Đào tạo tiếng Việt cho Lưu học sinh Lào Tô thắm tình hữu nghị

Thứ năm - 03/09/2015 21:56

Tiết học tiếng Việt của lưu học sinh Lào tại  Trung tâm GDTX tỉnh.

Tiết học tiếng Việt của lưu học sinh Lào tại Trung tâm GDTX tỉnh.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và của Sở Giáo dục - Đào tạo, nhiều năm qua,Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) tỉnh Điện Biên đã và đang làm tốt công tác tiếp nhận, đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh các tỉnh Bắc Lào (Luông Pra Băng, U Đôm Xay, Luông Nậm Thà và Phoong Sa Ly). Qua đó không chỉ giúp cho nước bạn đào tạo những “hạt giống” trở về phục vụ quê hương nói riêng mà còn góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước láng giềng Việt Nam – Lào nói chung.
Ông Lò Mai Sơn, Phó Ban quản lý lưu học sinh Lào, Trung tâm GDTX tỉnh, cho biết: Thực hiện Đề án về “Hợp tác đào tạo giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào”, từ tháng 9/2003, mỗi năm tỉnh Điện Biên đã đào tạo cho các tỉnh Bắc Lào từ 75 - 90 lưu học sinh. Qua 10 năm thực hiện nhiệm vụ hợp tác đào tạo, với sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng những nỗ lực toàn thể cán bộ, giáo viên của Trung tâm GDTX tỉnh, công tác đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh Lào trên địa bàn tỉnh đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Chất lượng và số lượng không ngừng được nâng lên. Từ năm 2003 đến nay, tổng số lưu học sinh Lào được đào tạo tiếng Việt tại Trung tâm là 717 người, trong đó: Luông Pra Băng 232 học sinh; U Đôm Xay 240 học sinh; Phong Sa Ly 240 học sinh, và Luông Nậm Thà 5 học sinh. Kết thúc mỗi khóa học (trong thời gian 10 tháng), 100% lưu học sinh Lào đạt kết quả học tập từ trung bình trở lên, trong đó giỏi chiếm khoảng 10%, trên 60% đạt loại khá. Việc đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh Lào tại Trung tâm GDTX tỉnh là một trong những bước quan trọng giúp các em có nền móng vững chắc về ngôn ngữ, kiến thức cơ bản để sẵn sàng chuẩn bị cho hành trình theo học tại các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh: Trường Cao đẳng Sư phạm, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kĩ thuật, Trường Cao đẳng Y tế; sau gần kết thúc mỗi khóa học tiếng Việt, Nhà trường còn thường xuyên tổ chức các buổi hướng nghiệp, giúp các em đăng ký ngành học phù hợp với khả năng cũng như sở thích nhằm phát huy năng lực để đạt kết quả cao nhất trong học tập. Để đạt được những kết quả trên, hàng năm, ngoài sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm GDTX tỉnh luôn chú trọng đến việc phân công ban quản lý gồm các giáo viên chủ nhiệm và các nhân viên phục vụ là những người có kinh nghiệm, tâm huyết nhiệt tình, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, có phẩm chất đạo đức. Không những thế, trong các khóa học, Trung tâm cũng đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giảng dạy phù hợp. Hằng tháng, hằng quý Trung tâm đều tổ chức sinh hoạt chuyên môn, rút kinh nghiệm, bàn các giải pháp thực hiện để giúp đỡ các em trong học tập và giao tiếp. Đồng thời, để việc học tập của các em tốt hơn, sớm hòa nhập với môi trường mới, làm quen với tiếng Việt, ban quản lý cũng tăng cường kết hợp với các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động để lưu học sinh giao lưu, làm quen với học sinh Việt Nam. Đồng thời, lưu học sinh được tham quan các di tích lịch sử, thi đấu các môn thể thao, giao lưu văn hóa, văn nghệ nhân các ngày lễ lớn của 2 nước. Qua đó, giúp các em tìm hiểu phong tục, tập quán, truyền thống lịch sử, văn hoá của Điện Biên nói riêng và Việt Nam nói chung. Hơn 10 năm qua, mặc dù là một tỉnh miền núi khó khăn, ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp, song với tinh thần hợp tác quốc tế, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt - Lào, tỉnh Điện Biên nói chung, ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên nói riêng đã và đang làm tốt công tác đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh Lào. Thời gian tới, để việc đào tạo lưu học sinh Lào đạt hiệu quả, chất lượng, theo ông Lò Mai Sơn, Trung tâm sẽ làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật cho lư học sinh Lào; xây dựng môi trường học tập và sinh hoạt lành mạnh, thân thiện; thực hiện nghiêm túc, chu đáo việc chăm sóc, nuôi dưỡng lưu học sinh theo đúng chế độ, chính sách. Tăng cường, đa dạng các hình thức tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa, phong trào văn nghệ… giúp lưu học sinh thích nghi và hòa nhập với môi trường học tập, tăng khả năng tự tin trong giao tiếp, học tập, sinh hoạt. Từ việc chú trọng đào tạo Tiếng Việt cho lưu học sinh Lào, có thể khẳng định, tình hữu nghị giữa hai nước Việt - Lào không chỉ được tô thắm bằng xương máu của quân và dân hai nước qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, mà còn là sự gắn kết, không ngừng hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiếp tục bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước, xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội đúng như câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt - Lào hai nước chúng ta. Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”./.

Tác giả: Bài, ảnh: Văn Quyết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây