10 năm phát triển của Đài cấp huyện và những thách thức mới

Chủ nhật - 28/05/2017 20:59

10 năm phát triển của Đài cấp huyện và những thách thức mới

DIC - Có thể nói, trong 10 năm qua Đài Truyền thanh - Truyền hình (TTTH) các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Điện Biên đã có những bước phát triển vượt bậc. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên không ngừng được nâng cao trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm trong công tác, phục vụ tốt hơn nhiệm vụ thông tin tuyên truyền cho địa phương. Với sự phát triển nhanh chóng về công nghệ số và mạng viễn thông đã làm cho việc truyền tải và cập nhật các thông tin trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết. Như trước đây mỗi thông tin từ huyện gửi cộng tác với các cơ quan báo chí của tỉnh hoặc đến với người dân phải mất vài ngày thậm chí cả tuần lễ thì nay người dân có thể nắm bắt thông tin của toàn tỉnh qua báo chí bằng giờ, bằng phút. Tuy mỗi Đài Truyền thanh - Truyền hình (TTTH) cấp huyện có sự phát triển khác nhau nhưng nhìn chung đều đã có những thay đổi đáng kể, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương.
/uploads/news/2017_05/b10tran-ky-nang.jpg Kỹ thuật viên Đài Mường Nhé bảo dưỡng thường kỳ trang thiết bị của Đài TNVN đầu tư cho huyện. Thực hiện Thông tư Liên tịch số 17/2010/TTLT/BTTTT-BNV ngày 27/7/2010 của Bộ Nội vụ - Bộ Thông tin và Truyền thông, từ giữa năm 2011 các Đài TTTH huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Điện Biên đã được chuyển giao công tác quản lý từ Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh về UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý. Đây thật sự là bước chuyển đổi quan trọng, cần thiết và có tính lịch sử đối với các Đài TTTH trong toàn tỉnh. Những ngày đầu chia tách còn khó khăn nhiều mặt, bỡ ngỡ, lo lắng trong công tác quản lý, lãnh đạo do phải độc lập và tự chủ hơn. Trong 6 năm qua, với sự chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và UBND huyện, Đài TTTH các huyện đã từng bước trưởng thành rõ rệt. Hầu hết các Đài đều đã được địa phương quan tâm đầu tư, nâng cấp, phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, tăng cường đội ngũ phóng viên, phát thanh viên; cùng với sự nỗ lực cố gắng của các Đài, việc xây dựng các chương trình phát sóng tại địa phương, các chương trình cộng tác với các cơ quan báo chí khác đã đảm bảo chất lượng và chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Đặc biệt mạng lưới truyền thanh không dây của các Đài FM cấp huyện và Đài Truyền thanh cấp xã từng bước phát triển. Nhiều Đài đã được đầu tư nâng cấp hệ thống phát sóng truyền thanh để tăng diện phủ sóng; qua đó, công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân đã được nhanh chóng và thuận lợi hơn. Với chức năng là cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ và chính quyền địa phương, ngoài việc phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin tham mưu cho UBND huyện về công tác Truyền thanh - Truyền hình trên địa bàn, các Đài TTTH còn chủ động hơn trong công tác thông tin tuyên truyền; có lựa chọn, có định hướng riêng để đảm bảo sao cho phù hợp với đặc thù và điều kiện của từng địa phương. Chính vì vậy, mỗi Đài đã có những ưu thế riêng để từng bước phát triển sự nghiệp của mình. Sau 10 năm Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên được thành lập, đặc biệt là sau khi Đài TTTH cấp huyện về trực thuộc UBND các huyện, công tác quản lý nhà nước giữa Sở đối với các cơ quan báo chí, tuyên truyền nói chung, với các Đài huyện nói riêng có vai trò vô cùng quan trọng và cần thiết. Ngoài công việc định hướng tuyên truyền cho các đài huyện, Sở đã chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các đài TTTH để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh nhiều văn bản quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực phát thanh - truyền hình. Tạo cơ sở để mỗi Đài huyện có những căn cứ để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chuyên môn. Đài TTTH cấp huyện không phải là một tờ báo, nhưng hoạt động lại có tính chất báo chí nên các Đài đều rất lúng túng trong việc chi trả nhuận bút và định mức tin, bài cho phóng viên. Nắm bắt được khó khăn này Sở đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quyết định số 17/2016/QĐ-UBND ngày 17/8/2016 của UBND tỉnh ban hành quy định chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Quyết định đã giúp các Đài giải quyết triệt để vướng mắc này. Mặc dù trong những năm qua các Đài cấp huyện đã có bước phát triển đáng kể, song hiện tại trong công tác thông tin, tuyên truyền cũng còn rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi mỗi Đài cần chủ động, tích cực trong việc tham mưu để tạo được sự đồng thuận, quan tâm giúp đỡ hơn nữa của chính quyền địa phương trong việc phát triển trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ. Trước những nhu cầu ngày càng cao của người dân, có nhiều phương thức tiếp cận thông tin mới được phát triển để người dân lựa chọn, đòi hỏi công tác TTTH cấp huyện cũng cần phải thay đổi cho phù hợp. Một thực tế hiện nay đó là hiệu quả tuyên truyền qua máy phát truyền hình của các Đài huyện đã rất kém do chất lượng không còn đáp ứng được nhu cầu của người xem. Mặt khác, việc sử dụng phương thức phát sóng tương tự (Analog) như hiện nay đã lạc hậu và không còn phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Cụ thể như ở huyện Mường Nhé - một huyện thuộc diện khó khăn nhất, nhì của tỉnh - nhưng đa phần người dân không lựa chọn xem truyền hình qua các kênh phát sóng của Đài huyện mà xem bằng phương thức khác (xem qua MyTV, qua vệ tinh…). Chính vì vậy, việc tiếp thu, phát sóng truyền hình của đài huyện đang trở nên rất lãng phí. Theo lộ trình Số hóa truyền hình mặt đất của Chính phủ, từ năm năm 2017 đến 2020, các tỉnh thuộc nhóm IV (trong đó có tỉnh Điện Biên) sẽ triển khai thay đổi phương thức phát sóng từ “Tương tự” sang “Số mặt đất” để chuyển tải các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của các đài truyền hình Trung ương và địa phương trên địa bàn. Đảm bảo đến trước ngày 31 tháng 12 năm 2020, tất cả các Đài truyền hình sẽ kết thúc việc phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển hoàn toàn sang phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất. Mục tiêu đến 2020, đảm bảo 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau. Có thể thấy rằng lộ trình phát triển truyền hình số mặt đất là rất phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Muốn công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền hình của các Đài huyện, thị xã, thành phố thực sự có hiệu quả thì ngay từ thời điển này, các Đài TTTH cần chủ động xác định rõ việc tham gia vào Đề án số hóa trên địa bàn, từ việc bắt đầu sắp xếp lại bộ phận kỹ thuật làm công tác truyền dẫn theo hướng từng bước giảm biên chế, đào tạo lại cán bộ nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu tập trung vào nhiệm vụ sản xuất chương trình; tham mưu cho UBND huyện trong việc lập kế hoạch xử lý hạ tầng truyền dẫn, phát sóng đang quản lý phù hợp với điều kiện của địa phương, tránh lãnh phí./.

Tác giả: Trần Kỳ Năng

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây