Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai những biện pháp để chủ động ngăn chặn những thông tin xấu, độc hại trên không gian mạng

Thứ năm - 22/01/2015 12:49

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời trong chương trình ""Đối thoại và Chính sách" trên VTV1

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời trong chương trình ""Đối thoại và Chính sách" trên VTV1
(Mic.gov.vn) - Thứ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu trong chương trình truyền hình "Đối thoại và Chính sách" của VTV1 tối 14/01/2015 với chủ đề "Đối phó với thông tin nguy hại". Thứ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ rõ hàng trăm trang mạng có máy chủ ở nước ngoài sử dụng chiêu bài nguy hiểm: xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm danh dự cán bộ lãnh đạo các cấp nhằm gây chia rẽ Đảng với nhân dân. Đây là tội phạm không gian ảo, vi phạm pháp luật Việt Nam.
Tội phạm không gian ảo đang hoạt động ngày càng táo tợn và nguy hiểm Ở nước ta cũng như trên thế giới, Internet, các trang mạng xã hội phát triển mạnh. Do đặc thù của internet là tốc độ truyền thông tin nhanh, diện tham chiếu rộng, thông tin gần như tức thì, tính “tự do” tương đối của những chủ thể thông tin, khả năng “gây nhiễu” lại khá rộng... nên những quan điểm sai trái trên Internet có khả năng ảnh hưởng nhanh, rộng đến nhiều đối tượng. Từ khi Internet phát triển mạnh ở Việt Nam, các thế lực phản động lợi dụng Internet để phát tán những thông tin xuyên tạc, bôi nhọ Đảng, Nhà nước và cá nhân các lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên mạng. Chúng ta có thể gọi chung chúng là tội phạm không gian ảo. Tội phạm không gian ảo là nhóm tội phạm có thể bị xếp vào nhóm những nguy cơ đe doạ an ninh lớn nhất cho đất nước, ngang hàng với tấn công khủng bố, vũ khí hoá học và thảm hoạ hạt nhân. Mục đích của bọn phản động là chống phá nhà nước. Chúng thường xuyên tập trung tuyên truyền bôi nhọ cá nhân các lãnh đạo, bôi xấu chế độ, gây mất đoàn kết nội bộ, chia rẽ lòng dân… trong những dịp trọng đại của đất nước như bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Đại hội Đảng các cấp,... Thời gian gần đây, tội phạm không gian ảo liên tục đưa nhiều thông tin bịa đặt về Đảng và Nhà nước, bôi nhọ cá nhân nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tấn công trực diện vào hệ thống chính trị của Việt Nam. Không ít thông tin trên mạng đã gây hoài nghi, hoang mang trong xã hội, nhất là những người thường xuyên tiếp cận với phương tiện này. Năm 2015 là năm trọng đại với nhiều hoạt động quan trọng để tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc. Ngay trước thềm và trong thời điểm diễn ra Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương đảng khoá XI bọn phản động đã lập nên hàng trăm trang mạng, blog vu khống, bôi nhọ cá nhân của một số lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước nhằm chia rẽ nội bộ, làm mất lòng dân. Mặc dù chúng tôi đã làm tốt công tác dự báo thông tin nhưng cách thức hoạt động của bọn chúng lần này hết sức chuyên nghiệp, táo tợn và nguy hiểm. Điều này rõ nhất qua việc chúng lợi dụng tình hình sức khoẻ của đồng chí Nguyễn Bá Thanh – Trưởng Ban Nội chính Trung ương, nhóm tội phạm này đã xây dựng một kịch bản hoàn hảo kích động dân chúng, chia rẽ nội bộ. Thực tế, việc xuyên tạc, vu khống trắng trợn không phải là chiêu thức mới, ngay Gơ-Ben, Bộ trưởng Tuyên truyền Đức đã nêu một lý thuyết như sau: “Một điều lừa dối bịa đặt khó tin nhất, nếu được nhắc đi nhắc lại trăm ngàn lần sẽ được mọi người tin là thật”. Hoặc trong tác phẩm “Cuộc chiến đấu của tôi” Hitler viết: “Bằng vũ khí tuyên truyền khôn ngoan và dai dẳng, người ta có thể khiến cho quần chúng tin rằng thiên đường là địa ngục, địa ngục là thiên đường”. Trong kỹ thuật tuyên truyền của Hitler, đòn siêu việt nhất phải kể là đòn “nói dối vụ lớn”. Hitler cho rằng: “Nói dối, nếu nói dối vụ lớn thì đó là yếu tố khiến cho người ta tin… Đối với tâm hồn giản dị đơn sơ của quần chúng, nói dối vụ lớn rất có hiệu lực vì quần chúng thường chỉ dám nói dối trong những việc nhỏ bé, và xấu hổ không dám nói dối vụ lớn. Do cái tâm lý đó quảng đại quần chúng tin ở những lời nói dối vụ lớn, vì họ không thể nghĩ rằng lại có người trơ tráo đến mức độ dám nói dối những chuyện tày đình như vậy”. “Nói dối càng lớn bao nhiêu càng khiến quần chúng dễ dàng tin bấy nhiêu”. Những trang thông tin bịa đặt, bôi nhọ, xúc phạm danh dự tổ chức và cá nhân vi phạm nghiêm trọng pháp luật Nhà nước Việt Nam. Chúng tôi muốn chuyển một thông điệp đến tất cả mọi người cần phải cảnh giác và tẩy chay những thông tin nói trên, không tiếp tay cho bọn tội phạm lan truyền thông tin trên mạng. Bởi, thông tin xấu, thông tin bịa đặt, bôi nhọ, xúc phạm danh dự tổ chức và cá nhân hiện nay là hết sức nguy hiểm. Chúng tôi khẳng định nhóm những trang thông tin nói trên vi phạm nghiêm trọng pháp luật Nhà nước Việt Nam. Tác động nguy hại nhất của những trang này là làm giảm sút niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước, kích động hận thù, chia rẽ khối đoàn kết, tạo nên ngờ vực lớn cho xã hội. Thêm nữa, đặc điểm của tội phạm không gian ảo là đối tượng phạm tội giấu mặt sẽ hết sức nguy hiểm không phải đối với Nhà nước Việt Nam mà tất cả các Nhà nước khác trên thế giới khi chúng tạo hiệu ứng từ online đến offline. Việt Nam sẽ quản lý chặt chẽ việc cung cấp sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội phù hợp với thông lệ quốc tế. Ở Việt Nam ta, sau gần 15 năm thực hiện Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị và nhiều chương trình ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công nghệ thông tin đã được ứng dụng rộng rãi vào mọi mặt đời sống xã hội, trở thành một phần không thể thiếu, có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cho đến nay, Việt Nam đã có hơn 30 triệu người sử dụng Internet và khoảng 100 triệu thuê bao điện thoại di động trên khắp cả nước. Trước tình hình phát triển của Internet ở Việt Nam, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ ngành liên quan cũng đã kịp thời ban hành luật và những văn bản dưới luật để quản lý. Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Thông tư số 09 /2014/TT-BTTTT đã có quy định chi tiết về hoạt động, quản lý cung cấp sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là là tội phạm không gian ảo hoạt động xuyên biên giới, nó nằm ở những trang mạng không thuộc quyền cấp phép và quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam. Đây là loại tội phạm hình sự đối với Nhà nước Việt Nam nhưng chính sách của các Công ty công nghệ của Mỹ và các quốc gia khác có sự khác biệt với luật pháp Việt Nam nên việc ngăn chặn rất khó. Việt Nam là nước có tốc độ phát triển Internet nhanh, nhà nước Việt Nam đã tạo môi trường tự do thông thoáng cho Internet nhưng chúng tôi khẳng định bất cứ quyền tự do thông tin ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng đều phải tuân thủ theo luật pháp của quốc gia đó. Những thông tin bịa đặt, xúc phạm cá nhân, chống phá Nhà nước Việt Nam sở dĩ bị phát tán gây nên khủng hoảng truyền thông tầm mức quốc gia vừa qua là có sự bất cập giữa chính sách và luật pháp như đã nói và sẽ được chúng tôi tìm cách giải quyết phù hợp trong thời gian tới phù hợp với thông lệ quốc tế. Bộ TTTT chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn những thông tin xấu, độc hại trên không gian mạng. Từ góc độ là cơ quan quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông, Bộ TTTT đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn chặn những thông tin xấu, độc hại trên không gian mạng: Thứ nhất, ngoài Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT đã ban hành, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực này, Bộ TTTT đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện hàng lang pháp lý làm cơ sở cho việc thực hiện công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Hiện nay, Bộ TTTT đang chủ trì xây dựng Luật An toàn thông tin. Dự án Luật đã được Chính phủ thông qua để gửi sang Ủy ban thường vụ Quốc hội và dự kiến sẽ được thảo luận tại Kỳ họp Quốc hội tháng 5/2015. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tăng cường công tác phối hợp liên ngành với các cơ quan chức năng như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an … để phối hợp xử lý, đấu tranh. Thứ hai, nâng cao hiệu quả thực thực thi quản lý thuê bao di động trả trước để hạn chế sim rác, tin nhắn rác, tăng cường quản lý các loại hình dịch vụ nội dung trên mạng, cương quyết loại bỏ các dịch vụ nội dung không lành mạnh, vi phạm quy định của pháp luật. Để xử lý vấn đề này, đã có các văn bản như: Nghị định số 90/2008/NĐ-CP, Nghị định số 77/2012/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 12/2008/TT-BTTTT của Bộ TTTT về chống thư rác. Gần đây nhất, ngày 24/12/2014, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Bắc Son đã ký ban hành Chỉ thị số 82/CT-BTTTT về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng. Đưa ra giải pháp đối phó với tình hình bùng phát một số thư điện tử giả mạo hiện nay. Tổng đài tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác là đầu số 456. Các thuê bao di động khi nhận được tin nhắn rác có thể và nên chuyển tiếp (forward) tin nhắn này vào đầu số 456 để cơ quan chức năng nắm được và xử lý. Các tin nhắn chuyển tiếp này là miễn phí. Ngoài hoạt động của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính (VNCERT), Bộ TTTT vừa lập Cục An toàn Thông tin. Hai đơn vị này đã hoạt động khá hiệu quả, đối với các tờ báo điện tử trang thông tin điện tử có đuôi .vn nếu để xẩy ra vi phạm, với tư cách cơ quan quản lý Nhà nước về thông tin và truyền thông chúng tôi đã xử lý nghiêm. Theo mức độ vi phạm, chúng tôi đã xử phạt, thậm chí đình bản tạm thời, thu hồi giấy phép, thu hồi tên miền vĩnh viễn. Liên quan đến tội phạm không gian ảo xuyên biên giới (có máy chủ đặt ở nước ngoài), chúng tôi phối hợp, hỗ trợ Cục An ninh mạng (Bộ Công an), Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan xử lý theo đúng pháp luật của Việt Nam và thông lệ quốc tế. Thứ ba, Bộ TTTT sẽ phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan nghiên cứu, tổ chức triển khai hệ thống giải pháp kỹ thuật phù hợp với thông lệ, kinh nghiệm quốc tế để phục vụ việc đấu tranh ngăn chặn, xử lý các nguồn phát tán thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng Internet. Thứ tư, Đẩy mạnh hoạt động của các cơ quan báo chí, truyền thông trên internet; nâng cao nhận thức và tinh thần chủ động đấu tranh trên mặt trận truyền thông là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Báo chí truyền thông là công cụ sắc bén và là lực lượng đi đầu trong công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên Internet. Trước sự chống phá của các thế lực thù địch, tội phạm không gian ảo, nếu như chúng ta không tích cực, chủ động cung cấp thông tin thì vô hình trung sẽ tạo nên khoảng trống cho sự tồn tại của các luận điệu bịa đặt, xuyên tạc. Cung cấp thông tin một cách kịp thời, thường xuyên, chính xác, đầy đủ là sự phản bác có hiệu quả nhất đối với những luận điệu xuyên tạc, chống phá và cũng là cơ sở quan trọng cho việc thực hiện yêu cầu “cần thoát khỏi thế “chống đỡ” để chuyển mạnh sang thế “tấn công” các thế lực thù địch”. Tính chất phức tạp của cuộc đấu tranh này đòi lực lượng làm công tác thông tin đại chúng - những “chiến sỹ xung kích” trên mặt trận tư tưởng văn hóa phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ nghiệp vụ cao, ngòi bút sắc bén. Hiệu quả của cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch còn phụ thuộc rất nhiều vào tài trí của đội ngũ những người tác nghiệp trên Internet. Tài trí thể hiện ở chỗ vạch trần được bản chất, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, góp phần tích cực triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế của Việt Nam. Muốn vậy, lực lượng này cần được thường xuyên trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ. Trong quá trình tác nghiệp, thông tin trước khi được đưa ra và đăng tải trên Internet, những người làm báo mạng cần phải trung thực, cách tiếp cận sự kiện, cách nêu vấn đề cần phải đứng trên lợi ích lâu dài của đất nước, dân tộc; thông tin mang tính chất xây dựng, nói cái xấu để khắc phục, nêu cái tốt để khuyến khích phát triển. Thứ năm, Thường xuyên nâng cao cảnh giác, ngăn chặn mọi âm mưu, luận điệu xuyên tạc trên Internet của các thế lực thù địch. Trong thời đại “thế giới phẳng”, “cuộc sống số”, thông tin đang dần trở thành nhu cầu thiết yếu của mọi cá nhân, tổ chức. Thông tin được khai thác trên Internet có nội dung ngày càng đa dạng, phong phú, nhiều chiều. Các phương tiện tiếp nhận thông tin ngày càng hiện đại, tinh vi. Khó có thể cấm đoán công dân khai thác thông tin trong một xã hội thông tin hiện đại. Do vậy, tất yếu chúng ta phải có những giải pháp tối ưu giảm thiểu tác động của nó đến nhận thức của những chủ tiếp cận thông tin. Để làm tốt công tác này, cần chú trọng tới một số nội dung: - Các cấp ủy đảng chú trọng giáo dục cán bộ, đảng viên nâng cao bản lĩnh chính trị, trang bị phương pháp xem xét, tiếp cận thông tin một cách đúng đắn, khoa học. - Nâng cao cảnh giác, đấu tranh với những nhận thức không đúng, ngộ nhận, mơ hồ trước các nguồn thông tin ngược chiều với quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. - Trong thời gian vừa qua, trên một số trang thông tin điện tử có máy chủ đặt ở nước ngoài liên tục đăng tải những thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước, kích động chống Đảng và Nhà nước ta. Đây là mưu đồ nhằm gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu trong xã hội, phương hại lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Vì vậy, cần nâng cao ý thức tự giác, kỷ luật trong quá trình tiếp xúc, xử lý thông tin. Chấp hành tốt các quy định về quyền thông tin, phạm vi thông tin, tham gia tích cực đấu tranh chống truyền thông tin xấu, thông tin thất thiệt. Đối với các cơ quan hữu quan và cơ quan chuyên trách cần có sự phân loại thông tin và điều chỉnh những cách thức đấu tranh, hạn chế, bài trừ cho phù hợp: - Đối với nguồn tin do các thế lực phản động tự khai thác, đăng tải trên Internet và trên các trang báo mạng quốc tế đặt máy chủ ở nước ngoài, ta khó có thể tác động trực tiếp bằng luật pháp hay các công cụ quản lý. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn có thể hạn chế bằng cách kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ những thông tin đó xuất phát từ nguồn nào, khi cần có thể dùng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn một cách kịp thời, hiệu quả. Nhưng quan trọng và căn bản vẫn là tạo sức đề kháng cho mỗi cư dân mạng để có thể chống đỡ tác động từ thông tin, quan điểm sai trái, thù địch. Muốn vậy cần tăng cường thông tin chính thống để thỏa mãn nhu cầu thông tin cho nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và đông đảo bạn bè quốc tế. - Đối với nguồn tin được cung cấp có chủ đích trong nước và nguồn tin từ báo chí của ta, chúng ta có khả năng chủ động giảm thiểu để dẫn tới khắc phục một cách căn bản bằng các giải pháp như giáo dục và thực hiện nghiêm luật và các quy định về giữ bí mật, hướng dẫn nghiệp vụ các cơ quan, tổ chức, cho đội ngũ nhà báo thường xuyên tác nghiệp trên Internet Các bộ, các ngành chức năng phối hợp tổ chức tốt công tác nắm tình hình dư luận xã hội, các luồng tư tưởng, tâm lý, chủ động cập nhật thông tin về đường lối chính trị, kinh tế, chính sách đối ngoại của các nước; âm mưu, ý đồ của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng nước ta... Từ đó, tham mưu cho Đảng, Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh công tác đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, nhất là trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định trong nước, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, phát triền kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Ngoài ra, tăng cường hợp tác văn hóa thông tin với các nước, tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế nhưng cần đấu tranh để giữ thế chủ động; đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia, đồng thời không làm tổn hại đến quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước khác./.

Tác giả: Ban biên tập

Nguồn tin: mic.gov.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây