Đến Điện Biên - Khám phá vùng đất lịch sử

Chủ nhật - 01/06/2014 20:46

Một góc T.P Điện Biên Phủ sau 60 năm giải phóng. (Ảnh: Anh Tuấn)

Một góc T.P Điện Biên Phủ sau 60 năm giải phóng. (Ảnh: Anh Tuấn)
Những năm gần đây, biết bao nhiêu lượt khách đến và biết đến Điện Biên như là một điểm du lịch lịch sử riêng có. Rất nhiều người đã mong được ít nhất một lần trong đời đặt chân lên mảnh đất “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”. Đến Điện Biên vào bất cứ thời điểm nào trong năm, nếu để tâm trải nghiệm, du khách sẽ có một cái nhìn thú vị khác, đến Điện Biên là để cảm nhận và “khám phá tinh thần tự do”.
Quần thể di tích lịch sử luôn là điểm đến đầu tiên của du khách mỗi khi lên Điện Biên. Gần 60 năm qua, những điểm di tích: Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng, đồi A1, D1, Him Lam, Độc Lập, hầm Đờ - cát (Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp)… vẫn luôn là điểm tham quan ấn tượng cho du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Điện Biên. Chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng của cả dân tộc đã ngẫu nhiên thành biểu tượng để mọi người biết và nhớ đến Điện Biên cả trong quá khứ và hiện tại. Một Mường Phăng dung dị nhưng biểu trưng cho trí tuệ của cả dân tộc trong những thời khắc cam go đã có quyết định đúng đắn làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ - thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa lịch sử to lớn có tác động quyết định đối với cả hai phía mà không một chiến dịch nào đạt tới trong lịch sử kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống Pháp. Nó là tác nhân quan trọng đưa đến ký Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Thắng lợi Điện Biên Phủ không chỉ cổ vũ nhân dân Việt Nam, nó còn là khâu đột phá mở đầu, cổ vũ các dân tộc ở các nước thuộc địa trên thế giới đứng lên giành độc lập. Một hầm Đờ - cát từng là niềm tự hào của quân viễn chinh Pháp nay chỉ còn là chấm nhỏ nhoi lẫn trong những vườn hoa, bãi ngô xanh mướt. Đứng trên cầu Mường Thanh - nơi cách nay gần 60 năm các chiến sĩ quân đội Việt Nam đã băng qua tiến vào bắt sống tướng Đờ - cát khách có thể ngước lên rừng Mường Phăng xa xa và cũng có thể hướng ra hầm Đờ - cát cùng chiêm nghiệm về lịch sử và có thể tự nhìn lại mình qua tấm gương muôn thủa và luôn thay đổi sắc diện là dòng Nậm Rốm.Tạm rời trung tâm T.P Điện Biên Phủ, ra xa hơn về phía tây nam của huyện Điện Biên, khách sẽ đến U Va – nơi theo truyền thuyết của dân tộc Thái là điểm nối giữa trời và đất. Trong văn hóa tâm linh của người Thái, U Va là nơi tiễn biệt hồn người chết lên trời nay vẫn còn 2 bãi đất bí ẩn là “khuống xao phi nọi” và “khuống xao phi nhớ”. Đến U Va, khách sẽ được hòa mình với thiên nhiên hùng vĩ và đắm mình trong dòng nước khoáng nóng mà thiên nhiên ban tặng. Qua khỏi U Va, khách có thể ghé thăm động Pa Thơm giáp biên giới Việt - Lào. Người địa phương gọi nơi này là “Thẳm nang lai”, nghĩa là hang có nhiều nàng tiên. Ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, động Pa Thơm được bao bọc giữa khu rừng nguyên sinh với thảm thực vật và sự đa dạng sinh học phong phú. Đến Pa Thơm, khách được hít thở khí trời trong lành, ngắm cảnh núi non trùng điệp, ngắm những nếp nhà sàn phía xa xa ở lưng chừng núi của người dân tộc Lào, Cống, Khơ Mú và khám phá động với những nhũ đá sống động, huyền ảo...Còn ngược về phía đông bắc cách thành phố Điện Biên Phủ chừng 30km, khách có thể đến Nà Nhạn, thuộc huyện Điện Biên, lên thượng nguồn sông Nậm Rốm nơi sinh sống của các dân tộc: Thái, Mông, Khơ Mú… để cùng tìm hiểu kiểm chứng địa danh “Tẩu Pung” cùng những phong tục gắn với truyền thuyết quả bầu mẹ do trời cử người xuống trần gian để dựng bản lập mường sinh ra các dân tộc anh em, mỗi dân tộc lại có nét độc đáo riêng. Đi về phía tây bắc, qua Mường Pồn, Mường Chà, khách sẽ tới Mường Lay - “nơi sông Đà vặn mình rung núi”. Ở nơi này, mùa đông năm Tân Hợi (1.431), sau khi dẹp yên sự xâm lược của giặc Minh, vua Lê Lợi đã cho khắc bài thơ trên vách đá Pú Huổi Chỏ khẳng định chủ quyền nước Việt nơi phên dậu Tổ quốc. Nay bia đã được di chuyển theo chiều thẳng đứng, từ vách núi Pú Huổi Chỏ nay đã chìm trong vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La lên cao hơn. Đoạn sông chảy qua di tích tĩnh lặng, đối diện bên kia là thị xã Mường Lay đang ngày càng thay da đổi thịt, chuẩn bị hành trang cho bước chuyển mình thành một đô thị ven hồ với thế mạnh du lịch văn hóa, lịch sử trong tương lai.Từ T.P Điện Biên Phủ, khách ưa du lịch khám phá, mạo hiểm có thể chọn A Pa Chải là điểm dừng chân. Cách T.P Điện Biên Phủ trên 250km, A Pa Chải thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé là điểm cực tây trên đất liền của Việt Nam - nơi 1 tiếng gà 3 nước Việt - Trung - Lào cùng nghe. Đây là cung đường mạo hiểm, để đến được A Pa Chải, khách sẽ phải vượt qua nhiều địa hình phức tạp. Từ A Pa Chải, khách có thể leo bộ lên cột mốc số 0. Đường đi gập ghềnh song cảnh quan hùng vĩ hai bên đường cùng cảm giác chinh phục khó khăn sẽ là phần thưởng cho những người ưa mạo hiểm. Cột số 0 bằng đá granit, có 3 mặt quay về 3 hướng, mỗi mặt có khắc tên nước bằng tiếng quốc ngữ riêng và quốc huy của mỗi nước. Rời cột mốc số 0, khách hãy ghé thăm người Hà Nhì ở Tá Miếu, bản cuối cùng của cực tây Việt Nam cùng tìm hiểu nét văn hóa Hà Nhì độc đáo nơi đây.Một chuyến đi, nhiều điểm đến. Mỗi điểm đến lại thêm nhiều trải nghiệm. Du lịch Điện Biên, tìm hiểu quá khứ để thêm trân trọng hiện tại. Đến Điện Biên sau những vội vã của cuộc sống hàng ngày, bỏ qua những ồn ào phố thị để dừng chân ở các bản vùng cao cùng cảm nhận vẻ yên bình của một ngày dần qua, để lòng mình cũng bình yên giữa thiên nhiên trong trẻo và ấm áp những nụ cười hồn hậu của những người thoáng gặp đã như rất quen. Bằng thế mạnh tài nguyên du lịch riêng có Điện Biên đã định vị được “thương hiệu”: “Khám phá tinh thần tự do” đúng với những gì du khách nghĩ và trải nghiệm khi đến Điện Biên.

Tác giả: Giáng Vân

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây