Thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập

Thứ năm - 29/01/2015 10:22

Đoàn viên Công đoàn Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên biểu quyết tại Hội nghị Cán bộ, công chức, viên chức năm 2014 (ảnh: Châu Loan).

Đoàn viên Công đoàn Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên biểu quyết tại Hội nghị Cán bộ, công chức, viên chức năm 2014 (ảnh: Châu Loan).
DIC - Ngày 09/01/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Nghị định gồm 4 chương, 18 điều Quy định thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể, Dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị bao gồm: Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện dân chủ trong hoạt động nội bộ của cơ quan, đơn vị; những việc phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết; những việc cán bộ, công chức, viên chức tham gia ý kiến, người đứng đầu cơ quan quyết định; những việc cán bộ, công chức, viên chức giám sát, kiểm tra. Dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan tổ chức có liên quan bao gồm: Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị và của cán bộ, công chức, viên chức trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan; quan hệ giữa người đứng đầu cơ quan, đơn vị với cơ quan cấp trên và với cơ quan cấp dưới. Theo Nghị định, 10 nội dung công việc người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phải thực hiện như: Tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, cuối năm; lắng nghe ý kiến phản ánh, phê bình của cán bộ, công chức, viên chức; chủ trì phối hợp với Công đoàn cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức mỗi năm một lần vào cuối năm. Cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm phải thực hiện 5 nội dung công việc như nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện các quy định về nghĩa vụ, đạo đức, văn hóa giao tiếp, quy tắc ứng xử, nguyên tắc trong hoạt động nghề nghiệp và những việc không được làm theo quy định của pháp luật. Có 9 việc người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải công khai cho cán bộ, công chức, viên chức được biết: Chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến công việc của cơ quan, đơn vị. Kế hoạch công tác hàng năm, hàng quý, hàng tháng của cơ quan, đơn vị. Kinh phí hoạt động hàng năm, bao gồm các nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn tài chính khác; quyết toán kinh phí hàng năm của cơ quan, đơn vị; tài sản, trang thiết bị của cơ quan, đơn vị; kết quả kiểm toán. Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm... Ngoài ra trong nghị định còn quy định rõ có 8 việc cán bộ, công chức, viên chức được tham gia ý kiến và 5 việc cán bộ, công chức, viên chức được quyền giám sát… Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/02/2015; thay thế Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08-9-1998 của Chính phủ về ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan./.

Tác giả: Thu Hiền

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây