Giải pháp phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động Đài truyền thanh cơ sở

Chủ nhật - 28/05/2017 21:13

Giải pháp phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động Đài truyền thanh cơ sở

DIC - Hệ thống truyền thanh cơ sở có vai trò quan trọng, là “kênh” thông tin thiết yếu cung cấp thông tin phục vụ cuộc sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa, biên giới. Vì vậy, tỉnh ta đã có nhiều giải pháp để phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống này trên địa bàn.
/uploads/news/2017_05/b13truyenthanh.jpg Cán bộ kỹ thuật Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Mường Chà kiểm tra tín hiệu trước khi phát sóng. Thực hiện mục tiêu tổng quát của Quyết định số 119/QĐ-TTg ngày 18/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển thông tin và truyền thông nông thôn giai đoạn 2011 - 2020” với mục tiêu tổng quát “đưa phát thanh, truyền hình, sách báo tới người dân nông thôn để xóa dần khoảng cách thông tin giữa nông thôn và thành thị, cụ thể là bảo đảm các hộ gia đình khu vực nông thôn nghe và xem được các chương trình phát thanh, truyền hình”. Chú trọng phát triển sự nghiệp phát thanh cơ sở, thời gian qua trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai xây dựng các trạm phát sóng khu vực, tăng cường trang thiết bị kỹ thuật cho Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện và xây dựng các Đài Truyền thanh cấp xã... để nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình phát thanh. Đến nay, toàn tỉnh có 44/130 xã, phường, thị trấn có Đài Truyền thanh cơ sở (đạt 33,8%); 44 cán bộ làm công tác quản lý, vận hành các Đài Truyền thanh cơ sở (39 người kiêm nhiệm; 5 cán bộ bán chuyên trách). Thời lượng hoạt động của Đài Truyền thanh cơ sở từ 2 - 3 giờ/ngày; trong đó, 50% thời lượng tiếp âm các chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện; 30% thời lượng phát các thông báo của Đảng ủy và UBND cấp xã; 20% thời lượng hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, phòng chống dịch bệnh... Thông qua hệ thống phát thanh, truyền thanh, truyền hình đã góp phần quan trọng đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước, của địa phương và thông báo về công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở đến với người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Song trên thực tế, hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở của tỉnh còn một số hạn chế, đó là thông tin chưa phong phú, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ phụ trách còn bất cập; kinh phí duy trì, bảo dưỡng cho hệ thống đài cơ sở còn thiếu. Số lượng đài còn ít, hầu hết các Đài Truyền thanh tại cơ sở mới chỉ đáp ứng được việc thông báo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở và tiếp âm đài cấp trên; một số đài không tiếp âm đủ 3 cấp. Trang thiết bị cho Đài Truyền thanh xuống cấp, không đáp ứng được nhiệm vụ thông tin truyền thông... Quyết định số 1552/QĐ-UBND ngày 16/12/2016 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án Phát triển và nâng cao hoạt động của hệ thống Đài truyền thanh cơ sở tỉnh Điện Biên giai đoạn đến năm 2020 là cơ sở, điều kiện thuận lợi để tăng nguồn lực đầu tư cho việc phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động cho hệ thống này. Để thuận lợi cho quá trình thực hiện, Đề án chú trọng đổi mới, bổ sung, sửa đổi một số cơ chế, chính sách liên quan đến sự phát triển của đài truyền thanh cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật và nguồn lực của địa phương. Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách đảm bảo ổn định cuộc sống cho cán bộ công tác tại Đài Truyền thanh cơ sở. Từng bước tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức; xây dựng cơ cấu nguồn nhân lực làm công tác truyền thanh phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các Đài Truyền thanh cơ sở và thực tế phát triển của hệ thống phát thanh trên địa bàn tỉnh và trong cả nước. Chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ Đài Truyền thanh cơ sở thông qua việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ quản lý, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, thành viên ban biên tập, cán bộ phụ trách Đài Truyền thanh cơ sở; khai thác sử dụng các thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác thông tin truyền thông. Đầu tư mới trang thiết bị kỹ thuật Đài Truyền thanh không dây cho các xã chưa có Đài Truyền thanh cơ sở; cải tạo, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị đối với đài có trang thiết bị xuống cấp... Mục tiêu đặt ra đến năm 2020, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh có đài truyền thanh cơ sở tiếp sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh cấp huyện; đồng thời chuyển tải kịp thời, đầy đủ các thông báo, thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cấp xã; 100% Đài Truyền thanh cơ sở tự xây dựng được tối thiểu 2 chương trình/tháng; tiếp âm chương trình phát thanh của đài cấp trên tối thiểu 2 giờ/ngày. Đảm bảo 100% xã, phường, thị trấn có Đài Truyền thanh cơ sở được bố trí tối thiểu 1 cán bộ phụ trách Đài Truyền thanh cấp xã và được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ thông tin tuyên truyền và kỹ thuật vận hành, duy trì bảo dưỡng hệ thống trang thiết bị./.

Tác giả: Minh Thùy

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây