Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về vị trí việc làm đáp ứng yêu cầu của cải cách công vụ, công chức

Thứ hai - 18/11/2013 20:58

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về vị trí việc làm đáp ứng yêu cầu của cải cách công vụ, công chức

Cùng với cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức hiện đang được các bộ ngành và địa phương thực hiện nhằm hướng tới việc xây dựng một nền công vụ “Chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả”. Nghiên cứu các nhiệm vụ trọng tâm cần đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức cho thấy vị trí việc làm là nội dung cốt lõi, xuyên suốt các nhiệm vụ của cải cách công vụ, công chức. Vậy vị trí việc làm là gì, cùng với việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về vị trí việc làm thì hoạt động nghiên cứu khoa học về vấn đề này cần hướng tới những trọng tâm nào để không chỉ đáp ứng yêu cầu xác lập cơ sở lý luận cho việc xây dựng, hoạch định chính sách mà còn góp phần, hỗ trợ hoạt động triển khai thực hiện chính sách về cải cách công vụ, công chức. Với cách tiếp cận như vậy, bài viết này có các nội dung cơ bản sau:
/uploads/news/2013_11/1_15.jpg1. Vị trí việc làmCũng giống như các khái niệm khác, trên phương diện khoa học, vị trí việc làm được tiếp cận nghiên cứu với các cấp độ khác nhau theo đó có những nhận thức tương ứng:- Vị trí việc làm là một chế độ công vụ (chế độ công vụ việc làm - Job System). Với cách tiếp cận này, lịch sử phát triển công vụ thế giới cho đến nay đã có các chế độ công vụ khác nhau như: nha lại, chức nghiệp, cán bộ, việc làm, phối hợp. Theo đó chế độ công vụ việc làm không thuần túy chỉ là các quy định mà là một chỉnh thể với nhiều nội dung từ quy định đến thực tế quản lý, sử dụng, đào tạo, đánh giá, đãi ngộ… Sự khác biệt cơ bản giữa chế độ công vụ việc làm với các chế độ công vụ khác thể hiện ở chỗ đòi hỏi người làm việc phải có các năng lực thực tế để đảm nhận được vị trí việc làm mà họ đảm nhiệm theo khung năng lực chung của vị trí việc làm đó; không bắt buộc người làm việc phải gắn với công việc mà họ đảm nhiệm như một chức nghiệp - cả đời làm công chức và cũng vì điều này mà chế độ vị trí việc làm còn được gọi là chế độ công vụ mở để phân biệt với chế độ chức nghiệp, cán bộ. Tính mở của chế độ công vụ này còn thể hiện ở việc người làm việc có thể thi tuyển ngay vào vị trí lãnh đạo, quản lý với điều kiện họ đạt được yêu cầu về trình độ, năng lực, kỹ năng và thể chất để đảm nhiệm vị trí việc làm và cơ quan, tổ chức có nhu cầu tuyển dụng đối với vị trí đó.- Vị trí việc làm là một trong số các nguyên tắc của pháp luật công chức, công vụ. Với ý nghĩa như vậy vị trí việc làm thể hiện trong các quy định chung của pháp luật công chức, công vụ với nội hàm và ý nghĩa là cơ sở để quản lý, sử dụng công chức. Nghiên cứu pháp luật công chức, công vụ của các nước theo chế độ công vụ việc làm như Hoa Kỳ, Canađa… ta thấy có các quy định về nguyên tắc quản lý vị trí việc làm của hệ thống công chức, công vụ liên bang như việc làm thường xuyên, việc làm trong một thời hạn nhất định, việc làm thời vụ. Trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức của chúng ta quy định nguyên tắc quản lý công chức, viên chức trên cơ sở vị trí việc làm (khoản 2 Điều 5 Luật Cán bộ, công chức và khoản 3 Điều 6 Luật Viên chức)- Vị trí việc làm là một quy phạm pháp luật. Điều này được thể hiện trong khoản 3 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức và Điều 7 Luật Viên chức. Theo đó vị trí việc làm là công việc gắn với chức vụ, chức danh để thực hiện quản lý, sử dụng công chức, viên chức. Với ý nghĩa như vậy vị trí việc làm khác với người làm việc (nhất là trong trường hợp vị trí việc làm do nhiều người đảm nhiệm); vị trí việc làm không phải là chức vụ, chức danh vì chức vụ, chức danh là “tên gọi cụ thể”1người đảm nhiệm các nhiệm vụ khác nhau theo vị trí việc làm khác nhau (ví dụ: Giám đốc, Trưởng phòng là chức vụ của người đảm nhiệm vị trí việc làm là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên, bác sĩ, giảng viên… là chức danh của người đảm nhiệm vị trí việc làm thực thi, thừa hành trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập).Vị trí việc làm được phân loại theo các nhóm như: vị trí việc làm do một người đảm nhận (ví dụ: người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị); vị trí việc làm do nhiều người đảm nhận (ví dụ: cấp phó của người đứng đầu; các công việc thực thi, thừa hành; công việc hoạt động nghề nghiệp…); vị trí việc làm kiêm nhiệm (ví dụ: thủ quỹ kiêm văn thư…). Ngoài cách phân loại trên còn có phân loại khác đối với vị trí việc làm, cụ thể là: nhóm các vị trí lãnh đạo, quản lý (Với các chức danh như: Hiệu trưởng, Giám đốc, Viện trưởng; trưởng, phó các khoa, phòng, ban…); nhóm các vị trí thực thi, thừa hành (Với các chức danh như: chuyên viên, giảng viên, bác sĩ, nghiên cứu viên…); nhóm các vị trí hỗ trợ, phục vụ (ví dụ: bảo vệ, lái xe...).Vị trí việc làm được xác định dựa trên những nguyên tắc như: phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo đảm tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch và phù hợp với điều kiện thực tiễn; mỗi vị trí việc làm luôn gắn với một chức danh ngạch công chức nhất định, đối với vị trí việc làm là lãnh đạo, quản lý thì có thêm chức danh lãnh đạo, quản lý; phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý công chức.Vị trí việc làm được xác định dựa trên những căn cứ như: văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị được cấp có thẩm quyền ban hành; tính chất, đặc điểm, yêu cầu công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị; mức độ phức tạp, quy mô công việc; phạm vi và đối tượng phục vụ, quản lý; quy trình, thủ tục quản lý hoặc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật; mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin; vị trí địa lý; tính chất, quy mô, cơ cấu dân số; tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; tình hình an ninh - trật tự; thực trạng bố trí, sử dụng đội ngũ công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị.Phương pháp, quy trình xác định vị trí việc làm: có nhiều phương pháp được áp dụng trong xác định vị trí việc làm như: phương pháp phân tích tổ chức, mô tả công việc; phương pháp thống kê, rà soát thực tế; phương pháp tổng hợp… Quy trình xác định vị trí việc làm gồm các giai đoạn, các bước khác nhau như: thống kê công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị; phân nhóm công việc; xác định các yếu tố ảnh hưởng đến vị trí việc làm; thống kê, đánh giá thực trạng đội ngũ công chức, viên chức; xác định danh mục và phân loại vị trí việc làm cần có của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng bản mô tả công việc của từng vị trí việc làm; xây dựng khung năng lực của từng vị trí việc làm; xác định chức danh ngạch (công chức), chức danh nghề nghiệp (viên chức) và chức danh quản lý (nếu có) tương ứng với danh mục vị trí việc làm.Với những nội dung căn bản nêu trên, cùng với các quy định của Chính phủ và bộ quản lý ngành lĩnh vực là cơ sở để triển khai các hoạt động nghiên cứu về vị trí việc làm.2. Nghiên cứu khoa học về vị trí việc làmNghiên cứu khoa học về vị trí việc làm là một nội dung thuộc phạm trù “khoa học tổ chức nhà nước”. Đối với Việt Nam chúng ta, nghiên cứu khoa học về vị trí việc làm là vấn đề mới vì trước khi có quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008, ít có công trình nghiên cứu về vấn đề này2. Từ năm 2008 đến nay có nhiều nghiên cứu về vấn đề này hơn nhưng tính chất, quy mô, cấp độ nghiên cứu cũng hạn hẹp với các bài viết trên tạp chí, đề tài cấp bộ, một phần trong một số sách tham khảo3. Các nghiên cứu cơ bản (chương trình, đề tài khoa học cấp nhà nước), nghiên cứu chiến lược về vấn đề này chưa được cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ về vấn đề này thực hiện. Nghiên cứu khoa học đối với vị trí việc làm có thể thực hiện với nhiều nội dung theo các cấp độ khác nhau như:Nghiên cứu lý luận:- Hệ thống các khái niệm (vị trí việc làm, công việc, nhiệm vụ, chức năng, chức vụ, chức danh…);- Đặc điểm cấu trúc và cơ chế vận hành của hệ thống hành chính Việt Nam với yêu cầu xác định vị trí việc làm. So với các nước hệ thống hành chính Việt Nam có những điểm tương đồng nhưng cũng có những điểm khác biệt cụ thể như: hệ thống hành chính đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và thống nhất lãnh đạo về công tác cán bộ; hoạt động theo nguyên tắc “Quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công và phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”; đảm bảo các yêu cầu của cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức như “chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả”; “xác định danh mục vị trí việc làm và cơ cấu công chức theo ngạch trong các cơ quan, tổ chức...”;- Mô hình chế độ công chức theo vị trí việc làm và các yêu cầu đặt ra để áp dụng có hiệu quả mô hình chế độ công chức theo vị trí việc làm. Việc xác định vị trí việc làm cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, do vậy nếu chức năng, niệm vụ của cơ quan, tổ chức không được xác định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến việc xác định đúng, đủ các vị trí việc làm cần có. Theo đó không xác định được ở mức sát nhất về số lượng cũng như chất lượng nhân lực cần có của cơ quan, tổ chức. Tức là việc hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị là yêu cầu đặt ra khi áp dụng chế độ vị trí việc làm;- Các yêu cầu của cải cách hành chính, mục tiêu xây dựng một nền công vụ “Chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả” của cải cách chế độ công vụ, công chức với việc chuyển đổi mô hình chế độ công vụ ở nước ta;- Kinh nghiệm áp dụng chế độ vị trí việc làm ở các nước (Anh, Hoa Kỳ, Pháp, Úc…). Kết quả khảo sát tại Hoa Kỳ năm 2010 cho thấy với việc áp dụng các phương pháp trong phân tích tổ chức và phân tích công việc đã xác định được danh mục với 5.000 vị trí việc làm khác nhau trong cơ quan hành chính nhà nước liên bang. Cộng hòa Pháp, nước tiêu biểu cho mô hình quản lý công chức theo chế độ chức nghiệp cũng đã có những thay đổi, theo đó áp dụng chế độ vị trí việc làm đối với một số công việc thuộc lĩnh vực hành chính, tư pháp.Nghiên cứu ứng dụng:- Hệ thống lý thuyết về các phương pháp xác định vị trí việc làm. Theo kết quả thống kê có tới hơn 15 phương pháp khác nhau có thể được áp dụng để xác định vị trí việc làm. Có thể chia các phương pháp thành hai nhóm chính là nhóm các phương pháp xác định số lượng vị trí việc làm cần có và nhóm phương pháp chất lượng nhân lực cần có để có thể đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm. Tuy có nhiều phương pháp khác nhau nhưng nhìn chung việc áp dụng được thực hiện theo phương pháp phối hợp các phương pháp để phân tích tổ chức (thống kê, so sánh để xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức) với các phương pháp để phân tích công việc của mỗi vị trí để theo đó có bảng mô tả công việc theo vị trí việc làm (thực nghiệm, định mức lao động). Ngoài ra còn có thể áp dụng các phương pháp khác như: ước lượng trung bình, hồi quy tuyến tính…4- Các điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện có hiệu quả chế độ vị trí việc làm (về thể chế pháp lý, cơ sở vật chất - kỹ thuật…). Cùng với các yêu cầu, để áp dụng có hiệu quả chế độ vị trí việc làm cần có các điều kiện như thể chế pháp lý về vị trí việc làm phải đầy đủ (các quy định chung, các quy định về quy trình, trình tự thực hiện xác định vị trí việc làm, thẩm quyền của cơ quan, tổ chức…). Đội ngũ công chức thành thạo về chuyên môn, kỹ thuật nghiệp vụ về xác định vị trí việc làm, tức là nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao là điều kiện không thể thiếu để thực hiện có hiệu quả việc xác định vị trí việc làm. Ngoài ra cũng cần có các đảm bảo về vật chất - kỹ thuật để các cơ quan, tổ chức có thể thực hiện tốt việc xác định vị trí việc làm (ví dụ: phần mềm kỹ thuật phục vụ thống kê, rà soát chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức).- Vai trò, ý nghĩa của việc xác định vị trí việc làm với công tác quản lý công chức. Xác định vị trí việc làm có vai trò, ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện khác nhau từ tuyển dụng, quản lý, sử dụng đến đào tạo, bỗi dưỡng… Ngoài ra áp dụng tốt chế độ vị trí việc làm còn có ý nghĩa trong việc sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, tránh lãng phí nhân lực góp phần tiết kiệm chi phí công.- Các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến việc xác định vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính nhà nước. Có nhiều yếu tố tác động, ảnh hưởng đến việc xác định vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính nhà nước như: chế độ làm việc; phạm vi hoạt động của cơ quan, tổ chức; tính đa dạng về lĩnh vực hoạt động… Mức độ tác động, ảnh hưởng của các yếu tố này đối với việc xác định vị trí việc làm cũng khác nhau, tuy nhiên kết quả là có hay không và cần tăng hay giảm cũng như yêu cầu về chất lượng nhân lực theo vị trí việc làm phụ thuộc một phần vào các yếu tố tác động, ảnh hưởng.Điều tra, khảo sát thực tế việc áp dụng vị trí việc làm trong các cơ quan nhà nước:- Đây là hoạt động không thể thiếu trong nghiên cứu khoa học, thực tế cho thấy một số công trình nghiên cứu xa rời thực tế, không thực hiện điều tra khảo sát thực tế hoặc điều tra khảo sát không sát đúng với thực tế, do vậy kết quả nghiên cứu hạn chế. Để nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu nhất là các nghiên cứu phục vụ xây dựng thể chế, chính sách phục vụ công tác quản lý nhà nước của ngành Nội vụ nhất thiết phải thực hiện điều tra, khảo sát và coi đây là quy trình bắt buộc, là cơ sở để đánh giá tính khoa học của công trình nghiên cứu.- Điều tra, khảo sát thực tế việc áp dụng vị trí việc làm trong các cơ quan nhà nước cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, theo hệ thống để cập nhật đầy đủ, kịp thời các thông tin, thay đổi về vị trí việc làm trong các cơ quan nhà nước. Từ đó tạo cơ sở thực tế và cùng với cơ sở lý luận sẽ hình thành các luận cứ khoa học phục vụ cho việc hoạch định chiến lược, chính sách phát triển nguồn nhân lực công theo mô hình chế độ công vụ việc làm (gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với hoạt động xây dựng thể chế, chính sách).- Nội dung điều tra, khảo sát hướng vào các nhiệm vụ của quản lý nhà nước đối với vị trí việc làm như: ban hành văn bản quy phạm pháp luật về vị trí việc làm; quy định và hướng dẫn phương pháp xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp của viên chức; quy định các cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp của viên chức; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp của viên chức; thống kê, tổng hợp và báo cáo về vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp của viên chức; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý những vi phạm về quản lý vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp của viên chức theo quy định của pháp luật.Tóm lại: Bằng việc ban hành và thực hiện các quy định của pháp luật về vị trí việc làm đã cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ, Bộ Nội vụ trong việc thực hiện cải cách hành chính; cải cách chế độ công vụ, công chức trong quản lý, sử dụng đội ngũ công chức, viên chức theo mô hình chế độ công vụ vị trí việc làm. Cho đến nay, hệ thống các quy định của pháp luật về vị trí việc làm là khá hoàn chỉnh với các quy định theo các cấp độ, mức độ khác nhau như: Luật do Quốc hội ban hành; Nghị quyết, Nghị định do Chính phủ ban hành; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư của Bộ trưởng và các văn bản của chính quyền địa phương, của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ xác định vị trí việc làm. Đấy là cơ sở, định hướng căn bản cho việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học về vị trí việc làm./.

Tác giả: TS. Tạ Ngọc Hải - Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây