“Định vị” một thương hiệu văn hóa

Thứ năm - 23/03/2017 22:17

“Định vị” một thương hiệu văn hóa

Trong số các hoạt động chào mừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014), theo Tờ trình số 379/TTr-UBND ngày 16/3/2012 của UBND tỉnh Điện Biên, Lễ hội Hoa ban lần thứ nhất được tổ chức tại thành phố Điện Biên Phủ. Như vậy, năm 2017 là Lễ hội Hoa ban lần thứ tư và đó là một hoạt động văn hóa đang từng bước được “định vị” thương hiệu, nhờ nỗ lực của nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều đơn vị mà tiêu biểu là ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch...
Bằng thực tế mấy chục năm công tác trên miền Tây Bắc, nhà thơ Trần Thành - Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Điện Biên - cho biết: Địa bàn Tây Bắc là nơi sinh sống của nhiều dân tộc, trong đó người Thái là cư dân đông nhất, có một nền văn hóa phát triển nhất với nhiều lễ hội mang đậm những nét đặc trưng của văn hóa núi rừng như lễ hội xên bản - xên mường, lễ cầu mưa, lễ mừng lúa mới, hội hạn khuống... nhưng có lẽ đặc sắc nhất vẫn là lễ hội hái hoa ban. Hàng năm, cứ vào thời điểm sau Tết âm lịch khi cái lạnh vùng cao giảm dần và nắng ấm khe khẽ bừng lên, cũng là lúc hoa ban bắt đầu cho “màn trình diễn” làm trắng cả núi rừng Tây Bắc. Khắp các làng bản của đồng bào Thái, lễ hội hoa ban mở ra trong rộn ràng chiêng trống, trong náo nức lòng người. Những cánh rừng ban trở thành những bức tranh thiên nhiên lộng lẫy, lãng mạn và vô vùng hấp dẫn. /uploads/news/2017_03/1.5.jpg Tiết mục múa trong đêm khai mạc Lễ hội Hoa ban 2017. Ảnh: Văn Thành Chương Trong đời sống tâm linh của người Thái, hoa ban không chỉ biểu tượng của đạo hiếu, lòng biết ơn cha mẹ, mà còn là biểu tượng của tình yêu, lòng chung thủy trong hạnh phúc lứa đôi. Hoa ban cũng là biểu hiện của sự bất tử. Hoa ban có sức sống mãnh liệt, có những thân ban dù khô héo, khi xuân về vẫn xanh lá, nở hoa. Vào khoảng tháng hai âm lịch (tháng tám theo lịch người Thái), hoa ban bắt đầu nở rộ. Theo kinh nghiệm của đồng bào Thái, năm nào hoa ban nở nhiều sẽ báo hiệu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Đến ngày hội hái hoa ban, ngay từ sáng sớm, tiếng trống khua vang mường trên, bản dưới, giục giã nam thanh, nữ tú đi trảy hội. Nhà nhà đồ xôi, người người giết gà làm cỗ, những vò rượu cần ngon nhất được các chủ nhà bưng ra thết khách. Khi nắng ban mai trải khắp núi rừng cũng là thời điểm mọi người nô nức đổ ra rừng, chọn những cành ban đẹp nhất, nhiều hoa nhất mang tặng cha, mẹ, người yêu. Trai, gái hái hoa xong rủ nhau ra sông. Trên những con thuyền đuôi én, các chàng trai chân lái thuyền, tay chơi đàn tính tẩu, các thiếu nữ tay nâng niu những nhành ban, cất lên tiếng hát thiết tha, những câu hát trao duyên càng đằm thắm hơn, khao khát hơn giữa khung cảnh sắc xuân Tây Bắc. Về mùa khô sông, suối thượng nguồn nước chảy lững lờ, thuyền đuôi én lướt nhẹ trên sông đưa các cặp uyên ương cập bến tới một “sân chơi” đã được định trước. Sân chơi này thường là một bãi cát bằng phẳng, phía trên là một cánh rừng thưa. Hội hái hoa ban chính thức được bắt đầu. Tiếng đàn nhịp trống được cất lên, mọi người nắm tay và vòng xòe ngày càng rộng vì người tham gia mỗi lúc một thêm đông. Sau điệu xòe là điệu múa khăn của các cô gái mô phỏng cảnh sinh hoạt hàng ngày như hái rau, xúc tép, dệt vải... Tan cuộc vui, từng tốp, từng tốp kéo nhau về một nhà nào đó để dự tiệc rượu cần, cùng nhau ôn lại sực tích hoa ban, một câu chuyện tình đầy nước mắt. Lễ hội hoa ban còn tiếp tục khi màn đêm buông xuống, bên sàn hạn khuống các cô gái, chàng trai lại trao những câu hát trao duyên còn dang dở từ buổi hái hoa. Lễ hội hái hoa ban là nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Thái Tây Bắc. Đây là lễ hội của tình yêu, không hề mảy may nhuốm màu tín ngưỡng. Nhiều đôi trai gái qua lễ hội đã nên vợ, thành chồng. Lễ hội cũng hàm chứa một thông điệp nhắc nhở con người hãy bảo vệ thiên nhiên. Bởi theo tục lệ truyền thống của người Thái trước đây chỉ cho phép chặt ban vào ngày hội. Tiếc rằng trong cộng đồng Thái lễ hội hái hoa ban đã từ lâu không còn được tổ chức, nó chỉ còn trong ký ức của cụ già. Những cánh rừng bạt ngàn ban trắng ngày xưa đang dần thưa thớt và không ít nơi biến mất, chỉ còn lác đác vài cây ở sườn núi cao. Cho dù việc tổ chức lễ hội này không tốn kém, song việc khôi phục không đơn giản chút nào bởi liên quan đến việc trồng lại và bảo vệ những cánh rừng ban và hơn hết, cần phải có cái nhìn đúng đắn và sự nhiệt tâm của những nhà quản lý nói chung, quản lý văn hóa nói riêng. /uploads/news/2017_03/7.1.jpg Sự tích “Chàng Khun - nàng Ban” được tái hiện trong lễ khai mạc Tuần Văn hóa du lịch Điện Biên năm 2014. Ảnh: Mai Phương Là người con chính gốc của dân tộc Thái, bà Lương Thị Đại (một trong tám Nghệ nhân Ưu tú của tỉnh Điện Biên), người nắm giữ nhiều kinh nghiệm truyền dạy tiếng nói, chữ viết, tập quán xã hội và tín ngưỡng dân tộc Thái, cho biết: Không chỉ trang điểm cho mùa xuân thêm đẹp, mà hoa ban còn là nguyên liệu chính để tạo nên những món ẩm thực dân dã và độc đáo của đồng bào nhóm ngôn ngữ Tày - Thái. Mùa hoa ban, các bà các chị lúc đi nương về trong “ếp” thường có một ít hoa ban, không phải để chơi mà là để ăn. Hoa ban nấu canh, làm nộm, đồ lên chấm với dấm ớt măng chua... đó là thuộc tính riêng của hoa ban mà nhiều loài hoa khác không có được. Theo kinh nghiệm thảo dược dân gian: Lấy 15 - 20gram hoa ban phơi khô, sắc trong khoảng 500ml nước, còn lại khoảng 100ml. Sau đó chia uống ba lần sáng, trưa, tối trong ngày (có thể pha thêm chút đường), trị chứng ho khan hoặc viêm họng rất tốt. Có người dùng lá và búp non của cây ban, cũng dưới dạng sao vàng hạ thổ, chữa bệnh kiết lỵ tương đối hiệu quả. Để khai thác những đặc tính của hoa ban, hiện nay trong các nhà hàng, khách sạn ở Tây Bắc nói chung và Điện Biên nói riêng, các món ăn từ hoa ban đang xuất hiện nhiều hơn trong các thực đơn. Còn gì thú vị hơn và nên thơ hơn khi trong một khung cảnh trữ tình, thực khách vừa khoan khoái thưởng thức những món ăn từ hoa ban với hương vị độc đáo, vừa được các nữ tiếp viên xinh đẹp kể cho nghe câu chuyện tình bất tử về hoa ban. Chuyện rằng... ... Ngày xửa ngày xưa, ở mường nọ có một chú bé tên là Khun. Chàng Khun càng lớn càng làm nương giỏi, săn bắn lại rất tài. Cùng bản có cô gái tên là Ban đẹp người đẹp nết, múa dẻo, hát hay. Khun và Ban yêu nhau tha thiết, hẹn ngày kia nên vợ nên chồng. Nhưng trong vùng có tên chúa đất gian tham, thấy Ban xinh đẹp nó liền cho người bắt Ban về làm vợ, trong khi Khun đang đi làm ăn ở nơi xa. Ban bỏ nhà, bỏ bản quyết chí ra đi tìm Khun. Nàng vào rừng, đi mãi, gọi mãi mà chẳng thấy Khun đâu. Một chiều nọ, leo tới đỉnh núi thứ một nghìn thì Ban gục xuống trong đói khát, mệt mỏi và tuyệt vọng. Từ chỗ Ban nằm, bất ngờ mọc lên một loài cây với những cái lá trông như hình hai trái tim lồng lên nhau. Chỉ mấy hôm sau, cây trổ những cái nụ trắng hồng như ngón tay trinh nữ, những cái nụ lại nở ra những đoá hoa có nhị mang màu tím thuỷ chung, còn cánh thì trắng như màu ly biệt - đó là cây ban... Ngày Khun trở về không thấy Ban, chàng đi tìm qua muôn ngọn núi, qua vạn ngả đèo. Cuối cùng Khun kiệt sức ngã xuống, biến thành con chim mà nay người ta gọi là chim Khun. Loài chim Khun sống lẻ loi trong rừng, không có bầy đàn, không có tổ, suốt ngày bay lang thang như kiếm tìm ai đó giữa hoang dã điệp trùng. Quanh năm chim Khun im lặng, chỉ khi mùa xuân về, hoa ban nở thì nó mới hót. Tiếng hót chim Khun nghe như tiếng kêu khắc khoải lạc bầy, khi hoa ban tàn thì chim Khun cũng thôi không hót. Có lẽ nó lại dành thời gian vào việc kiếm tìm vô vọng, khổ đau...? Ông Nguyễn Đăng Quang - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Điện Biên - cho biết: Trong kho tàng văn học dân gian các dân tộc thiểu số Tây Bắc, hoa ban kiêu hãnh xuất hiện trong các trường ca, các truyền thuyết và các câu chuyện bên bếp lửa hàng đêm. Nhạc sỹ Quỳnh Hợp có ca khúc: “Chuyện tình Hoa ban trắng” với những ca từ (trích): “Bên sông Nậm Rốm ánh lửa bập bùng // Chờ hoa ban nở, nghe kể chuyện xưa // Nàng Ban xinh đẹp yêu chàng trai Khun // Tình duyên không thành chết hoá thành ban...”. Dân ca Thái có câu hát: “Đôi ta yêu nhau không tính mùa ban nở - Không thấy ngày ban tàn - Không tính tháng, không tính năm - Mãi mãi như mùa hoa đầu đôi ta yêu nhau”... Theo ông Nguyễn Đăng Quang, tuy Lễ hội Hoa ban 2017 chưa có tổng kết đánh giá chính thức của Ban tổ chức, nhưng nhìn chung đó là một lễ hội thành công trên nhiều phương diện, cả về kinh tế và văn hóa - xã hội. Lễ hội khép lại nhưng có nhiều điều lại “mở ra”, đó là tiềm năng cho du lịch phát triển, là sự mời gọi hợp tác và đầu tư cho địa phương, là vị thế và tình cảm của Điện Biên trong lòng quan khách, bè bạn và du khách muôn phương...

Tác giả: Thu Loan

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây