Mường Chà: Nhiều ý kiến tham gia dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thứ tư - 01/05/2013 22:10
DIC - Với đặc thù sản xuất nông nghiệp là chủ yếu nên đất đai luôn là vấn đề nhạy cảm và tập trung nhiều đơn thư khiếu kiện nhất trong toàn tỉnh nói chung và huyện Mường Chà nói riêng. Trong đợt lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, người dân huyện Mường Chà đặc biệt quan tâm và tham gia đóng góp khá nhiều ý kiến.
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Chà, các ý kiến tham gia đều cơ bản thống nhất với các nội dung trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Dự thảo Luật đã cơ bản giải quyết những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình thi hành Luật Đất đai. Nhiều ý kiến tập trung vào các nội dung như: Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, quyền nghĩa vụ của tổ chức và người sử dụng đất. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng một số nội dung trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi còn dàn trải, chưa giải quyết triệt để những vấn đề còn vướng mắc, bất cập trong quản lý sử dụng đất hiện nay. Ông Lò Văn Hịch, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường Mường Chà tham gia Tại khoản 2 điều 11: Những hành vi bị nghiêm cấm: cần bổ sung vào cụm từ “không sử dụng đất” là bao nhiêu năm bỏ hoang, khi người khác sử dụng thì không được đòi lại, đối với các loại đất khi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.ÔngLò Văn Lún, Chủ tịch UBND xã Mường Mươn, huyện Mường Chà tham gia tại điều 35: Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất “Đề nghị bổ sung nội dung thứ 6, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã. Vì cấp xã là cấp quản lý nhà nước về đất đai cuối cùng của hệ thống tổ chức hành chính và trực tiếp quản lý đất tại địa phương. Nếu bỏ cấp xã không được lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thì cấp xã quản lý đất đai bằng hồ sơ, tài liệu nào? Trong khi đó nhà nước quản lý về đất đai bằng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo từng giai đoạn và kế hoạch hàng năm”. Một số ý kiến tham gia cho rằng: Tại khoản 2, Điều 50 quy định “Trường hợp giao đất, cho thuê đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để sử dụng vào mục đích khác thì ngoài các căn cứ tại khoản 1, Điều 50 còn phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, là không phù hợp với thực tiễn, phức tạp về thủ tục hành chính. Vì ở cấp cơ sở khi xin ý kiến của Thủ tướng để chuyển mục đích sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất sẽ mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án. Đề nghị cụ thể hóa diện tích giao đất, cho thuê đất lúa là bao nhiêu héc ta trở lên thì phải xin ý kiến Chính phủ, thay vào đó là giao thẩm quyền quyết định cho cấp tỉnh. Lý do đơn giản là theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp dưới đã được cấp trên phê duyệt. Tại khoản 4, Điều 57 quy định: Người có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại khoản 1, 2, 3 và tại khoản 3, Điều 65 quy định: Người có thẩm quyền thu hồi đất quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này “không được ủy quyền” cần bỏ cụm từ “không được ủy quyền” vì hiện nay chúng ta thực hiện cải cách thủ tục hành chính, mọi thủ tục đều có thời hạn giải quyết cụ thể. Trường hợp chủ tịch đi công tác dài ngày thì sẽ có người được ủy quyền thay thế giải quyết theo quy trình. Nếu không cho phép ủy quyền thì công việc sẽ ùn tắc, không đảm bảo tính liên tục trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.

Tác giả: Duy Sinh - Anh Quân (Đài PT- TH tỉnh)

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây