Tổng hợp những kết quả bước đầu của Chương trình Quản trị Nhà nước và Cải cách hành chính Giai đoạn II (GOPA II 2012-2015)

Chủ nhật - 15/09/2013 20:22

Ảnh nguồn Internet

Ảnh nguồn Internet
DIC - Năm 2013 là năm thứ hai 5 tỉnh (Đắk Lắk, Đắk Nông, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai) thực hiện Chương trình Quản trị Nhà nước và Cải cách hành chính Giai đoạn II (GOPA II 2012-2015) do Chính phủ Đan Mạch tài trợ. Với những mục tiêu cải cách trọng tâm năm 2013 mà Chương trình đề ra, các tỉnh đã gấp rút triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Báo cáo tình hình thực hiện CCHC 6 tháng đầu năm 2013 tại 5 tỉnh được trình bày tại Diễn đàn đối thoại chính sách cải cách hành chính năm 2013 vừa qua đã tổng hợp khá đầy đủ và chi tiết, đánh giá những ưu, nhược điểm, rút ra các tồn tại, hạn chế còn gặp phải trong quá trình triển khai công tác CCHC tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai.Theo thống kê tiến độ triển khai các hoạt động của 5 tỉnh tính tới thời điểm này, cả 5 tỉnh đều đã tích cực, gấp rút triển khai thực hiện các công việc theo kế hoạch đề ra, nhìn chung, các tỉnh đều đã và đang thực hiện được trên 50% tổng số công việc của năm. Đắk Nông chưa tổng hợp được số liệu chi tiết, riêng Điện Biên, Đắk Lắk và Lai Châu đã hoàn khối lượng công việc lớn (trên 15% và gần 30%). Các tỉnh Đắk Lắk, Lào Cai cũng đang triển khai trên 80% các công việc. Các công tác và kết quả nổi bật của 5 tỉnh trên từng lĩnh vực CCHC cụ thể như sau: Về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC): Các tỉnh đã tích cực thực hiện kế hoạch rà soát các thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh năm 2013. Đắk Nông đã tập trung rà soát, đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực đầu tư, tài nguyên – môi trường, xây dựng, giáo dục – đào tạo, văn hóa thể thao và du lịch, gắn với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, làm ăn của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân. Một số tỉnh (Điện Biên, Lào Cai) đã tổ chức các khóa tập huấn về kiến thức và nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tư pháp và các cán bộ tham gia thực hiện nhiệm vụ xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã. Đặc biệt, theo kế hoạch, tỉnh Lào Cai đang tổ chức biên soạn cuốn sổ tay: “Cộng tác viên kiểm tra văn bản QPPL” để phục vụ công tác chuyên môn trong lĩnh vực này theo hướng chuyên môn và đồng bộ hơn. Công tác mở rộng và nâng cao chất lượng cơ chế một cửa: Lào Cai đang mở rộng triển khai xây dựng hệ thống một cửa liên thông hiện đại tại Trụ sở hợp khối số 7 (gồm các cơ qua: Sở Tài nguyên – Môi trường; Sở Xây dựng, Sở Giao thông – Vận tải; Sở Công Thương; Sở Khoa học – Công nghệ). Hệ thống một cửa liên thông và hiện đại được các tỉnh mở rộng xuống cấp huyện. Đến nay, 60% các đơn vị huyện thị của tỉnh Đắk Lắk và 87,5% đơn vị huyện thị của tỉnh Đắk Nông áp dụng liên thống với các trang bị CNTT hiện đại. Điện Biên đang thực hiện khảo sát thực trạng tình hình ở 3 huyện nghèo vùng sâu có nhiều đồng bào thiểu số (Mường Nhé, Tủa Chùa, Mường Lay) để xây dựng đề án để triển khai thực hiện một cửa, một cửa liên thông theo kế hoạch. Để thực hiện và triển khai có chất lượng hệ thống một cửa liên thông và hiện đại, các tỉnh đã đầu tư nhiều công sức và tài chính để tăng cường trang thiết bị, đặc biệt là đã đào tạo kỹ năng nghiệp vụ cho hàng chục cán bộ làm việc ở các quầy dịch vụ trong giao tiếp với người dân và các đối tác sử dụng dịch vụ.Với các đơn vị một cửa hiện đại đã và đang vận hành, cộng với quá trình đơn giản hóa các thủ tục hành chính đã thực hiện trong mấy năm gần đây, có thể thấy rõ ý nghĩa và tác dụng của mô hình này đó là: Tạo điều kiện thuận lợi và dễ dàng hơn cho người dân và doanh nghiệp trong làm ăn sinh sống và trong kinh doanh sản xuất; Đã góp phần làm thay đổi tính chất phục vụ của cơ quan chính quyền thông qua nâng cao tinh thần phục vụ, tính công khai minh bạch trong thực hiện các dịch vụ cho người dân và các tổ chức. Đối với công tác cải cách công vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức: Bên cạnh việc triển khai Nghị định 36/2013/NĐ-CP của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu công chức các đơn vị hành chính và Nghị định 41/2012/NĐ-CP về vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập, các tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn để không ngưng nâng cao chất lượng thực thi công việc. Lào Cai đã xây dựng được kế hoạch chi tiết về xây dựng cơ cấu công chức trên cơ sở xác định vị trí việc làm của cán bộ, công chức tại các cơ quan hành chính và phương pháp quản lý viên chức sự nghiệp theo chỉ tiêu biên chế bằng phương pháp xác định và quản lý biên chế theo vị trí việc làm đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, do văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa cụ thể, nhất là về cách thực thực hiện và giải quyết các vấn đề nảy sinh nên các cơ quan, đơn vị đang gặp khó khăn và lúng túng trong triển khai trên thực tế. Trong nửa đầu năm 2013, mỗi tỉnh đã tổ chức cho hàng trăm lượt cán bộ công chức tham gia các chương trình đào tạo và tập huấn trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật là: - Đào tạo các kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và giao tiếp ứng xử cho cán bộ các trung tâm một cửa cấp huyện và cấp xã triển khai một cửa liên thông và hiện đại. - Đào tạo về kỹ năng truyền thông quảng bá về CCHC cho cán bộ truyền thông các cấp. - Tập huấn về xây dựng kế hoạch và quản lý thực hiện CCHC theo kết quả. - Tập huấn về kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho cán bộ quản lý các sở ngành và quận huyện. - Tập huấn nâng cao về phương pháp đào tạo cho giảng viên Trường Chính trị và cán bộ quản lý đào tạo. - Tập huấn về phương pháp tiếp cận và kinh nghiệm xã hội hóa dịch vụ công và cải cách để giúp địa phương cải cách quản lý, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực Y tế, Giáo dục đào tạo và xã hội hóa trong thể dục thể thao. Về công tác cải cách tài chính công: Một số tỉnh tiếp tục thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính. Đến nay, Lai Châu đã thực hiện chế độ này tại tất cả 38/38 cơ quan hành chính và 111/111 đơn vị sự nghiệp công lập; Đắk Lắk thực hiện 37/37 cơ quan hành chính và 906/906 đơn vị sự nghiệp. Công tác đổi mới quản lý tài chính theo hướng này được đánh giá là đã phát huy hiệu quả tích cực trong nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan đơn vị, đồng thời tăng cường được hiệu quả chị phí và tận dụng nguồn nhân lực trong thực thi công việc. Lào Cai đang tổ chức điều tra khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện CCHC về lĩnh vực này trong giai đoạn 2006-2010 để rút kinh nghiệm xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 2011-2015. Hiện đại hóa nền hành chính: Cùng với sự mở rộng hệ thống một cửa, phát triển thông tin tuyên truyền, các tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao chất lượng quản lý, thực thi công việc, nâng cao nhận thực của cán bộ công chức và nhân dân và cung cấp dịch vụ cho người dân. Hệ thống cổng thông tin điện tử của các tỉnh đã được củng cố và phát triển tạo điều kiện nâng cao tính chuyên nghiệp và tính công khai. Đắk Nông đã công khai 100% các văn bản QPPL đã qua rà soát và sửa đổi trên các kênh thông tin của các sở ngành, đặc biệt là cổng thông tin điện tử và công báo của tỉnh, giúp cá nhân, tổ chức tìm hiểu, nắm bắt thông tin quản lý nhanh chóng, kịp thời. Lào Cai đang triển khai đề án số hóa cơ sở dữ liệu được UBND tỉnh phê duyệt cuối năm 2013 nhằm tổ chức hệ thống thông tin dữ liệu theo hướng hiện đại, thân thiện và quản lý tốt. Đắk Lắk là đơn vị đã áp dụng và nhân rộng phần mềm quản lý công chức tại tất cả các cơ quan đơn vị các cấp. Hệ thống này đã chứng tỏ có tác dụng đắc lực trong xây dựng chính sách và ra các quyết định về quản lý nhân sự và công tác cán bộ, đảm bảo tính khách quan và hiệu quả. Hệ thống Quản lý Chất lượng TCVN ISO 9001:2008 đã được áp dụng ở tất cả các tỉnh. Các tỉnh, đặc biệt là Lào Cai và Đắk Nông đang có nhiều nỗ lực CCHC nhằm nâng cao tính công khai minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư và hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các biện pháp nâng cao xếp hạng Chỉ số Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Về Công tác thông tin tuyên truyền CCHC: Trên cơ sở sự phát triển của hệ thống thông tin mạng và hệ thống thông tin đại chúng trong những năm gần đây, trong năm 2013 tất cả 5 tỉnh đều duy trì và tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về CCHC. Các tỉnh đều tổ chức thường kỳ các chuyên mục CCHC trên đài phát thanh truyền hình địa phương hàng tháng. Đặc biệt, Đắk Lắk là tỉnh trong vài năm qua đã mở rộng và đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền CCHC mang tính cơ sở. Các Chương trình truyền hình định kỳ hàng tháng được bổ sung Diễn đàn Nói và làm, qua đó người dân có quyền được tham gia và đối thoại nhiều hơn trong công việc CCHC của chính quyền. Việc mở rộng triển khai các hoạt động thí điểm: Hệ thống Quản lý theo Kết quả (PMS) là lĩnh vực thí điểm được cả 5 tỉnh xây dựng và thực hiện trong 3 năm qua, cho đến nay, có tất cả 7 đề án thí điểm PMS đã được xây dựng hoặc đang thực hiện thí điểm. Thí điểm Hệ thống Quản lý theo Kết quả là một mảng hỗ trợ quan trọng của Chương trình. Mục đích và tính chất cốt lõi của áp dụng hệ thống này nhằm giúp các tỉnh thí điểm một phương pháp tổ chức và quản lý thực thi công việc theo kết quả. Các đề án đều tập trung vào 2 lĩnh vực chủ yếu là: Nâng cao chất lượng quản lý nhà nước của các cơ quan hành chính và nâng cao chất lượng tổ chức và cung ứng dịch vụ công của cơ quan chính quyền địa phương cho người dân gắn với phát triển KTXH và xóa đói giảm nghèo. Thông qua đó sẽ rút ra được các bài học kinh nghiệm và nhân rộng ra các địa phương trong và ngoài Chương trình. Đối với công tác nâng cao năng lực phối hợp và quản lý CCHC: Cùng với việc tham quan học tập kinh nghiệm, các tỉnh tiếp tục tổ chức các chuyến tham quan chia sẻ kinh nghiệm với các tỉnh ngoài Chương trình. Lai Châu đã tổ chức cho 70 cán bộ, công chức làm công tác CCHC cấp huyện, cấp tỉnh đi học tập, chia sẻ kinh nghiệm CCHC tại tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang. Nhóm Chuyên gia Trong nước đã tổ chức tập huấn cho trên 30 cán bộ làm trực tiếp công tác CCHC cấp tỉnh, cấp huyện về kiến thức và kỹ năng lập kế hoạch và triển khai CCHC. Cho đến nay, có thể nói, năng lực của đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia CCHC của tất cả các tỉnh trong lĩnh vực này đã, đang được duy trì và phát huy tốt vai trò tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trong chỉ đạo và quản lý CCHC. Có thể thấy, các tỉnh đều ban hành và bắt tay vào triển khai Kế hoạch năm 2013 sớm hơn năm 2012 nhưng nhìn chung, qua các tháng đầu năm thực hiện kế hoạch cho thấy tiến độ thực hiện là chậm hơn so với dự kiến. Các nguyên nhân chính bao gồm: - Việc quyết toán chuyển ngân sách kết dư năm 2012 và phân bổ ngân sách tài chính cho năm 2013 chậm so với yêu cầu. - Một số hoạt động thí điểm (PMS) mất nhiều thời gian hơn so với dự kiến để giới thiệu về kỹ năng, phương pháp thực hiện và cần phải được đánh giá, thẩm định kỹ trước khi tiếp tục thực hiện. - Một số hoạt động theo yêu cầu chung của Chính phủ (áp dụng bộ Chỉ số CCHC, xây dựng cơ cấu vị trí việc làm…) còn rất mới mẻ và phức tạp, cần có thời gian để nhận thức và thống nhất trước khi tổ chức thực hiện. - Tuy đã được tập huấn và trải qua kinh nghiệm song việc chỉ đạo, điều hành của một số sở, ngành, huyện còn rất lúng túng trong việc triển khai thực hiện. Cụ thể là kỹ năng xây dựng kế hoạch và quản lý hoạt động chương trình của cán bộ, công chức trực tiếp làm CCHC vẫn còn yếu. Từ những kết quả, thành công thực tế mà 5 tỉnh (Đắk Lắk, Đắk Nông, Điện Biên, Lai Châu và Lào Cai) đã đạt được cũng như những tồn tại, khó khăn mà các tỉnh còn gặp phải trong quá trình thực hiện Chương trình Quản trị Nhà nước và CCHC 6 tháng đầu năm 2013, các địa phương trên cả nước có thể học hỏi, chọn lọc, áp dụng linh hoạt các kinh nghiệm phù hợp với tình hình địa phương mình, qua đó đẩy mạnh chất lượng công tác CCHC, thực hiện tốt và có hiệu quả các hoạt động CCHC theo Chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.

Tác giả: Hoàng Hải

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây