Cơ quan báo chí Trung ương tại Điện Biên

Thứ năm - 25/05/2017 21:40

Cơ quan báo chí Trung ương tại Điện Biên

Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Điện Biên, mà tiền thân là Phân xã Lai Châu đã đóng chân trên địa bàn của địa phương từ những năm 60 của thế kỷ trước. Mỗi năm, cơ quan thường trú Điện Biên sản xuất khoảng trên dưới 400 tin, bài, chủ đề ảnh và sản phẩm truyền hình về các mặt: Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng… Ngoài ra, còn khá nhiều các ấn phẩm như: Báo ảnh dân tộc Miền núi, Báo Thể thao - Văn hóa, các loại bản in, tài liệu tham khảo đặc biệt… phát hành trên địa bàn tỉnh. Lực lượng phóng viên của cơ quan thường trú hiện có 4 người, tham gia thực hiện chức năng của phóng viên đa phương tiện, một người đồng thời có thể thực hiện tất cả các loại hình báo chí như: Báo in, Báo ảnh, Truyền hình, Báo điện tử. Hiện tại, lực lượng phóng viên của TTXVN tại Điện Biên được đánh giá là khá tinh nhuệ và già dặn kinh nghiệm.
/uploads/news/2017_05/b9chu-quoc-hung.jpg Nhóm phóng viên Truyền hình TTXVN tác nghiệp tại địa bàn huyện Mường Nhé. Với vai trò là cơ quan thường trú TTXVN tại Điện Biên, TTXVN luôn phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) để cùng triển khai các nội dung tuyên truyền, trong đó có nhiệm vụ thực hiện các Quyết định 2472/QĐ-TTg và Quyết định 1977/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015. Theo đó, TTXVN có 2/24 ấn phẩm nằm trong danh mục báo chí cấp miễn phí cho các trung tâm xã, đồn Biên phòng, già làng trưởng bản và người có uy tín ở vùng sâu, vùng xa. Đó là báo Tin Tức, kênh thông tin chính thức của Chính phủ; Báo Dân tộc Miền núi, phát hành tại địa bàn bằng 2 dạng song ngữ: Việt - Mông và Việt - Tày. Để những tờ báo này tới được tay những đối tượng thụ hưởng, Sở TT&TT đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh trong việc khảo sát, lựa chọn đối tượng, lập danh sách và phối hợp với Tòa soạn 2 tờ báo trên và ngành Bưu điện, thực hiện thành công trong nhiều năm qua. Giao ban báo chí hằng tháng là một nội dung rất quan trọng trong công tác định hướng, quản lý các cơ quan báo chí hoạt động tại địa phương từ nhiều năm nay. Tại các cuộc giao ban này, các đơn vị báo chí từ Báo Điện Biên Phủ, Đài Phát thanh - Truyền hình, các tạp chí, ấn phẩm ngành… cho tới những cơ quan thường trú của TTXVN, Báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam… đều tới tham dự rất trọng thị. Bởi tại đây đội ngũ lãnh đạo, phóng viên của các cơ quan báo chí đã được nghe đánh giá lại quá trình thực hiện nội dung tin, bài trong một tháng trước, rút kinh nghiệm những vấn đề sai sót, gợi ý, định hướng tuyên truyền cho tháng sau. Sở TT&TT với vai trò quản lý nhà nước đã có những đóng góp tích cực trong các cuộc giao ban này. Bằng bề dày kinh nghiệm trong công tác quản lý báo chí, những tồn tại, vướng mắc trong công tác tuyên truyền đã được các lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở TT&TT vạch ra, giúp cho các đơn vị sửa chữa, khắc phục. Cụ thể đó là vấn đề vi phạm trong xuất bản, lỗi kỹ thuật trong in ấn, hay vấn đề đạo đức của người làm báo, nội dung những bài báo chưa chính xác, thiếu khách quan trung thực… đã giúp các nhà quản lý, các phóng viên, biên tập viên nhận ra thiếu sót của mình mà khắc phục. Chức năng khác mà Sở TT&TT tỉnh Điện Biên đang thực hiện, là việc quản lý về mặt Nhà nước các Văn phòng cơ quan báo chí Trung ương cũng như các phóng viên thường trú. Mới đầu, khi các phóng viên thường trú đặt chân tới địa bàn này làm việc, nhiều người đã khá khó chịu bởi sự quản lý này. Với mỗi Văn phòng được mở, hay phóng viên mới đến địa bàn, việc đầu tiên là phải chuyển các Quyết định của cơ quan chủ quản, về việc thành lập Văn phòng thường trú, về việc cử phóng viên tới địa bàn công tác theo nhiệm kỳ. Tuy nhiên, sau một thời gian, những người phụ trách cũng như phóng viên này mới hiểu việc đó là thực hiện theo quy định của pháp luật. Và qua đó, các Văn phòng đại diện và phóng viên thường trú mới được xác lập vai trò tác nghiệp hợp pháp của mình tại địa phương. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các phóng viên Trung ương tác nghiệp đúng pháp luật, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Điện Biên là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, nằm ở vị trí địa lý rất khó khăn về mọi mặt. Điều đó khiến cho các sự kiện thông tin về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… của địa phương khá nghèo nàn. Chính vì vậy mà Điện Biên là một trong những tỉnh có ít các cơ quan báo chí Trung ương thường trú nhất. Thậm chí đã có đơn vị từng đặt văn phòng tại đây, nhưng đã phải rút phóng viên đi các tỉnh khác như Kênh truyền hình Quốc hội tại Điện Biên. Nhưng với những cơ quan báo chí đang đóng chân trên địa bàn, thì vai trò của Sở Thông tin và Truyền thông Điện Biên đang có ý nghĩa quan trọng, giúp cho các đơn vị này thực hiện tốt vai trò của mình tại địa phương nơi đang thường trú./.

Tác giả: Chu Quốc Hùng

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây