Truyền hình trả tiền tiềm ẩn nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh

Thứ năm - 12/09/2013 20:48

SCTV đang dẫn đầu thị trường truyền hình trả tiền với 40% thị phần (tính theo doanh thu). Ảnh: SCTV

SCTV đang dẫn đầu thị trường truyền hình trả tiền với 40% thị phần (tính theo doanh thu). Ảnh: SCTV
DIC-Cục Quản lý cạnh tranh khuyến nghị các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ TT&TT, Bộ Công thương) cần tăng cường giám sát, quản lý hoạt động của thị trường truyền hình trả tiền bởi thị trường này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh.
Năm 2012, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã tiến hành khảo sát về thực trạng cạnh tranh trong lĩnh vực truyền hình trả tiền. Từ kết quả này, Cục Quản lý canh tranh khuyến nghị các cơ quan quản lý nhà nước (như Bộ TT&TT, Bộ Công thương) cần tăng cường giám sát, quản lý hoạt động của thị trường truyền hình trả tiền bởi thị trường này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh.Bà Trần Phương Lan - Trưởng Ban giám sát và quản lý cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh) cho biết, hiện nay thị trường truyền hình trả tiền được được chia làm 5 nhóm doanh nghiệp chính: Cung cấp nội dung; cung cấp các kênh nước ngoài; biên dịch và biên tập; cung cấp dịch vụ liên quan đến truyền hình; cung cấp thuê bao truyền hình trả tiền. Trong đó, các doanh nghiệp cung cấp thuê bao truyền hình trả tiền có vai trò quan trọng nhất, nhóm doanh nghiệp này cung cấp sóng đến người xem và có ảnh hưởng đến hoạt động của 4 nhóm còn lại trên thị trường. Hiện có khoảng 40 doanh nghiệp tham gia vào thị trường truyền hình trả tiền trong đó có 20 doanh nghiệp thuộc nhóm cung cấp thuê bao đến người xem.VTV đang thống lĩnh thị trường truyền hình trả tiềnKhảo sát cũng cho thấy, truyền hình trả tiền là một thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh và doanh thu khá cao. Năm 2011, tổng doanh thu thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam đạt 2 tỷ USD, sau đó tăng lên 2,5 tỷ USD vào năm 2012. Đây cũng là thị trường có tốc độ phát triển nhanh đạt mức bình quân 7,3%/năm trong vòng 15 năm, riêng trong thời gian từ 2011 - 2013 tốc độ phát triển đạt 20 - 25%/năm. Bà Lan cho biết, Cục Quản lý cạnh tranh đánh giá thị trường truyền hình trả tiền có quy mô phát triển lớn, tốc độ phát triển nhanh và tiềm ẩn nhiều quy mô cạnh tranh không lành mạnh.Riêng trong nhóm cung cấp thuê bao tới người xem, nếu tính thị phần theo doanh thu thì SCTV đang dẫn đầu thị trường với thị phần tăng từ 22% năm 2010 lên 32% năm 2011 và năm 2012 đã đạt 40%. Đứng vị trí thứ hai là VTVcab với thị phần tăng mạnh từ 19% năm 2011 lên 30% vào năm 2013, đứng thứ ba là Trung tâm Truyền hình cáp của Đài Truyền hình TP.HCM với thị phần đạt 15% vào năm 2012.Từ kết quả này, Cục Quản lý cạnh tranh đánh giá rằng SCTV đang là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, đồng thời VTV giữ tới hơn 70% thị phần tại các doanh nghiệp do VTV là chủ sở hữu hoặc tham gia góp vốn là VTVcab, SCTV và K+. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi của các doanh nghiệp truyền hình trả tiền về vai trò khống chế thị trường của VTV. Sự tồn tại các doanh nghiệp có thị phần thống lĩnh sẽ tiềm ẩn nguy cơ lạm dụng vị trí thống lĩnh trong các thỏa thuận, hợp đồng cung cấp dịch vụ với người tiêu dùng, có các hành vi cản trở sự tham gia thị trường của các doanh nghiệp khác.Theo bà Lan, vấn đề nổi cộm nhất trong cạnh tranh là bản quyền truyền hình, đặc biệt là đối với bản quyền phát sóng các giải đấu thể thao. Việc nhiều doanh nghiệp lớn đua nhau cạnh tranh mua bản quyền với chi phí "khủng" là nguyên nhân khiến giá thuê bao liên tục tăng. Ví dụ, bản quyền phát sóng Ngoại hạng Anh ở Việt Nam tăng từ 4 triệu USD mùa giải 2007 - 2010 lên 19 triệu USD mùa giải 2011 - 2013 và nhảy vọt lên tới 37,5 triệu USD mùa giải 2013 - 2016. Sự leo thang của giá mua bản quyền khiến người tiêu dùng phải gánh chịu nhiều hệ lụy.Nhiều "chiêu" cạnh tranh không lành mạnhKhảo sát từ phía người tiêu dùng cho thấy, thị trường truyền hình trả tiền đã xuất hiện các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Ví dụ, nhiều doanh nghiệp thông qua các kênh chương trình tự sản xuất và báo chí để nói xấu đối thủ. Hoặc một số doanh nghiệp dựa vào sức mạnh thống lĩnh thị trường đã "ép" các nhà cung cấp kênh nội dung phải ký hợp đồng độc quyền. Bà Trần Phương Lan cho rằng, những hành vi này có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không thì cần khảo sát và đánh giá kỹ hơn, tuy nhiên nó cũng ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng.Bên cạnh đó, một hiện tượng gây bức xúc cho người dân là nhiều doanh nghiệp truyền hình đã móc nối với chủ đầu tư các khu đô thị và căn hộ để độc quyền cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. Hành vi này khiến các doanh nghiệp khác không có cơ hội để tiếp cận khách hàng, còn người dùng không có quyền lựa chọn dịch vụ. Thế nhưng, những hành vi này lại chưa được quy định trong Luật Cạnh tranh do đó cần phải sửa đổi, bổ sung vào Luật để bảo đảm quyền lợi người dùng.Theo bà Lan, việc xuất hiện một nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường gây quan ngại cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và người tiêu dùng và có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh. Vì thế, cơ quan quản lý cần tăng cường quản lý, giám sát hơn nữa để thị trường đang phát triển rất mạnh mẽ này đi vào cạnh tranh lành mạnh.Điều 11, Luật Cạnh tranh quy định: Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động nhằm gây hạn chế cạnh tranh và thuộc một trong các trường hợp sau đây: Hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan; Ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan; Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan.

Tác giả: Minh Quyên

Nguồn tin: dienbien.gov.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây