính quyền như: Tin hoạt động, thông báo, các chính sách, văn bản QPPL, văn bản chỉ đạo điều hành… Giai đoạn thứ hai là chính quyền tương tác: Trong giai đoạn này chính quyền tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CNTT&TT, đẩy mạnh ứng dụng CNTT&TT giữa các cơ quan của chính quyền, cung cấp thông tin và thu nhận ý kiến phản hồi từ người dân: Chính quyền điện tử tương tác sẽ cung cấp các thông tin, xin ý kiến người thông qua các biểu mẫu, các công cụ thu thập ý kiến, các diễn đàn trao đổi. Thông qua những công cụ này người dân có thể tham gia, đóng góp ý kiến cho chính quyền. Giai đoạn thứ ba là chính quyền điện tử: Đây là mức phát triển cao nhất và là đích đến của quá trình xây dựng chính quyền điện tử. Trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của hai giai đoạn trước. Trong giai đoạn này chính quyền điện tử sẽ tích hợp dữ liệu, ứng dụng CNTT&TT trong toàn bộ các hoạt động của các cơ quan chính quyền và triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân 24/24 giờ và 7 ngày/tuần ở bất cứ nơi đâu thông qua các thiết bị điện tử (máy tính, điện thoại, một cửa…). Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, trong thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều biện pháp để khắc phục mọi khó khăn, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành nhằm thúc đẩy sự phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN trên địa bàn tỉnh. Trong đó cũng xác định một trong những giải pháp hiệu quả, phù hợp với xu hướng chung của thời đại là đẩy mạnh ứng dụng CNTT&TT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước gắn với CCHC từng bước xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh, trước mắt là: Đẩy mạnh việc ứng dụng phần mềm văn phòng điện tử trong các cơ quan Nhà nước, tăng cường cung cấp thông tin trên cổng/trang thông tin điện tử, giảm bớt các cuộc họp tập trung, tăng cường việc họp trực tuyến qua môi trường mạng… Vấn đề được quan tâm nhất của hầu hết Chính phủ các nước đến chính quyền các địa phương từ nhiều năm nay là làm thế nào để nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, tăng cường sự minh bạch và giảm tối đa chi phí vận hành, sử dụng. Đồng thời, đưa ra nhiều biện pháp về cơ chế, chính sách, đơn giản hóa quy trình, tinh giảm thủ tục hành chính, tăng nguồn thu… Tất cả những giải pháp đồng bộ đó đã phần nào có tác động tích cực, mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, những giải pháp đó phần nào đó vẫn chưa theo kịp những đòi hỏi giảm chi phí, bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng và sự minh bạch… Trong bối cảnh đó, chính quyền điện tử là một giải pháp tối ưu, vừa giúp nâng cao chất lượng hiệu quả công việc, vừa tăng cường tính minh bạch, giảm chi phí cho Nhà nước vừa tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho các đối tượng sử dụng dịch vụ của chính quyền - người dân./.

Tác giả: Thanh Nam

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây