Tư duy quản lý và môi trường hoạt động sáng tạo: Nền tảng của sự phát triển trong thời đại mới

Thứ ba - 27/08/2013 21:16

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Ảnh minh họa (nguồn: internet)
DIC- Đã có thời gian, các cơ quan, đơn vị quan niệm đơn thuần việc ứng dụng CNTT chỉ là những trang thiết bị máy móc được đưa vào cơ quan, đơn vị theo trào lưu phát triển công nghệ. Do đó thời gian này, việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan, đơn vị được hiểu đồng nghĩa với hệ thống máy tính, mạng máy tính và hệ thống phần mềm ứng dụng được triển khai trên hệ thống máy móc này.
Nhưng những tiến bộ và sự thay đổi của các cơ quan, đơn vị đã hình thành mối quan tâm về nguồn lực trí tuệ của chính cơ quan, đơn vị đó được sự hỗ trợ của CNTT sẽ phát triển như thế nào. Và dần dần người ta cũng nhận ra rằng chính nguồn lực trí tuệ này mới là yếu tố cơ bản giúp cho mọi tổ chức phát triển trong thời đại mới. Do đó, điều quan trọng của mọi cơ quan, đơn vị là làm sao phát triển đội ngũ cán bộ, nhân viên có những kỹ năng làm việc mới trên nền tảng tài nguyên, tài sản hiện có; làm sao để hình thành được các quy trình làm việc mới đáp ứng được yêu cầu công việc và khai thác được năng lực, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, nhân viên. Từ đó, mối quan tâm của các cơ quan, đơn vị đã dịch chuyển dần từ những vấn đề liên quan đến vật chất, máy móc, kỹ thuật và công nghệ sang vấn đề liên quan đến con người; đào tạo con người và hình thành môi trường làm việc dựa trên máy móc, công nghệ và hình thành các quy trình làm việc mới để phát huy tối đa nguồn lực trí tuệ của con người. Các cơ quan, tổ chức trong thời đại ngày nay đang đứng trước xu hướng công nghệ hóa toàn diện với việc công nghệ thông tin và truyền thông xâm nhập vào khắp các lĩnh vực. Chính sự gia tăng của thành phần công nghệ trong mọi hoạt động quản lý và tổ chức đã dẫn tới việc trước hết mọi cơ quan, đơn vị đều phải quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ. Không làm điều này, tất yếu các cơ quan đơn vị sẽ bị thua kém, lạc hậu về mặt công nghệ và có thể không thực hiện được các giao dịch với các cơ quan, đơn vị khác? Vì vậy, xu hướng công nghệ hóa trong các cơ quan tổ chức là không thể đảo ngược. Nhưng khi công nghệ và kỹ thuật đã chiếm tỷ trọng lớn trong cơ quan, tổ chức thì chính chúng lại trở thành nhân tố thúc đẩy yêu cầu sự cần thiết phải thay đổi về chất trong cách làm việc và trong tri thức của mọi người trong đơn vị. Cơ quan, đơn vị không thể vẫn vận hành theo kiểu cũ mà yếu tố công nghệ bắt buộc phải dùng những cách thức làm việc mới. Từ việc xem xét về động thái phát triển trong các cơ quan, đơn vị ở trên, một vấn đề mới nổi lên mà mọi cơ quan, đơn vị phải tính tới: Bên cạnh việc phát triển các thành phần công nghệ, vật lý (chủ yếu thông qua việc mua sắm công nghệ mới) cần phải nhanh chóng phát triển cả thành phần trí tuệ của chính cơ quan, đơn vị mình. Thành phần trí tuệ này bao gồm hai khía cạnh liên quan chặt chẽ với nhau đó là: Trình độ, kỹ năng mới của cán bộ, nhân viên trong việc làm chủ công nghệ và trình độ phối hợp của các cán bộ, nhân viên trong cơ quan để cùng làm việc trên môi trường công nghệ mới. Ở khía cạnh thứ nhất liên quan đến việc tự học tập của cán bộ, nhân viên để có được tri thức và kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu công việc. Còn ở khía cạnh thứ hai liên quan đến vệc nâng cao và hiện đại hóa cách thức tổ chức và quản lý của các cơ quan trong thời đại thông tin và tri thức. Khi các luồng thông tin được đưa lên xử lý trên môi trường mạng thì cơ quan cần phải thường xuyên được đổi mới với việc hình thành những quy trình làm việc mới, những chuẩn tài liệu mới. Hơn thế nữa, để phát huy tối đa hiệu quả công việc thì những cách thức phối hợp giữa các cán bộ, nhân viên trở thành yếu tố then chốt. Việc tổ chức phối hợp các cán bộ, nhân viên trong cơ quan, đơn vị cùng làm việc, cùng hướng tới một mục tiêu không phải đơn giản. Chính vì vậy, một trong những vấn đề phát triển tài nguyên trí tuệ của cơ quan là việc hình thành tư duy quản lý con người có tri thức và môi trường thuận lợi cho các hoạt động trí tuệ sáng tạo./.

Tác giả: T.N

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây