Quản lý thuê bao di động trả trước: Trách nhiệm chính vẫn là các Doanh nghiệp viễn thông

Thứ ba - 19/03/2013 22:20

Đoàn công tác Sở TT&TT làm việc với UBND huyện Mường Chà trong việc QLNN về thông tin và truyền thông.  Ảnh: Cao Thương

Đoàn công tác Sở TT&TT làm việc với UBND huyện Mường Chà trong việc QLNN về thông tin và truyền thông. Ảnh: Cao Thương
Sau hơn 6 tháng, kể từ khi Thông tư số 04/2012/BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về quản lý thuê bao di động trả trước (DĐTT) có hiệu lực. Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng tổ chức triển khai phổ biến, thực hiện nghiêm túc nội dung thông tư này. Nhưng đến nay, vấn đề quản lý hoạt động thuê bao DĐTT vẫn gặp không ít khó khăn. Số lượng khách hàng đăng ký sai thông tin thuê bao còn nhiều; việc mua, bán SIM rác tràn lan và sử dụng thiết bị có chức năng kích hoạt SIM thuê bao không cần phải bẻ SIM diễn ra phổ biến. Nhiều điểm cài đặt thông tin thuê bao không đủ điều kiện theo quy định….
Trong vai khách hàng, chúng tôi đến một số cửa hàng trương biển “Mua, bán SIM, thẻ” trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ. Không có gì ngạc nhiên, ở đây việc mua bán SIM thuê bao DĐTT kích hoạt sẵn diễn ra sôi động, công khai. Một cửa hàng tại cổng chợ Trung tâm thành phố ĐBP, khi đặt vấn đề chủ cửa hàng mang ra một tệp SIM trên 30 chiếc và một danh sách số thuê bao đã kích hoạt của hai nhà mạng Vinaphone và Viettel. Chỉ mất vài phút và bỏ ra 65.000 đồng, tôi đã sở hữu một SIM mạng Viettel được kích hoạt sẵn, trong tài khoản có 100.000 đồng, chỉ cần bẻ SIM lắp vào điện thoại là gọi được ngay. Đảo qua một vòng thành phố, hàng chục cửa hàng không có chức năng cài đặt thông tin thuê bao cũng trong tình trạng như vậy. Tại cửa hàng HL, khi chúng tôi băn khoăn về việc làm thế nào mà kích hoạt được SIM trong khi theo quy định việc kích hoạt phải được thực hiện tại điểm đăng ký thông tin thuê bao theo một quy trình chặt chẽ; không ngần ngại người bán hàng mang ra một bộ thiết bị rất gọn kết nối với một chiếc điện thoại và cho biết việc kích hoạt SIM hết sức đơn giản. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có trên 560 ngàn thuê bao di động trả trước của 4 nhà mạng: Vinaphone, Viettel, Mobifone và Vietnamobile. Mỗi tháng trung bình có khoảng 1.200 thuê bao mới kích hoạt. 100% thuê bao DĐTT đang hoạt động đã đăng ký thông tin, nhưng những thông tin của thuê bao đó có chính xác hay không là một câu hỏi cần các nhà mạng trả lời. Qua trao đổi, chúng tôi được biết, ngay sau khi Thông tư 04 được ban hành, Sở Thông tin và Truyền thông Điện Biên đã nhanh chóng triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động thuê bao DĐTT từ việc tập huấn, phổ biến, hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thanh tra, nhắc nhở các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn tỉnh thực hiện. Tuy nhiên, để chấn chỉnh và tổ chức thực hiện có hiệu quả thông tư 04 trên địa bàn tỉnh cần sự quản lý chặt chẽ của mỗi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, trong đó trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp mang tính quyết định. Thời gian tới, để siết chặt quản lý thuê bao DĐTT, các doanh nghiệp viễn thông cần chủ động tổ chức và phối hợp với các cơ quan báo chí địa phương phổ biến, tuyên truyền các quy định về quản lý thuê bao DĐTT. Hướng dẫn các chủ điểm đăng ký thông tin thuê bao, chủ thuê bao thực hiện nghiêm Thông tư 04. Rà soát cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao DĐTT của doanh nghiệp mình; có các giải pháp, cách thức thông báo để các chủ thuê bao đăng ký lại thông tin và có biện pháp xử lý theo đúng quy định. Xây dựng kế hoạch, triển khai điểm đăng ký thông tin thuê bao trên phạm vi toàn tỉnh; ký kết lại hợp đồng ủy quyền tiếp nhận đăng ký thông tin thuê bao với các chủ điểm đăng ký thông tin thuê bao. Tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về quản lý thuê bao DĐTT của doanh nghiệp đối với chủ điểm đăng ký thông tin thuê bao; chấm dứt hợp đồng uỷ quyền đăng ký thông tin thuê bao DĐTT với chủ điểm đăng ký thông tin thuê bao vi phạm hợp đồng. Phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Thông tư 04. Đối với cơ quan quản lý nhà nước về viễn thông cần tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp tổ chức triển khai nghiêm túc Thông tư 04. Đồng thời, phối hợp với cơ quan công an tổ chức thanh tra, kiểm tra, đối soát cơ sở dữ liệu thông tin khách hàng với cơ sở dữ liệu chứng minh thư nhân dân, có các biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trong đó tập trung xử lý các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ cho thuê bao đối với chủ thuê bao cung cấp không đầy đủ hoặc không chính xác thông tin thuê bao theo quy định. Cương quyết xử lý đối với các hành vi mua bán, trao đổi hoặc sử dụng thiết bị có chức năng kích hoạt SIM thuê bao, đăng ký thông tin thuê bao mà không cần bẻ SIM và các chủ điểm giao dịch không thực hiện đúng quy trình tiếp nhận đăng ký thông tin thuê bao,… Với sự phối hợp chặt chẽ, quyết liệt của các cơ quan chức năng, đặc biệt là sự chỉ đạo, quản lý chặt chẽ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn tỉnh, chắc chắn việc quản lý hoạt động thuê bao di động trả trước sẽ đi vào nền nếp, góp phần cho việc tiết kiệm kho số của doanh nghiệp và phòng chống SIM rác, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội của địa phương./.

Tác giả: Xuân Thắng

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây