Chính phủ ban hành Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 181/2013/NĐ-CP

Thứ hai - 02/08/2021 22:31
Quy định quản lý quảng cáo xuyên biên giới Ngày 20/7/2021, Nghị định số 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo đã được Chính phủ ký ban hành. Nghị định bổ sung các quy định về quảng cáo xuyên biên giới.
Theo số liệu thống kê của cơ quan quản lý, mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam năm 2019 là 830 triệu USD, các nền tảng xuyên biên giới chiếm 82% thị phần. Trong khi đó, các quy định của pháp luật về quảng cáo trên trang thông tin điện tử và quảng cáo xuyên biên giới tại Luật Quảng cáo và Nghị định 181/2013/NĐ-CP được ban hành từ năm 2013 trở về trước đã trở nên rất lạc hậu, nhiều bất cập, không theo kịp phương thức phát triển của thị trường. Đó là lý do Nghị định số 70/2021/NĐ-CP ra đời để điều chỉnh các quy định về quảng cáo xuyên biên giới, đảm bảo sự công bằng giữa các doanh nghiệp hoạt động quảng cáo trong và ngoài nước. Thống nhất một đầu mối quản lý Theo Nghị định 181/2013/NĐ-CP, Bộ Thông tin và Truyền thông được phân công quản lý quảng cáo trực tuyến (Điều 27) nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại quản lý các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động quảng cáo xuyên biên giới (Điều 14), dẫn đến việc xây dựng và thực thi chính sách quản lý về quảng cáo xuyên biên giới không thống nhất, đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Nghị định số 70/2021/NĐ-CP quy định Bộ Thông tin và Truyền thông là đầu mối quản lý các hoạt động quảng cáo trực tuyến trong đó có quảng cáo xuyên biên giới. Các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải thông báo thông tin liên hệ (bằng phương thức gửi thông báo trực tiếp hoặc qua đường bưu chính, qua phương tiện điện tử) với Bộ Thông tin và Truyền thông 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Doanh nghiệp sẽ nhận được xác nhận thông báo sau 7 ngày. Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm phát hiện và xác định các quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật theo lĩnh vực, thẩm quyền được phân công quản lý. Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan tiếp nhận các thông báo về quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật từ các bộ, ngành, địa phương và là đầu mối liên hệ, gửi yêu cầu xử lý quảng cáo vi phạm pháp luật cho tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. Doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải tuân thủ quy định về quảng cáo như doanh nghiệp trong nước Doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ quy định pháp luật về quảng cáo tại Việt Nam, cụ thể phải tuân thủ quyền và trách nhiệm như doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong nước theo quy định tại Điều 13 Luật Quảng cáo và các quy định có liên quan để đảm bảo sự công bằng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước khi hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam ; Theo đó: “Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam” đều phải “tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo, quy định về an ninh mạng và quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; phải nộp thuế theo quy định pháp luật về thuế”. Đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam, ngoài trách nhiệm thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông trước khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam còn phải tuân thủ các quy định: + Không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ; + Thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm pháp luật (trong vòng 24 giờ) theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong và ngoài nước phải cung cấp giải pháp kỹ thuật kiểm tra, loại bỏ quảng cáo vi phạm Nghị định cũng quy định người phát hành quảng cáo, người quảng cáo trong nước khi ký hợp đồng hợp tác quảng cáo phải yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (bao gồm tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới) “có giải pháp kỹ thuật để người phát hành quảng cáo, người quảng cáo tại Việt Nam có thể kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam trên hệ thống cung cấp dịch vụ”. Chế tài xử lý trong trường hợp doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ luật pháp Việt Nam về quảng cáo Theo Nghị định số 70/2021/NĐ-CP, trong trường hợp doanh nghiệp nước ngoài không thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm luật pháp Việt Nam theo yêu cầu và quy trình đã được quy định, Bộ Thông tin và Truyền thông có quyền thực thi các biện pháp để ngăn chặn quảng cáo vi phạm. Đồng thời, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người quảng cáo trong nước sẽ “Không hợp tác phát hành sản phẩm quảng cáo với trang thông tin điện tử đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền thông báo vi phạm pháp luật công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông”. Nghị định số 70/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/9/2021. Nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải gỡ bỏ quảng cáo vi phạm trong vòng 24 giờ theo yêu cầu Sau khi nhận được yêu cầu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong thời gian 24 (hai mươi bốn) giờ, tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới thực hiện việc xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu; Sau thời hạn nêu trên, nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài không xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu mà không có lý do chính đáng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực thi các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm pháp luật. Trong trường hợp phát hiện quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Việt Nam, cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm pháp luật; Biện pháp ngăn chặn chỉ được gỡ bỏ sau khi các quảng cáo vi phạm đã được tổ chức, cá nhân nước ngoài xử lý theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây