Hiệu quả trong công tác phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ trên tuyến biên giới

Thứ tư - 04/02/2015 16:39

Hiệu quả trong công tác phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ trên tuyến biên giới

DIC - Với tinh thần kiên quyết đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm buôn bán người trên tuyến biên giới. Trong những năm qua, Công an tỉnh Điện Biên đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đơn vị chức năng trong và ngoài tỉnh, đặc biệt đã phối hợp với các lực lượng chức năng của Trung Quốc và CHDCND Lào triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và tinh thần cảnh giác cho nhân dân. Từ đó, đấu tranh triệt phá thành công nhiều chuyên án, vụ án buôn bán phụ nữ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân vùng biên giới. /uploads/news/2015_02/thieu-tuong-sung-a-honggiam-doc-cong-an-tinh-dien-bien-gap-go-va-trao-doi-voi-cong-an-tp-pho-nhi-van-nam-tq.jpg Thiếu tướng Sùng A Hồng- Giám đốc công an tỉnh Điện Biên gặp gỡ và trao đổi với công an TP Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) Ảnh: CAT Điện Biên là một tỉnh miền núi biên giới, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, một bộ phận đồng bào vùng sâu, vùng xa có trình độ nhận thức không đồng đều, hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Thời gian qua, nạn buôn bán người nhất là phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn tỉnh ta diễn biến hết sức phức tạp. Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội (CSĐTTP về TTXH) Công an tỉnh, từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy ra gần 400 trường hợp phụ nữ và trẻ em gái bỏ nhà đi không rõ nguyên nhân, nghi là bị mua, bán. Tập trung chủ yếu ở các huyện: Mường Ảng, Tuần Giáo, Mường Chà, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Điện Biên… Lực lượng Công an đã quyết liệt vào cuộc, một mặt đẩy mạnh công tác tuyên truyền phương thức thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm mua bán người để nhân dân biết, nâng cao ý thức cảnh giác, tự phòng ngừa; mặt khác tập trung lực lượng triệt phá nhiều vụ án, bóc gỡ nhiều đường dây, bắt giữ xử lý nhiều đối tượng phạm tội "hóa giải" những mắt xích quan trọng đối với hoạt động của loại tội phạm này. Điển hình, trong năm 2013 Công an huyện Mường Chà phối hợp với Phòng CSĐTTP về TTXH công an tỉnh, Công an tỉnh Lào Cai và Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai phá chuyên án mang bí số MP 119 bắt giữ đối tượng Ly A Lấu (SN 1991) trú tại bản Huổi Nụ, xã Nà Khoa, huyện Mường Nhé đang trên đường đưa chị S (SN 1986) trú tại bản Nậm Chim 2, xã Si Pa Phìn sang Lào Cai bán cho đối tượng Thào A Hòa ( SN 1979) trú tại Bản Nậm Là, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé đang làm thuê bên Trung Quốc. Bằng các biện pháp nghiệp vụ lưc lượng chức năng đã tổ chức bắt giữ Thào A Hòa khi Hòa về Việt Nam nhận “hàng”. Đấu tranh khai thác Hòa khai nhận trước đó đã lừa bán được một phụ nữ cũng ở bản Nậm Chim 2 sang Trung Quốc với giá 7.500 nhân dân tệ. Cũng trong năm 2013, Phòng CSĐTTP về TTXH công an tỉnh đã triệt phá một đường dây mua bán phụ nữ, bắt nhóm đối tượng Lò Văn Ọi (SN 1980) HKTT bản Cang, Nà Tấu, Điện Biên; Lò Thị Tươi (SN 1985), Lò Thị Hướng (SN 1988), Lò Thị Yến (SN 1981) đều có HKTT bản Pá Vạt, xã Mường Luân, H. Điện Biên Đông và Lò Thị Thoại (SN 1986) HKTT bản Na Ngựu, xã Phì Nhừ, Điện Biên Đông. Các đối tượng này đã sang Trung Quốc làm gái mại dâm từ năm 2011. Tại đây, các đối tượng được chủ chứa mại dâm là Bùi Thị Quyên (SN 1975) Trú tại Tiên Châu, Mê Linh, Hà Nội hiện đang sinh sống tại Trung Quốc động viên về Việt Nam lừa thêm phụ nữ sang bán dâm và sẽ trả cho các đối tượng từ 8 đến 10 triệu đồng một phụ nữ. Trong khoảng thời gian từ tháng 7/2012 đến tháng 7/2013, nhóm đối tượng này lần lượt về Việt Nam, với chiêu bài tuyển người đi bán hàng tại Lào được trả lương cao. Các đối tượng đã lừa và đưa 4 em giái (sinh các năm 1986, 1996, 1999, 2000) trong đó 3 em có HKTT tại xã Mường Luân, Điện Biên Đông và 01 em có HKTT tại xã Chiềng Sinh, TP Sơn La sang Trung Quốc để bán dâm. Để phá được đường dây buôn bán phụ nữ có số đối tượng tham gia lớn như vậy, lực lượng công an đã rất vất vả, mưu trí, ban đầu chỉ từ những thông tin ít ỏi, mơ hồ về việc có một số phụ nữ tại địa bàn xã Mường Luân đi khỏi địa bàn không rõ tung tích. Lực lượng công an đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành rà soát các mối quan hệ của các nạn nhân và khoanh vùng đối tượng. Sau khi có đủ căn cứ khẳng định các đối tượng và nạn nhân đang ở bên kia biên giới, Công an tỉnh Điện Biên đã phối hợp với Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai đề nghị phía Công an Trung Quốc giúp đỡ và kết quả đã bắt được các đối tượng và giải cứu được nạn nhân đưa về địa phương đoàn tụ gia đình. Qua khảo sát thực tế cho thấy, đa số chị em bị lừa bán đều nhẹ dạ, cả tin, trình độ dân trí thấp, có hoàn cảnh khó khăn, thiếu việc làm. Mặt khác, ở nhiều địa bàn vùng cao trong tỉnh vẫn còn tình trạng bạo hành, phân biệt đối xử đối với phụ nữ, nhận thức về cuộc sống xã hội của số đông phụ nữ, nhất là đối tượng phụ nữ trẻ còn hạn chế, dẫn tới nhiều trường hợp phụ nữ bỏ nhà ra đi vì những cám dỗ rất giản đơn hoặc vì nông nổi bột phát…do vậy dễ bị mắc bẫy của các đối tượng bởi những lời hứa hẹn sẽ tìm được việc làm có thu nhập cao hoặc lấy chồng Trung Quốc có cuộc sống nhàn hạ. Nhưng trong thực tế họ đã bị ép trở thành vợ của những người đàn ông nhiều tuổi, kể cả người tàn phế; số khác bị bán vào các động mại dâm, bị bóc lột, hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần, không có cơ hội trốn thoát, trở về nước. Đau lòng hơn ở một số xã, bản vùng sâu, vùng xa do thiếu thông tin, nên một số trẻ em gái độ tuổi 13, 14 đang là học sinh THCS vẫn bị dụ dỗ, lừa bán làm gái mại dâm. Họ dễ dàng theo sự chỉ dẫn của đối tượng, có khi chỉ mới quen biết, đến những nơi xa lạ để mong một sự đổi đời. Đói nghèo, thất học và thất nghiệp dẫn đến những ham hố lợi ích vật chất, hạn chế về nhận thức, thiếu hiểu biết, đây là những điều kiện thuận lợi cho bọn tội phạm mua bán người tiếp cận, lôi kéo, dụ dỗ. Một số ít trường hợp do thiếu sự quan tâm, dạy dỗ của gia đình, có những trường hợp con gái bỏ nhà đi nhiều ngày bố mẹ cũng không quan tâm; cũng có những gia đình vì cuộc sống nghèo khó, không có thời gian và sức lực để chăm sóc con, thậm chí cũng tin và đồng ý cho con cái đi theo lời rủ rê của các đối tượng mà không biết ẩn sau đó là một cạm bẫy chết người và một chuỗi ngày khổ cực, tủi nhục của con mình nơi xứ người. /uploads/news/2015_02/cong-an-tinh-dien-bien-tuyen-truyen-phap-luat-cho-ba-con-dan-toc-mong-huyen-tua-chua.jpg Công an tỉnh Điện Biên tuyên truyền pháp luật cho bà con dân tộc Mông huyện Tủa Chùa. Ảnh CAT Trong những năm qua, nhận thức được tầm quan trọng trong công tác phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm trên tuyến biên giới nhất là tội phạm buôn bán người, Công an tỉnh Điện Biên thực hiện tốt công tác phối hợp với Công an Trung Quốc và An ninh Lào. Thường xuyên duy trì tốt chế độ gặp gỡ trao đổi thông tin định kỳ cũng như đột xuất, tổ chức hội đàm thường niên và phối hợp điều tra các vụ án trong đó có các vụ án mua bán người. Trong 02 năm 2013 -2014, Công an tỉnh Điện Biên đã phối hợp với các lực lượng chức năng trong và ngoài tỉnh, Công an Trung Quốc và An ninh Lào phá 25 vụ, bắt giữ 39 đối tượng phạm tội mua bán người, tiếp nhận và giải cứu thành công 93 phụ nữ bị đưa qua bên kia biên giới. Để giúp những phụ nữ bị lừa bán sang nước ngoài trở về hòa nhập nhanh với cộng đồng, Công an tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, chính quyền các địa phương, hỗ trợ, giúp đỡ những nạn nhân được giải cứu cả về vật chất và tinh thần. Để hạn chế tiến tới ngăn chặn hiệu quả tình trạng nạn mua bán phụ nữ, trẻ em gái, trong thời gian tới bên cạnh công tác nghiệp vụ của lực lượng công an cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Các địa phương, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, hiểu biết về xã hội nói chung, năng lực nhận biết và phòng ngừa các thủ đoạn lừa đảo của bọn tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em nói riêng. Các hoạt động truyền thông cần được phong phú đa dạng, thiết thực có chiều sâu, đồng thời nên sớm đưa vào phổ biến trong các giờ ngoại khóa tại các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn tỉnh; thông qua các cuộc họp chi bộ, họp thôn, các buổi sinh hoạt cộng đồng, lồng ghép vào các hoạt động văn hóa văn nghệ ở thôn, bản; chú trọng việc tiếp nhận, hỗ trợ và tạo việc làm cho những nạn nhân bị mua bán trở về địa phương để họ nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó các lực lượng chức năng thực hiện quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh phòng chống hiệu quả loại tội phạm này nhất là công tác phối hợp với Công an Trung Quốc và An ninh Lào tiến hành giải cứu đưa các nạn nhân về đoàn tụ với gia đình./.

Tác giả: Trường Long - Công an tỉnh.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây