Bầu cử ĐBQH: Phải giám sát việc thực hiện lời hứa của ứng cử viên

Thứ hai - 09/05/2016 21:27

Bầu cử ĐBQH: Phải giám sát việc thực hiện lời hứa của ứng cử viên

Đông đảo cử tri mong muốn, lời hứa của các ứng cử viên phải gắn với trách nhiệm của mình nếu trúng cử.
Hiện nay, các địa phương trong cả nước đang tổ chức cho các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV và ứng cử viên đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 vận động bầu cử. Đây là hoạt động rất quan trọng để người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm của đại biểu nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm; tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc với người ứng cử, hiểu rõ hơn người ứng cử. /uploads/news/2016_05/images1143273_vov_tbt_2_bpuq_hgio.jpg Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và 4 ứng cử viên ĐBQH tại đơn vị bầu cử số 1 thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Tây Hồ. Trong chương trình hành động, trong quá trình tiếp xúc với cử tri, các ứng cử viên thường đưa ra những lời hứa nếu trúng cử. Lời hứa này có sức nặng khá lớn và là cơ sở quan trọng để các cử tri cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Thực tế qua nhiều kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, đại đa số các ứng cử viên sau khi trúng cử đã thực hiện nghiêm túc lời hứa của mình khi vận động bầu cử, nhưng cũng có đại biểu sau khi là thành viên chính thức của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ở Trung ương hoặc địa phương đã quên đi lời hứa của mình. Có đại biểu viện lý do này, lý do khác mà vắng mặt ở các cuộc họp của Quốc hội, HĐND hoặc không tham dự các hội nghị tiếp xúc cử tri. Có đại biểu trong suốt kỳ họp chẳng phát biểu ý kiến nào... Bên cạnh có rất nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri được các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND chuyển đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giám sát trả lời nghiêm túc, cũng còn không ít lời “hứa” sau đó rơi vào im lặng. Thậm chí rất nhiều ý kiến, kiến nghị được cử tri nhắc đi nhắc lại nhiều lần; các đại biểu của cơ quan dân cử, lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền hứa sẽ giải quyết nhưng rồi lại để đấy... Chính vì những lý do trên, đông đảo cử tri mong muốn, lời hứa của các ứng cử viên phải gắn với trách nhiệm của mình nếu trúng cử. Muốn vậy, cần phải có cơ chế giám sát việc thực hiện lời hứa. Định kỳ 6 tháng hoặc hằng năm, các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải nhắc lại lời hứa của mình trước cử tri, xem đã làm được những gì, còn những gì chưa làm được, vì sao lại chưa làm được? Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cũng cần có chương trình cụ thể để giám sát thực hiện lời hứa của các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Mặt khác, các cử tri cũng phải có trách nhiệm tìm hiểu tính trung thực trong lời hứa của các ứng cử viên. Để làm được điều này, cần phải mở rộng các hội nghị tiếp xúc cử tri, trong đó có các cử tri là các nhà khoa học, chuyên gia từng lĩnh vực để có thể chất vấn các ứng cử viên về những điều mà ứng cử viên hứa và tính khả thi về kế hoạch thực hiện của họ trong tương lai cũng như hậu quả mà họ phải gánh chịu nếu không hoàn thành trách nhiệm do chủ quan hoặc có dấu hiệu của sự “bội ước”. Trong đời sống, trong văn hóa, lịch sử của dân tộc ta, lời hứa, câu thề có ý nghĩa rất sâu sắc, mang giá trị tinh thần to lớn. Lời hứa phải gắn liền với trách nhiệm. Lời hứa đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND - những người được nhân dân tín nhiệm, Nhà nước giao phó, đó là danh dự, lòng tự trọng. Vì thế, các ứng cử viên hãy cân nhắc, thận trọng khi đưa ra lời hứa của mình trước các cử tri./.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây