Khắc phục tình trạng văn bản “trên trời”

Thứ năm - 14/11/2013 19:33

Khắc phục tình trạng văn bản “trên trời”

Trong thời gian gần đây, nhiều văn bản QPPL vừa mới được ban hành đã bị “chết yểu” hoặc vừa được áp dụng đã phải sửa đổi, bổ sung. Vậy nguyên nhân do đâu lại có những văn bản "trên trời" như vậy, và phải làm thế nào để khắc phục hiện trạng này?
Trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN nói riêng và sự vận động phát triển của xã hội nói chung, mỗi quốc gia đều phải hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của mình. Theo đó, việc thay thế những quy định đã lỗi thời bằng những quy định mới, phù hợp để giúp Nhà nước thực hiện chức năng quản lý, điều hành vĩ mô là hết sức cần thiết.Để thực hiện chức năng đó, Nhà nước đã giao cho các bộ, ngành nghiên cứu từ thực tiễn quản lý Nhà nước để ban hành các văn bản QPPL điều chỉnh những quan hệ pháp luật mới nảy sinh cho phù hợp với đời sống pháp luật hiện hành.Nguyên nhân khiến văn bản "chết yểu"Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhiều văn bản QPPL vừa dự thảo đưa ra lấy ý kiến đã khiến dư luận “phản ứng” bởi tính phi thực tế, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân. Nhiều văn bản QPPL vừa mới được ban hành đã bị “chết yểu” hoặc vừa được áp dụng một thời gian ngắn đã bộc bộ những bất cập, hạn chế cần phải sửa đổi, bổ sung thay thế.Câu hỏi đặt ra là nguyên nhân do đâu lại có những văn bản "trên trời" thiếu tính khả thi ngay từ khi vừa mới ban hành, thậm chí có những văn bản còn trong "trứng nước" hay mới dừng lại ở ý tưởng thăm dò dư luận.Việc ban hành các văn bản QPPL phải tuân thủ sự điều chỉnh của Luật Ban hành văn bản QPPL (Luật BHVBQPPL). Theo đó, các văn bản QPPL sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phải tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc của Luật này. Theo đó, phải khảo sát, đánh giá tác động của văn bản đối với đời sống xã hội, bảo đảm hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi. Tuy vậy, thời gian qua lại rộ lên nhiều văn bản QPPL được ban hành bởi các cơ quan có thẩm quyền gây bức xúc trong dư luận.Ví dụ, như quy định, phạt xe không chính chủ, đưa tên bố mẹ vào chứng minh thư nhân dân, quy định về số vòng hoa trong tang lễ và cấm để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài... Các quy định này đã gây tranh cãi, do thiếu tính khả thi. Thực trạng này do một số nguyên nhân chính sau đây: Thứ nhất, các cơ quan, người có thẩm quyền chưa thực hiện đầy đủ quy định về việc khảo sát, lấy ý kiến đối với các dự thảo văn bản QPPL theo Luật BHVBQPPL. Đối tượng chịu sự tác động trước tiên của các văn bản pháp luật là người dân, cơ quan tổ chức trong xã hội.Theo quy định của Luật BHVBQPPL (Điều 4, 35 và 62) thì các dự án, dự thảo văn bản QPPL cần thiết phải khảo sát lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Tuy nhiên, một số văn bản "trên trời" nêu trên rõ ràng đã thiếu sót trong việc khảo sát sự tác động và lấy ý kiến của người dân. Sự phản ảnh ý kiến của người dân, xã hội khi các văn bản đó được công bố đã thể hiện sự chủ quan, tính hình thức mà không thực tiễn.Thứ hai, sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động thẩm định, kiểm tra đôn đốc việc soạn thảo văn bản QPPL chưa chặt chẽ. Đây là khâu quan trọng không thể thiếu nhằm phát hiện những thiếu sót, vi phạm, hạn chế... để khắc phục những điểm xung đột nội tại của văn bản sắp được ban hành với các văn bản luật, Hiến pháp hiện hành. Bảo đảm tính khả thi và hiệu lực, hiệu quả của văn bản khi áp dụng trong đời sống xã hội.Thứ ba, áp lực về thời gian hoàn thành tiến độ ban hành văn bản, cộng thêm năng lực, kinh nghiệm và sự quan liêu của cán bộ cơ quan có trách nhiệm xây dựng dự thảo văn bản QPPL cũng là một nguyên nhân quan trọng.Trong thực tế, có những đạo luật để được ra đời thì cần phải được tiến hành khảo sát, thẩm định và đánh giá tác động xã hội nhiều lần, nhiều năm và tiến hành một cách liên tục bởi đội ngũ chuyên gia có năng lực, giàu kinh nghiệm và làm việc chuyên trách cùng với đội ngũ cố vấn pháp lý, các luật sư, kỹ sư chuyên ngành đại diện cho các nhóm đối tượng bị tác động bởi văn bản ban hành chính, xác định hiệu số của hiệu lực, hiệu quả của việc ban hành văn bản pháp luật đó.Đành rằng, ở Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào trên thế giới, hoạt động thẩm định, kiểm tra đánh giá tác động xã hội của văn bản QPPL soạn thảo là công việc khá phức tạp. Công việc này đòi hỏi người thẩm định, kiểm tra phải có kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết và cái tâm để xác định quy định đó đem lại những lợi ích gì cho người dân, cho đất nước. Từ đó đưa ra những đánh giá đúng sự tác động (tích cực và tiêu cực) của văn bản QPPL đối với xã hội.Thư tư, các bộ, ngành quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực của mình được giao nhiệm vụ làm công tác xây dựng dự thảo vẫn chưa thực sự đặt lợi ích người dân, lợi ích xã hội lên trên.Ở nước ta, các văn bản QPPL điều chỉnh lĩnh vực quản lý Nhà nước của bộ, ngành nào thì các bộ, ngành đó xây dựng dự thảo nên không tránh khỏi nhiều văn bản QPPL được ban hành trước hết nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện công tác quản lý của ngành và giảm thiểu trách nhiệm khi phát sinh những hậu quả ngoài ý muốn.Mặt khác, người có trách nhiệm thường cho rằng đông đảo cán bộ, nhân viên bộ, ngành mình đồng thuận thì xã hội cũng đồng thuận nên lợi ích xã hội mà văn bản đó điều chỉnh thường không được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng và thấu đáo.Tóm lại, việc ban hành các văn bản QPPL thiếu tính khả thi không những gây bức xúc trong dư luận mà còn làm lãng phí ngân sách Nhà nước trong công tác xây dựng pháp luật, đồng thời do những văn bản luật ban hành mà không áp dụng và vi phạm không xử lý được, dẫn đến sự “nhờn luật” trong đời sống xã hội là rất nghiêm trọng.Đề xuất giải phápThực trạng này cần có một số giải pháp cấp bách sau đây. Thứ nhất, cần thực hiện nghiêm túc quy định của Luật BHVBQPPL trong việc lấy ý kiến của người dân đối với dự thảo văn bản QPPL, thông qua việc tuyên truyền, phổ biến, công khai rộng rãi dự thảo văn bản QPPL lên các phương tiện thông tin đại chúng như Internet, báo, đài, truyền hình, hội thảo…; tích cực tiếp nhận và tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp của nhân dân, của các bộ, ngành hữu quan …Thứ hai, làm tốt hoạt động hoạt động thẩm định, kiểm tra, đôn đốc việc soạn thảo văn bản QPPL, qua đó đánh giá đúng tác động của văn bản QPPL tới thực tiễn cuộc sống, bằng cách thu nhận ý kiến đóng góp; đi sâu, đi sát vào thực tiễn cuộc sống xã hội; nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật BHVBQPPL…Thứ ba, đào tạo, nâng cao năng lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ soạn thảo, thẩm định, kiểm tra, ban hành văn bản QPPL. Đồng thời, quy định cụ thể trách nhiệm, chế tài đối với hành vi thiếu trách nhiệm của cán bộ, công chức có liên quan đến việc ban hành các văn bản QPPL không có tính khả thi, xa rời thực tiễn.Việc ban hành các văn bản QPPL là cần thiết xuất phát từ nhu cầu nội tại của cuộc sống đề điều chỉnh kịp thời các vấn đề phát sinh. Tuy nhiên, nếu văn bản luật chỉ được ban hành cho đủ, theo yêu cầu được giao thì khó có thể đi vào cuộc sống.Chỉ khi văn bản QPPL phù hợp với thực tiễn thì mới giải quyết được những nhu cầu xã hội đặt ra, bảo đảm sự phát triển ổn định của xã hội, sự nghiêm minh của pháp luật. Điều này đòi hỏi cao về trình độ và trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc xây dựng, ban hành văn bản QPPL.

Tác giả: Trần Quốc Hùng - Chánh Văn phòng Công ty Luật Nguyễn Chiến

Nguồn tin: svhttdl.dienbien.gov.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây